Cần thiết nâng lương cơ sở từ năm 2023
Thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội ngày 28/10, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên với các tỉnh miền xuôi đã khó, miền núi còn khó khăn hơn nhiều. Nếu không có giải pháp căn cơ để giải quyết ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
Đại biểu chỉ ra, hiện nay thiếu nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh, Tin học đối với cấp Tiểu học và môn Âm nhạc Mỹ thuật đối với THPT, nguyên nhân là do không có nguồn để tuyển dụng.
Đại biểu nêu dẫn chứng: “Đơn cử như tỉnh chúng tôi, tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 hồ sơ. Trong khi hàng năm số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều”.
Theo đại biểu Quốc Khánh, ngoài lý do thu nhập thấp, áp lực yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao thì với tỉnh miền núi, điều kiện cuộc sống vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Trong khi chính sách đặc thù thu hút, giữ chân giáo viên đã lạc hậu, chậm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nhiều nơi không được hưởng do đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, việc nâng lương cơ sở thực hiện từ năm 2023 là hết sức cần thiết.
Đại biểu đề nghị Trung ương điều chỉnh thời gian tăng lương sớm hơn như dự kiến. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại chính sách thu hút, hỗ trợ người học và người dạy đã lạc hậu để đề xuất sửa đổi.
Chính sách đãi ngộ cần đặc biệt hơn, ưu đãi hơn đối với đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, biên giới. Trước tiên, để giữ chân người dạy và thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp vào các trường sư phạm lên công tác.
Cần triển khai hiệu quả chương trình GDPT
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn, triển khai nhiều chủ trương mới, hoàn thành năm học 2021-2022, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất hiện nay là triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đảm bảo các điều kiện cần thiết như bố trí tuyển dụng đầy đủ giáo viên giảng dạy các môn học mới, đảm bảo chất lượng, bố trí đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất và trang thiết bị, bảo đảm có sách giáo khoa kịp thời, chất lượng tốt, giá hợp lý.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ cho các gia đình kinh tế khó khăn, đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa, để giáo viên sớm tiếp cận sách giáo khoa mới, có điều kiện nghiên cứu, xây dựng các bài giảng.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn, chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể để sắp xếp các điểm trường trên phạm vi cả nước, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đúng nguyên tắc để mọi trẻ em đều được đến trường.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét để có lộ trình tăng học phí hợp lý, có tính đến điều kiện người dân vừa gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh; đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%. Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đề xuất Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn, trong đó quy định rõ nguồn kinh phí riêng để thực hiện đề án, ưu tiên các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.