Ngôi Á quân U23 châu Á hồi đầu năm vẫn chưa đủ sức thuyết phục, chưa khiến đại đa số tâm phục, ngả mũ trước những chiến binh quả cảm. Không ít người vẫn còn nghi ngờ về năng lực thật sự của thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam hiện nay.
Bởi, trong thời gian dài, chúng ta luôn là "kẻ lót đường" trong các giải đấu tầm cỡ châu lục. Thực tế, những thành tích tốt nhất của Olympic Việt Nam cũng chỉ là lọt vào vòng 1/8 tại giải ASIAD từng được tổ chức.
Ngay cả ở vùng Đông Nam Á, Việt Nam vẫn chưa bao giờ được đánh giá là có sức mạnh thật sự. Bước vào mỗi trận đấu “lớn”, ngay cả tuyển Quốc gia Việt Nam nói chung thì Việt Nam cũng chưa bao giờ đánh được “đòn phủ đầu” trước các đội bóng ngang tầm hoặc mạnh hơn như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Việc bước vào ASIAD lần này, nhiều người không khỏi nghi ngờ về năng lực thật sự của tuyển Olympic Việt Nam. Họ cho rằng, đội tuyển chỉ "ăn may" khi bước vào vòng 1/8 vì rơi vào bảng đấu quá nhẹ, có Pakistan và Nepan.
Nhưng điều này có lẽ phải suy tính lại.
Việt Nam đã giành điểm tuyệt đối sau 3 trận thắng và không bị lọt lưới bàn nào. Rõ ràng, đó là một sức mạnh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, được đầu tư bài bản và với thế hệ cầu thủ tài năng thật sự.
Hơn thế nữa, người viết cho rằng, Việt Nam bước vào ASIAD lần này với tâm thế và vị trí hoàn toàn khác so với các giải đấu trước đây. Ít ra các đối thủ cũng phải dè chừng về sức mạnh, đặc biệt là lối chơi kỹ thuật, thông minh và khéo léo của các cầu thủ… dù thể hình có nhỏ con.
Mặt khác, những cầu thủ này đã trưởng thành qua một giải đấu quá tuyệt vời tại Trung Quốc mới đây. Đội được chạm trán với các đội bóng lớn trong khu vực châu Á, nhất là với những đối thủ to con đến từ khu vực Tây Á. Còn nhớ nhiều trận tại giải U23 châu Á, Việt Nam đã cày ải “dữ” như thế nào, khi liên tục phải “chiến đấu” tròn 120 phút.
Do vậy, tại ASIAD 2018, kể cả Nhật Bản, khi đối đầu, HLV Park đã chỉ đạo các học trò chơi một trận cầu sòng phẳng và giành chiến thắng lịch sử (dù Nhật có đội hình chủ yếu là các cầu thủ trẻ, không được đánh giá cao).
Thế hệ cầu thủ của tuyển Olympic Việt Nam đã được rèn luyện và kinh qua nhiều trận đấu nảy lửa, cực kỳ khó khăn.
Điển hình như trận thắng Bahrain, các cầu thủ phải có bản lĩnh thì mới có thể ghi được bàn thắng quan trọng như Công Phượng. Vào những giây phút quyết định, để có cú sút tung nóc lưới đội bạn thì thật sự là phải có tinh thần... “có gang, có thép”.
Lúc này, người viết lại nhớ về 2 bàn thắng của Quang Hải vào lưới Qatar tại giải U23 châu Á hồi đầu năm. Hai bàn đó đã góp phần quyết định cục diện trận đấu. Đặc biệt là bàn thắng thứ 2 ở những phút cuối cùng trong 2 hiệp chính thức với Qatar, giúp Việt Nam kéo đội được đánh giá mạnh nhất giải đó vào 2 hiệp phụ.
Với kỹ thuật điêu luyện, cái đầu lạnh, Quang Hải đủ bình tĩnh để làm động tác giả và đẩy một nhịp bóng. Sau đó, cầu thủ này tung ra cú cứa lòng, đưa trái bóng vào lưới theo cách mà "siêu sao" Messi hay làm.
Phân tích tình huống này, phải xét đến bối cảnh Việt Nam đang chống đỡ các đợt tấn công ào ạt của Qatar, đồng thời tỷ số là 2 -1 nghiêng về đội bạn. Với sức ép về mặt tỷ số, thời gian (sắp kết thúc trận), những đợt tấn công của đội bạn… nhưng Quang Hải vẫn bình tĩnh để thực hiện cú sút mềm mại, đẹp như mơ… Điều đó đủ nói lên sự tự tin của các cầu thủ nói chung và Quang Hải nói riêng.
Lần này, Công Phượng cũng vậy, thực hiện 1 cú ra chân “chuẩn không cần chỉnh”. Dù đấu với Bahrain, thế trận đã khác nhưng nếu vì “áp lực” thắng trong thế được chơi hơn người song không có cái đầu lạnh thì cũng khó làm nên chuyện. Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều đội tuyển “mới lên chân” đã thất bại trong tình thế tương tự.
Ngày mai (27/8), vào lúc 19h30, dù kết quả của trận gặp Syria chưa rõ thế nào nhưng việc HLV người Hàn đưa Olympic Việt Nam vào đến tứ kết ASIAD đã là một kỳ tích, chưa có tiền lệ. Nó còn ý nghĩa hơn, khi Việt Nam là cái tên duy nhất ở khu vực Đông Nam Á lọt tới tứ kết của giải.
Kết quả này được xây, tạo nên từ nền tảng thực sự, bước qua những "lời nguyền", họ đang trên đường chinh phục những đỉnh cao mới ở châu lục.
Chúc cho tuyển Olympic Việt Nam “chân cứng đá mềm”, viết tiếp kỳ tích cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục.
Nguyễn Tùng (một người hâm mộ bóng đá tại TP.HCM)