Tuyên Quang: Người Dao trên vùng cao Lâm Bình làm du lịch

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 5, 28/03/2024 15:15

Những năm gần đây, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Tuyên Quang đã biết khai thác thế mạnh văn hóa bản địa để phát triển kinh tế bằng dịch vụ, du lịch.

Thoát nghèo nhờ làm du lịch

Thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn, Lâm Bình (Tuyên Quang) nằm trên trục đường quốc lộ 279 cách huyện Na Hang 10km, cách huyện Lâm Bình 18km. Nơi đây có rất nhiều hang động đẹp, hoang sơ như Hang Thẳm Nặm, hang Chợ Khỉ, Thẳm Vài với nhiều khối nhũ đá muôn sắc, óng ánh màu cẩm thạch, là sản phẩm của tự nhiên có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi, độc đáo gợi cho du khách sự tò mò muốn được khám phá về mảnh đất này. Đến đây du khách được cùng người dân bản địa trải nghiệm việc bắt cá, bắt tôm, bắt cua dưới các khe nước trong hang.

Bản Biến có trên 170 hộ gia đình với trên 720 nhân khẩu, là thôn có nhiều hộ gia đình nhất trên địa bàn xã Phúc Sơn, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc Dao. Vì vậy thôn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào như làn điệu Páo Dung, múa màng, thổi tù và đặc biệt là trang phục truyền của người dân tộc Dao.

Với lợi thế đó huyện Lâm Bình đã lựa chọn và xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện.

Trước đây, khi lên được điểm thôn Biến là cả một chặng đường dài với dốc, mỏm đá, chỉ có đi bộ mới lên tới nơi thì nay, thế nhưng nay Con đường đến với thôn Bản Biến đã thuận tiện hơn trước rất nhiều, đường bê tông đã được trải dài đến tận thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và buôn bán.

Ông Lý Văn Phương, là một trong những hộ sinh sống ở Bản Biến lâu năm, nắm bắt được lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương, sau chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch tại một số nơi như Na Hang và huyện Lâm Bình, ông đã bắt tay vào chỉnh trang nhà cửa để làm du lịch Homestay. 

“Năm 2019, tôi biết đến ngành du lịch cộng đồng, gia đình đã bàn bạc ấp ủ phải làm du lịch, để nhiều du khách biết đến quê hương mình hơn. Thế nhưng dịch Covid 19 hoành hành nên phải tạm hoãn lại kế hoạch, cuối năm năm 2020 gia đình sửa chữa cơ sở hạ tầng rồi đầu năm 2021 homestay chính thức đi vào hoạt động. Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa có kinh nghiệm, thế nhưng được sự quan tâm từ lãnh đạo địa phương, khuyến khích ủng hộ nên tôi và gia đình càng có động lực hơn nữa”, ông Phương - Chủ homestay Thẳm Ngần chia sẻ.

Văn hoá - Tuyên Quang: Người Dao trên vùng cao Lâm Bình làm du lịch (Hình 2).
Những món ăn mang đậm hương vị núi rừng.

Những năm đầu khởi nghiệp, lượng khách đến Bản Biến còn ít, loay hoay tìm cách để phát triển thu hút khách du lịch, ông Phương đã đăng ký tham gia học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch từ cách quảng cáo thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội đến học gấp chăn màn, dọn buồng phòng, rồi kỹ năng nấu ăn, pha chế. 

Sau thời gian dài, đến nay lượng khách đến với Lâm Bình, Tuyên Quang ngày càng đông, trong đó có cả du khách nước ngoài. Chính vì thế mà công việc làm ăn của gia đình ông Phương cũng ngày càng ổn định. 

Văn hoá - Tuyên Quang: Người Dao trên vùng cao Lâm Bình làm du lịch (Hình 3).
Homestay Thẳm Ngần tại thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn, Lâm Bình (Tuyên Quang).

Chị Nguyễn Thảo Liên (du khách) từng nghỉ ở Homestay Thẳm Ngần, chia sẻ: “Phong cảnh nơi đây rất đẹp, hùng vĩ, đặc biệt hơn hết tôi còn được thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm hương vị của núi rừng, được ở trong ngôi nhà truyền thống của người dân nơi đây, con người ở Bản Biến rất hồn hậu, mến khách. Những ngày ở đó, tôi còn được trải nghiệm khám phá các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc bản địa một cách rất thú vị và ý nghĩa”.

Ông Phương cho biết thêm, homestay hiện cung cấp dịch vụ nghỉ với các loại phòng khách nhau và phục vụ ăn uống cho du khách. Đặc biệt có người hướng dẫn địa phương, hợp tác cùng khi du khách có nhu cầu tìm hiểu và khám phá du lịch. Đồng thời duy trì đội văn nghệ trong thôn để tổ chức phục vụ múa, hát cho du khách đến tham quan.

Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại thôn Bản Biến không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giải quyết vấn đề việc làm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong thôn có cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

"Chúng tôi đã có cuộc sống khấm khá hơn khi làm du lịch. Người Dao vẫn cố gắng giữ bản sắc, mặc trang phục truyền thống đón khách", ông Phương nói.

Văn hoá - Tuyên Quang: Người Dao trên vùng cao Lâm Bình làm du lịch (Hình 4).
Homestay Thẳm Ngần được xây dựng khang trang phục vu du khách đến Bản Biến, Phúc Sơn.

Để Bản Biến trở thành khu du lịch mang thương hiệu của huyện

Hiện nay trên toàn huyện Lâm Bình có hơn 50 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch homestay. Để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, huyện đã tiến hành quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích người dân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch.

Bà Ma Thị Lý - Quyền Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, Lâm Bình, Tuyên Quang cho hay, với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng khu du lịch Bản Biến, xã Phúc Sơn trở thành khu du lịch có thương hiệu thu hút du khách, UBND xã Phúc Sơn cùng UBND huyện Lâm Bình đã xây dựng kế hoạch, đưa ra mục tiêu thực hiện theo từng năm với những nội dung, công việc cụ thể như mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân khôi phục các nghề truyền thống của dân tộc Dao, tập huấn nấu ăn, làm hướng dẫn viên du lịch và vận động các hộ gia đình làm dịch vụ cho du khách tham gia trải nghiệm thực tế về lao động sản xuất

Ngoài ra, UBND xã còn có nhiều chuyến khảo sát các hộ gia đình và lựa chọn một số hộ có khả năng làm du lịch tổ chức cho đi tập huấn và tham gia học tập các mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường sinh thái, gia đình, nâng cao hoạt động của các câu lạc bộ hát páo dung, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống.

Sẽ còn nhiều khó khăn nhất định khi xây dựng điểm du lịch thôn Bản Biến trở thành khu du lịch mang thương hiệu riêng của huyện, song tin tưởng vào sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã và sự đồng thuận của nhân dân trong thôn nói riêng, nhân dân các dân tộc ở xã Phúc Sơn nói chung, chắc chắn thôn Bản Biến sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới.                                     

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.