Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề do Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị tổ chức. Đây là chương trình khởi đầu cho chuỗi hoạt động của Năm Du lịch Tuyên Quang 2024 và có ý nghĩa rất lớn cả về phương diện kinh tế - xã hội.
Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề - Tuyên Quang năm 2024 có quy mô trên 100 gian hàng với sự tham gia của trên 50 tổ chức xúc tiến du lịch, thương mại, doanh nghiệp, thương nhân.
Năm nay góp mặt trong sự kiện, gian hàng thổ cẩm truyền thống của Lâm Bình - Tuyên Quang cũng được “xuống phố" để quảng bá giới thiệu tới đông đảo du khách thập phương.
Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời, gắn bó với đời sống văn hoá không thể thiếu trong đời sống của người Tày ở Tuyên Quang, và là nghề gia truyền từ đời này sang đời khác.
“Đến với chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề - Tuyên Quang năm nay, chúng tôi mang đến rất nhiều sản phẩm do chính con người Lâm Bình tạo ra như: Trang phục truyền thống của người Tày, khăn, mũ, ví, túi xách….. đều được thêu bằng thủ công. Nghề dệt thổ cẩm không những là sản phẩm mà du khách ưa chuộng nhiều, mà còn là sản phẩm để người lao động có thể đạt thu nhập, phù hợp sức lao động mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ nông thôn”, bà Ma Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình nói.
Cũng theo bà Hồng, nhằm khuyến khích người dân giữ gìn, phát triển các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, HTX Thổ cẩm Lâm Bình đã chia ra thành nhiều tổ, nhóm cùng sở thích nằm trên địa bàn các xã, như nhóm cùng sở thích dệt khăn thổ cẩm, chăn thổ cẩm; nhóm thêu; nhóm may và thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm, nhóm quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống Lâm Bình…. trên các trang mạng xã hội.
Chỉ với hơn 3 năm thành lập, đến nay HTX Thổ cẩm Lâm Bình đã có trên 30 thành viên và sản xuất ra nhiều sản phẩm đa dạng để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định với nhiều mặt hàng, tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động địa phương cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương, việc tổ chức Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề - Tuyên Quang năm 2024 là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu uy tín của mình.
Đối với người tiêu dùng là dịp để ghi nhận các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ tích cực trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong sản xuất, quản lý, tạo ra nhiều sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, thông qua chương trình, tỉnh Tuyên Quang mong muốn thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã để mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Ngọc Trâm