Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định mới về đào tạo liên thông, trong dư luận xã hội đã có những ý kiến trái chiều. Người thì đồng tình “siết chặt” để nâng cao chất lượng, còn phía đối lập cho rằng đó là “chặn đường” của những người muốn học tiếp.
Trao đổi với Nguoiduatin.vn, ông Vũ Ngọc Phương, phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội nói: “Người học trung cấp thì trình độ đã kém lại phải thi chung với học sinh phổ thông thì quá khó, đã liên thông thì đại đa số các em không trúng tuyển đại học nên phải đi học trung cấp, trước đây thi theo chương trình trung cấp còn bây giờ thi “ba chung” nên các em phải thi kiến thức cấp ba việc này là đánh đố thí sinh”.
Cùng quan điểm trên, ông Đặng Lộc Thọ, trưởng phòng đào tạo trường CĐ Sư phạm Trung ương cho biết: “Hầu hết học sinh trung chuyên nghiệp và cao đẳng đều có nguyện vọng học liên thông, mà họ mong muốn học liên thông song song với làm việc, nghĩa là vừa học vừa làm, đây là nguyện vọng rất chính đáng của họ”.
Với quy định của Bộ GD – ĐT vừa qua là một việc làm quá gấp gáp, bởi người học không dễ gì chuẩn bị lại được kiến thức, đây là một điều kiện quá khó khăn cho các thí sinh dự thi đợt này – ông Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thọ, đơn vị tổ chức thi sẽ không có gì khó khăn cả mà khó khăn tập trung vào thí sinh dự thi, với cách làm này hệ liên thông sơm muộn gì cũng chết.
Với việc đưa ra quy định mới Bộ GD-ĐT hi vọng sẽ kiểm soát được việc đào tạo liên thông của các trường. Tuy nhiên đó chỉ là bề nổi mà ai cũng có thể nhìn thấy được, còn phía sau nó có hướng đến nhiều mục đích quan trọng hơn.
Phan Chính