Nhiều trường đại học sẽ tăng học phí
Áp dụng các quy định của Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí, trong mùa tuyển sinh 2023 - 2024, nhiều trường công bố mức học phí dự kiến tăng cao. Theo đó, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn. Học phí với chương trình chất lượng cao tăng lên 48 - 50 triệu đồng, mức học phí đối với diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 - 44 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 - 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được nhà trường dự kiến từ 16 - 22 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội dự kiến tăng trung bình 2 triệu đồng học phí tùy theo từng ngành học.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu.
Trường Đại học Điện lực cũng dự kiến tăng học phí 14% so với năm trước, mức học phí năm tới 16 - 18 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, cả năm là 57,4 triệu đồng. Trong khi đó, năm 2020 - 2021, là 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 - 2023, là 27,3 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cũng đã công bố học phí tăng lên 940.000 đồng/tín chỉ với chương trình chuẩn cho sinh viên năm thứ nhất. Năm ngoái, học phí của trường dao động 715.000 đồng/tín chỉ (tương đương 22,5 - 29,9 triệu đồng/năm).
Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM tăng học phí bình quân dự kiến 5,3 - 6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16 - 18 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành dược học, sinh viên phải đóng 6 - 6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18 - 20 triệu đồng/học kỳ.
Năm học tới, học phí các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, dược học của Khoa Y, ĐHQG Tp.HCM là 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Riêng ngành điều dưỡng có mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước)…
Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM chương trình chuẩn có mức học phí 7,05 triệu đồng/học kỳ, chương trình đại học chính quy chất lượng cao gần 18 triệu đồng/học kỳ, chương trình quốc tế, liên kết đào tạo quốc tế là 212,5 triệu đồng/toàn khóa học (bao gồm học phí tiếng Anh, chương trình chính khóa, kỹ năng mềm...). Sinh viên học 8 học kỳ, học phí trung bình 26,5 triệu đồng/học kỳ.
Nhiều trường dự kiến tăng học phí năm học mới, chuyên gia nhận định gì?
Thông tin về học phí của các trường đại học là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường cho mùa tuyển sinh năm nay.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho rằng vừa muốn mức học phí thấp, đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học không tăng, vừa muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao là điều không thể. Thực hiện tự chủ đại học mà Nhà nước cắt giảm đầu tư, các trường không tăng học phí thì không thể bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tăng học phí như thế nào và các chính sách kèm theo ra sao để bảo đảm cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người dân là điều cần phải tính toán, xem xét.
"Nguồn thu trong bối cảnh tự chủ đại học là một bài toán khó, cần phải gắn liền với cơ chế quản trị đại học về tài chính. Các cơ sở giáo dục phải quản trị hiệu quả, tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Nếu không làm tốt vấn đề quản trị về tài chính, trường đại học không có đủ kinh phí để thuê giảng viên giỏi, không thể đầu tư cho cơ sở vật chất, cuối cùng chất lượng giáo dục không bảo đảm, nhà trường cũng không thể phát triển nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm mới. Vấn đề ở đây cơ sở giáo dục đại học cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó chi phí sẽ giảm. Trước mắt các trường cần rà soát lại chuẩn đầu ra và cấu trúc lại chương trình để giảm chi phí cho nhà trường, từ đó giảm học phí cho người học", ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng, dù tự chủ, Nhà nước vẫn cần đầu tư và tiếp tục chi ngân sách cho giáo dục đại học.
Trong khi đó TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), đặt vấn đề các trường tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Việc các trường đồng loạt tăng học phí có thể gây ra nhiều áp lực cho người học. Trên thực tế, học phí là một trong các yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Đã có không ít thí sinh đỗ đại học phải chọn con đường khác vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn.
Trên thực tế, như Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, tổng chi cho một sinh viên đại học ở Việt Nam còn rất thấp so với thế giới, kể cả khi tính theo tỉ lệ GDP. Như vậy muốn nâng cao chất lượng đào tạo bắt buộc chúng ta phải tăng suất đầu tư trên sinh viên. Điều này phục vụ việc mở rộng, tăng cường cơ sở vật chất để có thể thu hút được đội ngũ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên giỏi hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho hay, bên cạnh năng lực, sở thích, thí sinh còn phải đặc biệt chú ý đến an toàn tài chính trong suốt thời gian học đại học. “Để có thể yên tâm trong thời gian học đại học, thí sinh cần đọc kỹ thông tin học phí được các trường thông báo tại Đề án tuyển sinh. Trong đó, ngoài mức học phí đóng cho năm học hiện tại, cần tìm hiểu lộ trình tăng học phí các năm tiếp theo của trường như thế nào, từ đó tính toán điều kiện kinh tế để lựa chọn”, TS Đào Tùng lưu ý.
Trong khi đó TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, để minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho người học, Bộ GD&ĐT cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc yêu cầu các trường đại học công khai học phí, chương trình đào tạo cũng như quy định rõ thời gian công bố, vị trí đăng thông tin công bố và số lần công bố.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi chọn ngành, chọn trường để tránh nhầm lẫn
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, đề án tuyển sinh của hầu hết các trường đại học nhìn chung thường khá dài, thông tin về học phí lại không được đặt ở một cột cố định, dễ nhìn và cách tính học phí của các trường hiện nay cũng không giống nhau nên thí sinh không dễ dàng để có cách hiểu đúng về học phí.
Trong khi đó, đây lại đang là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành, chọn trường của thí sinh, nhất là những em có điều kiện kinh tế bình thường hoặc khó khăn.
Trên thực tế, học phí của sinh viên đại học được tính căn cứ vào số lượng tín chỉ mà sinh viên học trong một học kỳ/năm học. Cùng một lớp học nhưng số tiền học phí mà mỗi sinh viên cần đóng trong một học kỳ có thể sẽ không giống nhau vì tùy thuộc vào kết quả học của sinh viên. Nếu sinh viên bị nợ môn, bị học lại càng nhiều môn thì tiền học phí cũng tăng tương ứng.
Ngoài ra, cách tính học phí của các trường hiện không giống nhau, có trường tính theo tháng, theo kỳ, có trường tính theo tín chỉ. Chính điều này có thể dẫn đến những "hiểu lầm" đối với học sinh và phụ huynh trong việc xác định mức học phí.
Đặc biệt học sinh, phụ huynh cần lưu ý, đối với chương trình đại trà, chương trình chuẩn, học phí sẽ được điều chỉnh theo từng năm theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, tức là tăng theo từng năm, theo lộ trình nên càng những năm sau thì học phí sẽ càng tăng.
Còn đối với chương trình chất lượng cao của một số trường, tuy học phí ban đầu có thể cao hơn nhiều so học phí đại trà nhưng trường có thể sẽ cam kết giữ ổn định trong suốt thời gian học. Do đó, học sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ các quy định này để lựa chọn ngành học, chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, tránh tình trạng phải "đứt gánh giữa đường" do "hiểu nhầm" về học phí.
Tuyển sinh 2023: Các mốc thời gian cần lưu ý
Thời gian tổ chức xét tuyển thẳng
- Thí sinh hoàn thành việc nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các trường trước 17h ngày 30/6.
- Ngày 5/7, cơ sở đào tạo hoàn thành việc xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh; cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên hệ thống.
- Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8 là khoảng thời gian hoàn thành xét tuyển thẳng; xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).
Thời gian tổ chức xét tuyển sớm
Đến 17h ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Thời gian đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống
- Từ ngày 5/7 đến 11/7, các Sở GD&ĐT cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định, từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7.
- Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
- Đến 17h ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).
- Từ ngày 26/7 đến 17h ngày 5/8 là thời gian nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
- Các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào 17h ngày 14/8. Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống vào 17h ngày 30/8.
- Các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung từ ngày 1/9. Từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2023, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Trúc Chi (theo Lao Động, Người Lao Động, CAND, Dân Sinh)