Nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh
Kỳ thi riêng do cơ sở đào tạo đại học tổ chức có thể chia thành 3 loại: Tổ chức riêng cho trường, tổ chức cho nhóm ngành cùng xét tuyển và thi năng khiếu đặc thù. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia có hàng trăm trường lấy kết quả xét tuyển; kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có trên 20 trường đại học lấy kết quả xét tuyển, chủ yếu là các trường khối kỹ thuật, công nghệ. Kỳ thi năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 trường sư phạm trên toàn quốc công nhận kết quả để xét tuyển… Hiện nay, nhóm trường được dư luận quan tâm nhất là Y dược. Hiện duy nhất có Trường Đại học Cửu Long tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển hệ chính quy một số ngành Y dược là Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học. Thí sinh sẽ tham gia 3 bài thi Toán, Hoá học, Sinh học. Điểm thi tính theo thang điểm 30. Trường tổ chức 2 đợt thi vào tháng 5 và tháng 10.
Năm 2023 dự kiến nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý thí sinh tham gia quá nhiều kỳ thi riêng sẽ lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực thi cử
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Tiền Phong, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, nhà trường ưu tiên lấy kết quả kỳ thi để xét tuyển năm nay và năm 2024. Tuy nhiên, có chỉ tiêu lên, mở rộng sang các ngành học khác ngoài Y khoa đối với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp. Từ năm 2025, Trường Đại học Y Hà Nội xem xét lựa chọn một trong hai phương án: Có một kỳ thi chung giữa các trường Y dược hoặc nhà trường tổ chức một kỳ thi riêng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao.
Cũng theo GS Tú, Trường Đại học Y Hà Nội ưu tiên phương án có một kỳ thi chung giữa các trường Y dược vì thuận lợi cho thí sinh, chống ảo cho các trường. Nếu các trường Y dược không thống nhất tổ chức kỳ thi riêng, nhà trường lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi cho những ngành có tính cạnh tranh cao như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền…, những ngành còn lại sẽ xét tuyển.
Có cần quá nhiều kỳ thi?
Theo Người Lao Động, nếu chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh rất khó đỗ vào những ngành "hot", trường tốp đầu, bởi các trường này ngày càng dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trong khi đó, đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy gồm nhiều môn thành phần nên có những môn thí sinh trước đây không quan tâm nhưng nay buộc phải ôn tập để thi.
PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, cho rằng thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có kế hoạch phù hợp. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực và gánh nặng về thi cử trong khi lại khó có kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đề nghị các trường dù tuyển sinh theo phương thức nào cũng cần đánh giá, phân tích tương quan giữa các phương thức, kết quả tuyển sinh, kết quả học tập, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra các phương thức phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và chất lượng đầu vào.
“Nhiều kỳ thi riêng có tạo áp lực cho thí sinh hay không? Phải nói rằng mỗi kỳ thi có đặc thù riêng. Nhưng các kỳ thi này phân bổ cả 2 miền, từng vùng miền đã chia ra theo lĩnh vực. Tôi vẫn khuyên thí sinh không nhất thiết phải tham gia nhiều kỳ thi. Các em chỉ cần tham gia 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi riêng là đủ. Vì kỳ thi nào cũng sẽ tập trung đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc phổ thông, do đó không phải tham gia nhiều kỳ thi sẽ tạo thêm áp lực cho thí sinh”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói. Theo ông, hiện đang đặt quá nhiều yêu cầu vào các ngành đặc thù. Thực tế, các nhóm ngành tuyển sinh đều dựa trên những môn khoa học cơ bản. Vì vậy, không nhất thiết mỗi lĩnh vực lại có 1 kỳ thi riêng.
Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định thời gian tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi riêng. Bởi các trường khi tổ chức cũng cần tính đến hiệu quả của kỳ thi, chỉ dừng lại ở 1-2 kỳ thi là tốt nhất.
Trước việc ngày càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, GS Nguyễn Tiến Thảo cũng cho rằng thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình THPT là hoàn toàn đạt kết quả cao. Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, đề thi rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú, không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa nên không trung tâm, đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi đối với bộ đề thi khổng lồ của đơn vị này.
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Bộ GD&ĐT vừa công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023.
Cụ thể, ngày 27/6, các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29/6 tổ chức thi. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho hay từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6 thời gian còn rất dài, vì vậy các em học sinh hoàn toàn có đủ thời gian để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trúc Chi (t/h)