Những mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý trong tuyển sinh 2023
Thời gian tổ chức xét tuyển thẳng: Về thời gian tổ chức xét tuyển thẳng, thí sinh hoàn thành việc nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các trường trước 17h ngày 30/6.
Thông tin trên Chính Phủ, ngày 5/7, cơ sở đào tạo hoàn thành việc xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh; cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên hệ thống.
Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8 là khoảng thời gian hoàn thành xét tuyển thẳng; xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).
Về thời gian tổ chức xét tuyển sớm: Đến 17h ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Thời gian đăng ký xét tuyển chung: Về thời gian đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống: Từ ngày 5-11/7, các SởGD&ĐTcấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định, từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7.
Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Đến 17h ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).
Từ ngày 26/7 đến 17h ngày 5/8 là thời gian nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào 17h ngày 14/8.
Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống vào 17h ngày 30/8.
Các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung từ ngày 1/9/2023.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2023, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay rút ngắn chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là một tháng.
Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn so với năm trước, để các cơ sở đào tạo có thể khai giảng vào đầu tháng 9.
Hạn chế đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro
Năm 2023, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp, thí sinh sẽ đăng ký theo ngành. Nhiều trường đánh giá cách làm này tạo thuận lợi cho thí sinh và nhà trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, trước những điểm mới đáng chú ý về mặt kỹ thuật khi đăng ký xét tuyển đại học năm nay.
Bà Thủy cho hay, phần mềm tuyển sinh năm nay có nhiều cập nhật, hướng dẫn rõ ràng hơn trên hệ thống để thí sinh truy cập tránh những lỗi thường gặp phải. Theo đó, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh chỉ cần đăng ký theo ngành mà các em mong muốn, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp môn. Điều chỉnh này sẽ tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.
"Mỗi ngành học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Các trường đại học sẽ dùng tất cả kết quả các em đang có để xét tuyển tốt nhất có thể cho các em trúng tuyển vào ngành đó. Các em chỉ cần đăng ký ngành mình mong muốn ứng tuyển, có kết quả các tổ hợp phù hợp phương thức xét tuyển cho ngành học đó là được xét tuyển", bà Thủy nói và khẳng định thí sinh được ưu tiên tối đa để trúng tuyển bằng phương thức tốt nhất mà mình có.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh sau khi đăng ký xét tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các minh chứng cần thiết lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3. Đây là quy định để thí sinh có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất.
Tuy nhiên, thí sinh lưu ý không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng, nhưng cũng không nên đăng ký quá ít để tránh rủi ro.
"Năm ngoái, có những em đăng ký một nguyện vọng duy nhất và tưởng mình chắc chắn trúng tuyển. Sau đó, vì sai sót về đối tượng/khu vực ưu tiên, cuối cùng, em không trúng tuyển và lỡ hết các cơ hội khác. Vì vậy, các em đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro", bà Thủy nói.
Bộ GD&ĐT chắc chắn đã tính toán các phương án tối ưu
Trao đổi với Zing, TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Gia Định, cho biết năm 2022, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng đăng ký xét tuyển, lọc ảo, xác nhận nhập học đều phải thực hiện trên hệ thống chung.
Điều này khiến các trường bỡ ngỡ bởi một trường có ít nhất 3 phương thức xét tuyển, nhất là xét tuyển bằng học bạ THPT với nhiều hình thức khác nhau, dẫn đến khó khăn cho thí sinh và quá trình lọc ảo của các cơ sở giáo dục.
"Sang năm 2023, việc cải tiến kỹ thuật đã tạo thuận lợi hơn cho các trường, đồng thời tối ưu lợi ích của thí sinh. Các em chỉ cần lưu ý mã ngành, mã trường để đăng ký cho đúng. Điều này website các trường đại học và thầy cô bậc THPT sẽ hướng dẫn các em kỹ càng", TS Toàn nói.
Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng khẳng định việc chỉ cần đăng ký theo ngành sẽ có lợi cho thí sinh, tránh phức tạp khi đăng ký nguyện vọng.
"Năm ngoái, có những thí sinh đăng ký ngành mà không đăng ký phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển. Bên cạnh đó, có những em không biết bản thân có lợi ở phương thức nào, làm mất cơ hội trúng tuyển. Năm nay, hệ thống sẽ tự động lọc phương thức tối ưu nhất cho các em", ông Hạ nói.
Vị phó hiệu trưởng cho biết hiện tại, các trường chưa tiếp cận phần mềm mới, chắc chắn nhà trường cũng phải tính toán dữ liệu khi đưa lên để thuận lợi cho thí sinh.
Tuy nhiên, ông Hạ nhận định trước khi công bố cải tiến, Bộ GD&ĐT chắc chắn đã tính toán các phương án tối ưu. Chính vì vậy, ông Hạ cũng lưu ý thí sinh không cần quá lo lắng về sự thay đổi này.
"Các em chỉ cần để ý tên ngành, mã ngành, mã trường để đăng ký cho chính xác", ông Hạ nhấn mạnh.
Chọn trường có học phí phù hợp
Theo Tuổi Trẻ, hiện tại, dù các chương trình tư vấn tuyển sinh đã được tổ chức ở nhiều địa phương nhưng đa số các trường đại học chỉ mới công bố phương án tuyển sinh chứ chưa phải là đề án tuyển sinh nên thông tin về học phí chưa có, thí sinh cần tham khảo đề án của năm 2022.
Trong bối cảnh các trường đại học đang dần hướng đến phải tự chủ thì việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, để việc học không đứt gánh giữa chừng thì mỗi thí sinh cần phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định chọn trường. Hành trình học đại học sẽ bớt gian nan hơn nếu các em chọn được một ngôi trường vừa sức với chính gia đình mình!
Trên thực tế gần đây cho thấy có một bộ phận thí sinh khi đã bước chân vào giảng đường mới phát hiện ra điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của ngôi trường mà chính mình đã chọn.
Trong khi đó, chi phí để theo đuổi giảng đường đại học đâu chỉ học phí mà còn đủ các loại khác như tiền thuê phòng, ăn uống sinh hoạt, đi lại, học thêm ngoại ngữ...
Vì vậy, thí sinh, gia đình, thầy cô cần tìm hiểu và chọn ra ngành học của một trường nào đó thực sự phù hợp với điều kiện tài chính, năng lực học tập của mình.
Trúc Chi (t/h)