Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17h ngày 30/7.
Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, chậm nhất là 17h ngày 30/6/2024, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các cơ sở đào tạo.
Chậm nhất là ngày 10/7/2024, cơ sở đào tạo xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh. Cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên Hệ thống.
Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7/2024, thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên Hệ thống (nếu có).
Chậm nhất ngày 10/7, các trường đại học xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống, đồng thời, cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Từ ngày 18/7, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần đến 17h ngày 30/7.
Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Chậm nhất ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối ngành sức khỏe và sư phạm, sau đó xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8.
Trước 17h ngày 19/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Đến 17h ngày 27/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ ngày 28/8, các cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh đợt bổ sung.
Từ tháng 9 đến tháng 12, các cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 được tổ chức từ ngày 27-28/6. Điểm thi dự kiến công bố từ 8h sáng 17/7. Thời gian xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho học sinh chậm nhất ngày 19/7.
Thông tin trên báo Đầu Tư liên quan đến thông tin tuyển sinh đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 và đợt 2. Ngày 20-21/4 tới đây sẽ diễn ra đợt 3 tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương dự kiến 18.000 thí sinh dự thi.
Tính đến ngày 15/4, đã có nhiều trường công bố điểm sàn nhận hồ sơ theo phương án điểm thi đánh giá năng lực. Cụ thể, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp..HCM đạt từ 850 điểm, hoặc đạt từ 100 điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có cơ hội trúng tuyển Trường Đại học Ngoại thương.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin mức điểm sàn này lần lượt của trường là 800 và 85 điểm. Ngoài ra, thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội đạt từ 60 điểm cũng có cơ hội trúng tuyển trường này.
Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh trúng tuyển sớm chỉ được công nhận chính thức khi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ để thực hiện lọc ảo chung.
Khác với kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ được thi 1 lần trong năm, các kỳ thi đánh giá năng lực đánh giá tư duy thường được các trường tổ chức nhiều lần trong năm và kết quả tùy trường sẽ được bảo lưu trong vòng 1 hay 2 năm.
Như vậy, thí sinh cần cân nhắc thời điểm đăng ký dự thi hợp lý cũng như có kế hoạch ôn tập phù hợp do cấu trúc mỗi đề thi đánh giá năng lực của các trường khác nhau.
Để đạt kết quả tốt nhất trong các kỳ thi riêng này, các chuyên gia đánh giá thí sinh cần bình tĩnh ôn tập, hệ thống hóa kiến thức trước khi bước vào kỳ thi.
Trúc Chi (t/h)