Trong đề án tuyển sinh 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố tuyển bằng ba phương thức: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 18% và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT trong khi các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.
Tương tự, năm 2024, Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ.
Trao đổi với Vietnamnet, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, việc xét tuyển đại học căn cứ vào học bạ có thể “nhàn hạ” cho các trường và dễ tuyển sinh, song chất lượng đầu vào rất đáng trăn trở.
Theo ông Đức, tuyển sinh đại học thông qua học bạ khó đảm bảo công bằng. Bởi chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau; thậm chí có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, truyền thống và uy tín… cũng khác, nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.
“Có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội. Ví dụ một em có điểm tổng kết một môn nào đó là 9, học lực giỏi theo học bạ của trường này nhưng không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác.
Bên cạnh đó, chưa kể, tỉ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh”, GS Đức nói.
Do đó, xét tuyển sinh đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế...
Đáng chú ý ngay từ mùa tuyển sinh năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá tư duy và phương án này cũng tiếp tục được duy trì trong mùa tuyển sinh năm 2024.
Trước việc nhiều trường top trên nói không với xét tuyển bằng học bạ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, cho rằng đây là điều bình thường. Một số trường có thể sử dụng hoặc không sử dụng một vài phương thức tuyển sinh nhất định cho các ngành đào tạo nhất định.
Đối với các trường Đại học, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc cần một kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Trường có đào tạo những ngành đặc thù cần các kỳ thi năng khiếu riêng… Trong khi đó, với trường Đại học đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao, thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được. Các em này cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.
Bà Thủy nhấn mạnh tuyển sinh dù bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm được chất lượng đầu vào của thí sinh, sao cho đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, đồng thời bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển.
Đặc biệt Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường cần có phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Vừa qua, một số trường đã công bố các phân tích đối sánh và phân tích tương quan để xem xét phương thức tuyển sinh (ví dụ bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…) tương quan như thế nào với kết quả học tập của sinh viên khi vào học đại học. Kết quả phân tích này đưa đến việc các trường điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức... một cách hợp lý, khoa học, có căn cứ.
Nói thêm về phương thức tuyển sinh của các trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng kết quả tuyển sinh (số liệu, dữ liệu, so sánh, phân tích) của toàn hệ thống được Bộ GD&ĐT công bố trong hội nghị tuyển sinh hằng năm chính là căn cứ để các trường xem xét, cân nhắc điều chỉnh. "Trong hội nghị tuyển sinh cuối tháng 2, đầu tháng 3-2024, chúng tôi sẽ công bố số liệu tuyển sinh năm 2023 để các trường, thí sinh và toàn xã hội có thông tin nhằm có thể ra các quyết định phù hợp nhất", bà Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, các trường cũng cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng những đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. Bà Thủy cho rằng đối với những trường quan tâm đến chất lượng và sự công bằng đối với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại nhiều hiệu quả, trong khi lại khó bảo đảm sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể làm một số thí sinh giỏi bỏ lỡ cơ hội khi các em đặt nguyện vọng trong hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.
"Các trường cần ưu tiên phân tích, so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc Đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường", bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý các trường tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối đối với thí sinh.
Thông tin trên ANTĐ, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ khi có hiện tượng “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở bậc THPT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường Đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh Đại học do Bộ GD&ĐT ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường Đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ GD&ĐT là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.
Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển Đại học hay không thì các trường phổ thông cũng phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.
Trúc Chi (t/h)