Mới đây, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính Tp.HCM vừa công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm học bạ đợt 1 cho 36 ngành đào tạo.
Theo đó, điểm chuẩn tất cả các ngành là 18. Điểm chuẩn được xét theo tổ hợp 3 môn lớp 12 hoặc tổng điểm trung bình 3 học kỳ gồm năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12.
Thông tin trên Vietnamnet, đây là điểm chuẩn có điều kiện, thí sinh chỉ trúng tuyển khi tốt nghiệp THPT 2024. Năm nay, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính Tp.HCM tuyển 6.610 sinh viên. Nhà trường sử dụng các phương thức xét tuyển gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (25% chỉ tiêu), xét điểm học bạ (70%), xét điểm thi đánh giá của ĐH Quốc gia Tp.HCM tổ chức (5%).
Trong hội nghị tuyển sinh mới đây, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, có nhiều phương thức xét tuyển chính được các cơ sở đào tạo sử dụng như: Xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT (49,45%); Xét học bạ (30,24%); các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) (14,10%); Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); Xét tuyển thẳng theo đề án (2,32%), ngoài ra xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác.
Các trường đại học sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, điều này gây nhiễu thông tin, mặt khác nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển nên kém hiệu quả.
Tính đến ngày 30/3, đã có 185 trường đại học trên cả nước thông báo xét tuyển học bạ THPT năm 2024, theo Lao Động.
Đưa ra lời khuyên với các thí sinh chọn suất vào ĐH sớm, PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ với Đại Đoàn Kết, việc các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh chủ động trong đăng ký nguyện vọng, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mong muốn.
Theo ông Học, để trúng tuyển vào trường và ngành học mong muốn, thí sinh nên tuân thủ những điều sau: Mạnh dạn đặt nguyện vọng ngành và trường mình yêu thích nhất ở nguyện vọng 1, dù điểm xét tuyển của các em ở mức nào.
Tiếp đó, các nguyện vọng thứ hai trở đi sẽ dành cho những nguyện vọng có thứ tự yêu thích thấp hơn nhưng vẫn theo thứ tự ngành/trường nào thích hơn thì đặt nguyện vọng trên, các ngành/trường ít thích hơn thì đặt nguyện vọng dưới. Thí sinh có thể lựa chọn nhiều hình thức xét tuyển cho 1 ngành/trường mà mình yêu thích tương ứng với các nguyện vọng khác nhau.
Thí sinh cần cân nhắc năng lực của bản thân (dựa trên điểm xét tuyển có được qua các hình thức) để đặt nguyện vọng, sao cho đảm bảo ít nhất phải có 1 nguyện vọng chắc chắn đỗ.
Trúc Chi (t/h)