Làm sao để hiểu đúng bản chất?
Thưa ông, nếu Đại học Bách khoa năm nay đổi tên các ngành học để cho thí sinh hiểu rõ đúng bản chất và chuẩn hoá như ông nói, nhưng các trường khác không phải là đại học Bách khoa, họ cũng tuyển sinh các ngành và vẫn gọi là "công nghệ thông tin", vậy ông có thể giúp thí sinh và độc giả hiểu đúng bản chất vấn đề? Làm thế nào có thể rạch ròi trong việc thi vào, tuyển vào hoặc khuyên thí sinh trong việc lựa chọn?
Có một số trường ở Việt Nam vẫn đào tạo cả Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính và có luôn cả Công nghệ thông tin. Nghĩa là “Công nghệ thông tin” là từ phổ biến ở Việt Nam. Phổ biến ở mức độ bây giờ người ta cứ nói “làm việc với máy tính” tức là Công nghệ thông tin. Thế nên, một số trường cũng chưa dám quyết liệt chuẩn hoá theo quốc tế. Vẫn phải giữ bởi sợ sinh viên sẽ không hiểu Khoa học máy tính làm gì? Kỹ thuật máy tính sẽ làm gì?
Năm nay, số lượng câu hỏi chúng tôi phải trả lời về sự phân biệt giữa Khoa học máy tính và Công nghệ máy tính tăng vọt. Các em luôn hỏi: “Tại sao năm nay không tuyển Công nghệ thông tin”? Thậm chí có một số nơi truyền thông cũng chưa đúng, là Bách khoa không tuyển Công nghệ thông tin nữa. Điều đó không đúng.
Ông có thể giải thích cụ thể?
Chúng tôi chỉ chuẩn hóa lại để làm sao cho nội dung, nội hàm và tên gọi đúng bản chất. Nếu các em đã chọn Bách khoa Hà Nội thì không sao, bởi vì chúng tôi đã truyền thông để các em hiểu rất rõ sự khác biệt giữa Khoa học máy tính & Kỹ thuật máy tính, khả năng của em nên vào ngành nào phù hợp. Nếu ở các trường khác vẫn còn ngành Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, lời khuyên nữa với các em, là nên đến tận nơi tìm hiểu, lên trang web để xem sự khác biệt của nó về bản chất là thế nào? Còn đối với Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi đã để rất là rạch ròi Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Khoa học dữ liệu.
Thưa ông, để thí sinh hoặc độc giả có thể hiểu được một cách đơn giản nhất, ông có thể giải thích cho độc giả biết học ngành Khoa học máy tính khi ra trường sẽ làm gì ? Tương tự, với ngành Kỹ thuật máy tính, ra trường sẽ làm những công việc như thế nào ?
Bản chất 2 ngành này cũng không khác biệt nhau quá nhiều, nghĩa là cơ sở cốt lõi của nó rất giống nhau. Nếu theo cách hiểu nôm na của học sinh phổ thông và đại chúng xã hội nói chung thì làm kỹ sư công nghệ thông tin là làm phần mềm, lập trình web, làm game và viết app cho điện thoại... Có thể khẳng định những việc này tương đối đơn giản.
Lập trình là nghề chung của công nghệ thông tin, nói theo nghĩa rộng ở Việt Nam là bao gồm tất cả - lĩnh vực nào, ngành nào cũng sẽ lập trình được.
Nhưng nếu khi đi sâu vào trong chương trình đào tạo, ngành Khoa học máy tính sẽ hướng tới phát triển các phần mềm ứng dụng chạy trên máy tính và máy chủ, sử dụng các kỹ thuật trong công nghệ phần mềm và phát triển hệ thống thông tin. Ví dụ, các em có thể học về cơ sở dữ liệu, học về lập trình làm thế nào để phát triển phần mềm theo đúng chuẩn, các kỹ thuật lập trình, học về các khái niệm liên quan đến xử lý dữ liệu và thậm chí có cả - không phải là quá chuyên sâu- về phần học máy và trí tuệ nhân tạo, phát triển các thế hệ hệ thống thông tin và giúp đỡ trong nghiệp vụ...
Còn ngành nghề Kỹ thuật máy tính thì nó lại nằm ở lớp giữa phần cứng và phần mềm, nghĩa là một giải pháp bây giờ thông thường sẽ bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Nghĩa là ngành Kỹ thuật máy tính nó tiến đến gần hơn với thiết bị và ngành khoa học máy tính là đến gần hơn về phía máy tính, tương tác với người dùng. Ngành Kỹ thuật máy tính “nằm” giữa thiết bị và người dùng, phần mềm ứng dụng cho người dùng.
Ngoài ra, thì bây giờ lại xuất hiện thêm một ngành nghề nữa là Khoa học dữ liệu.
Những “mỏ vàng” chờ khai thác
Ngành Khoa học dữ liệu hiểu tương tự như “big data” phải không, thưa ông?
PGS. TS Tạ Hải Tùng: Người ta gọi là “data science” và Trí tuệ nhân tạo. Trong một vài chục năm trở lại đây chúng ta đứng trước một nguồn dữ liệu khổng lồ trước đây chưa bao giờ chúng ta có. Vì khi phát triển hệ thống Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (Internet of Things - IoT), ví dụ như camera rải khắp nơi trong thành phố này, có cảm biến về nhiệt độ, cảm biến về môi trường khắp nơi rồi chúng ta có các cảm biến về các thiết bị giám sát hành trình chạy trên tất cả các xe thì nó có đổ dữ liệu về trung tâm quá nhiều - dữ liệu đấy là vàng. Trên mạng xã hội nữa, những dữ liệu người ta tương tác rất nhiều. Mạng xã hội, email, “tìm kiếm”, cái đấy là “mỏ vàng”.
Ai mà nắm và làm chủ thông tin dữ liệu đó, phát hiện được nguồn thông tin quý giá từ cái “mỏ” dữ liệu đó, sẽ là người có ưu thế rất lớn trong cạnh tranh.
Ví dụ như bây giờ anh biết được xu hướng về giá nhà đất Hà Nội theo thời gian thực, nghĩa là anh giám sát các giao dịch về nhà đất, anh biết là khu vực nào đang “hot”, lúc đó anh đã hơn người khác là anh có thông tin tốt hơn.
Chính vì vậy bây giờ xuất hiện một ngành nghề là Khoa học dữ liệu để chuyên tâm nghiên cứu về dữ liệu, và từ đó rút ra những thông tin quý giá... Vì vậy, năm nay đại học Bách Khoa sẽ có 3 ngành: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu.
Tôi có thể lấy ví dụ để có thể các độc giả sẽ hiểu hơn là ba ngành khác nhau như thế nào. Ví dụ, có một hệ thống giám sát điều hành xe buýt ở Hà Nội này, trên mỗi xe buýt có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để biết được vị trí của xe ở đâu? Và thiết bị đấy phải điều khiển camera để lấy lại hình ảnh từ xe gửi về trung tâm. Sinh viên mà là “IT2 - Kỹ thuật máy tính”, các em sẽ viết chương trình ở trên thiết bị đó để làm sao lấy được dữ liệu vị trí từ chíp GPS, lấy được hình ảnh từ camera, nén lại, tổ chức giao thức truyền thông gửi về máy chủ.
Ở máy chủ, một em học về Khoa học máy tính sẽ phát triển trang web để giúp cho người điều hành xe, biết xe này đang ở đâu và đang đi lại thế nào, tốc độ ra làm sao, hình ảnh gửi về thế nào? Và người điều hành xe thông qua trang web để điều hành, gửi lệnh cho lái xe là: Anh phải đi như thế nào, hôm nay anh nghỉ, ngày mai anh đi làm. Ví dụ thế, thì đấy là các bạn về Khoa học máy tính - người ta sẽ làm những ứng dụng như vậy. Còn bạn Khoa học dữ liệu là gì? Là khi dữ liệu hằng ngày gửi về trung tâm như vậy thì các bạn nhiệm vụ phát hiện xem ngày nóng, ngày mưa, ngày lễ...
Đấy chắc cần một khoảng thời gian, sau một số tháng hoặc 6 tháng, 1 năm ?
Chỉ cần 1 tháng thôi là có thể làm được rồi.
Và sau đấy, giờ nào là giờ cao điểm và giờ cao điểm thì tuyến nào sẽ là tuyến cần phải tăng xe - cái này sẽ hiệu quả hơn. Khi các bạn phát triển phần mềm đặc thù đó, phải đưa trí tuệ nhân tạo vào, để cho máy nó học cái dữ liệu đó nó giúp đỡ con người để đưa ra quyết định. Ví dụ, hôm nay nó nói là chỗ này phải điều thêm xe, vì dự báo là ngày hôm nay số lượng mà đi lại rất là lớn. Với cách đó, thì chúng ta sẽ tăng được hiệu suất sử dụng xe, mà tăng hiệu suất sử dụng xe, chi phí sẽ giảm xuống. Như vậy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Với ví dụ như vậy, các độc giả có thể thấy sự phân biệt cũng như sự kết nối giữa 3 ngành nghề lại rất là thống nhất, và nó sẽ “phủ kín”các lĩnh vực trong công nghệ thông tin tại thời điểm này.
Thưa ông, tôi có nhận xét là, trong đại chúng xã hội chắc người ta vẫn chưa hình dung được hết, vì có thể đây là lần đầu tiên tiếp xúc được với thông tin kiểu như này - tức là chia ra làm Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính và Khoa học dữ liệu. Thưa ông, ông nhận xét thế nào về xu hướng, các trường khác, ít nhất là trong hệ thống Bộ Giáo dục và Đào tạo ở nước ta, có nên thay đổi ?
Tôi nghĩ là những khái niệm như thế này khá phổ quát trên thê giới.
Và tôi tin là các trường khác cũng có thể hiểu được ?
Tôi nghĩ do thuật ngữ Công nghệ thông tin, theo cách hiểu của Việt Nam quá mạnh. Nhưng đã đến lúc chúng ta cũng nên chuẩn hoá theo chuẩn thế giới. Để làm sao đó sinh viên của chúng ta khi đi du học và chuyển tiếp lên thạc sĩ, nghiên cứu sinh hoặc là các em ra thị trường lao động nước ngoài, người ta hiểu rõ được. Nghĩa là cái bằng cấp sẽ dễ trong việc công nhận lẫn nhau, tôi nghĩ chúng ta cũng có thể nên theo xu hướng đó. Đấy là cách mà đại học Bách khoa Hà Nội đã lựa chọn.
Cảm ơn ông!