Hàng loạt trường đại học tiếp tục xét tuyển bổ sung năm 2022
Mùa tuyển sinh đại học năm 2022 chứng kiến những điều đầu tiên. Năm đầu tiên các trường đại học phải xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức, lần đầu tiên thí sinh được đăng ký nguyện vọng trực tuyến kéo dài 30 ngày và cũng là lần đầu tiên có tới gần 35% thí sinh bỏ xét tuyển đại học.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, từ ngày 1/10 (thời điểm thí sinh hoàn tất xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ), các trường thông báo xét tuyển đợt bổ sung (nếu có). Tuy nhiên, ngay từ hôm công bố điểm chuẩn (15/9), hàng loạt trường đã đồng thời thông báo xét tuyển bổ sung. Các trường xét tuyển bổ sung gồm trường công lập, tư thục và có cả trường tốp đầu. Trong đó, nhiều trường công lớn xét bổ sung trên 500 chỉ tiêu và có không ít trường tư thục tuyển bổ sung cả ngàn chỉ tiêu.
Sau gần một tuần Bộ GD&ĐT mở hệ thống xác nhận nhập học trực tuyến, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đại học qua hình thức này đạt 80%. Tuy nhiên, cũng có trường thông báo xét tuyển bổ sung 100% chỉ tiêu của năm nay như Trường Đại học Hùng Vương Tp.HCM. Cụ thể, Đại học Hùng Vương Tp.HCM thông báo tuyển bổ sung hơn 2.045 chỉ tiêu. Trong khi tổng chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh của trường là 2.045. Như vậy, trong đợt 1, trường không có thí sinh nào trúng tuyển. Mức điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 được trường đưa là 15 điểm cho 11 ngành.
Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (Bộ Xây dựng) cũng xét tuyển bổ sung đến 580 chỉ tiêu vào 15 chuyên ngành theo phương thức xét học bạ (điểm sàn 18 điểm) và xét kết quả thi THPT (điểm sàn 14 điểm - thấp nhất hiện nay).
Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Quốc tế Sài Gòn đã chính thức công bố sẽ xét tuyển bổ sung 400 chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển kết quả thi THPT và học bạ năm 2022. Theo đó, ngành quản trị kinh doanh xét bổ sung 100 chỉ tiêu, các ngành khác từ 30-50 chỉ tiêu. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đến 17h ngày 10/10.
Trường đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp xét tuyển bổ sung đại học hệ chính quy năm 2022 với tổng 880 chỉ tiêu tại 2 cơ sở Hà Nội và Nam Định.
Trường đại học Giao thông vận tải Tp.HCM tuyển sinh đợt bổ sung với 2 phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển kết quả học tập THPT. Ở đợt xét tuyển bổ sung này, nhà trường tuyển 500 chỉ tiêu cho 9 chuyên ngành. Thời gian đăng ký từ ngày 1/10 đến hết ngày 7/10/2022.
Trường Quốc tế - đại học Quốc gia Hà Nội tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho ba ngành Công nghệ thông tin ứng dụng - 130, Công nghệ tài chính và kinh doanh số - 70, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics - 30. Nguyên tắc xét tuyển là từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu phân bổ từng ngành.
Mọi năm ngành Y Dược rất "hot", nhưng năm nay cũng gặp nhiều biến động. Cụ thể, Đại học Y Dược - Đại học Huế tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho 5 mã ngành, trong đó ngành Điều dưỡng 100. Đại học điều dưỡng Nam Định xét tuyển bổ sung với tổng 420 chỉ tiêu cho 2 ngành: Điều dưỡng (260 chỉ tiêu); Hộ sinh 160. Khoa Y, Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng tuyển bổ sung 190 chỉ tiêu. Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, tuyển bổ sung gần 100 chỉ tiêu...
Nguyên nhân nhiều trường đại học "vỡ trận"
Đến thời điểm hiện tại nhiều trường đại học vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu dù hạn đăng ký chỉ còn vài ngày. Lý giải về thực tế này, các chuyên gia cho rằng nhiều trường đại học đã "vỡ trận" trong tuyển sinh năm 2022 nên buộc phải xét tuyển bổ sung. Điều này đã được cảnh báo trước mùa tuyển sinh năm nay.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng chục trường thiếu chỉ tiêu sau đợt 1: Thứ nhất, sau khi có kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu tương ứng của ngành mà các trường đã xác định và công bố (thường rơi vào các ngành ít thí sinh đăng ký).
Thứ hai, sau một thời gian xác nhận nhập học trong hệ thống của bộ, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học vẫn thấp. Điều này có nghĩa rất nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không có ý định nhập học hoặc không biết rõ quy định này.
Kỳ tuyển sinh đại học năm nay tỉ lệ ảo vẫn rất cao. Trong khi đó, tại các cuộc họp trước khi lọc ảo, Bộ GD-ĐT đều khẳng định, tỉ lệ ảo năm nay sẽ thấp, nên các trường không dám gọi tỉ lệ vượt chỉ tiêu nhiều (để trừ hao lượng thí sinh ảo như mọi năm) vì sợ bị phạt.
Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM cho hay, mọi năm số thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...) chỉ cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT (bản chính) cho trường để xác nhận nhập học là xong. Từ đó, các trường cũng nắm được số chỉ tiêu còn lại để xác định điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xét điểm thi THPT. Nhưng năm nay, các trường rất khó khăn trong việc xác định điểm sàn và điểm chuẩn vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức, dẫn đến đưa ra mức điểm cao để rồi lại không tuyển đủ chỉ tiêu. Riêng các trường tuyển sinh không tốt ở những năm trước thì năm nay càng khó khăn hơn là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, đại diện Trường đại học Xây dựng miền Tây cho biết, như các năm trước, Bộ GD&ĐT chỉ lọc ảo và trả điểm chuẩn cho các trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn lại số thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...) do các trường chủ động quyết định. Điều này giúp các trường cũng nắm được số chỉ tiêu còn lại để xác định điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xét điểm thi THPT.
Năm 2022, tất cả các phương thức xét tuyển đều được Bộ GD&ĐT lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước. Điều này vô tình dẫn đến việc các trường đưa mức điểm cao, khó khăn nhất vẫn là các trường đại học ở top giữa và cuối.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (tại địa chỉ https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn), sau khi có kết quả trúng tuyển, cần thực hiện việc xác nhận nhập học trước 17h ngày 30/9.
Trúc Chi (t/h theo Tuổi Trẻ, VOV, VTC News)