Bám sát thực tiễn, gia tăng hành động
Trong điều kiện khó khăn, ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành. Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Năm 2022, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo.
Theo thông tin trên Đảng Cổng Sản Việt Nam, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Theo thống kê, tính đến ngày 9/1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Nhiều phương thức để vào đại học
Hiện nay các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Phần lớn các trường không thay đổi nhiều về các phương thức xét tuyển so với năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt ở một số trường.
Do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường không biến động nhiều nên chỉ tiêu dành cho các phương thức được chia theo tỉ lệ khác nhau trong tổng chỉ tiêu chung.
Các phương thức xét tuyển đã được các trường công bố:
Theo báo Tuổi Trẻ, hiện có đến hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay, trong đó không ít trường đồng thời áp dụng đến 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thể lựa chọn phương thức phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển.
1. Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT và quy định của trường.
2. Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Tp.HCM (xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022; xét tuyển học sinh của 83 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 66 trường THPT).
3. Xét tuyển học sinh giỏi.
4. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
5. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội); kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.
6. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn.
7. Xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn.
8. Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
9. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài.
10. Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.
11. Xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT.
12. Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.
13. Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học.
14. Nhiều trường đại học khác áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu…
Đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT duy nhất 1 lần
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, về cơ bản, Quy chế tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như các năm trước. Từ nay đến khi tổ chức thi, Bộ sẽ quyết định thời điểm, số lần tổ chức thi để đảm bảo thuận lợi, công bằng cho thí sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, đề thi mẫu thí sinh có thể tham khảo năm 2021.
Một điểm mới quan trọng khác đang được Bộ GD&ĐT dự kiến là năm nay thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT duy nhất 1 lần. Bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, Bộ dự kiến sẽ tách việc đăng ký nguyện vọng tuyển sinh đại học với đăng ký thi tốt nghiệp. Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Như thế, thí sinh sẽ đăng ký 1 lần, không phải điều chỉnh nguyện vọng như những năm trước.
Thông lệ hằng năm, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học trên cùng một phiếu, sau khi biết điểm thi, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần hoặc 3 lần như năm 2021. Bà Thủy lý giải, một lần ở đây không phải là đăng ký rồi thì không thay đổi mà là thực hiện đăng ký xét tuyển chỉ trong khoảng thời gian quy định, ví dụ 3-4 tuần sau khi thí sinh đã cân nhắc tất cả các lựa chọn.
Khoảng thời gian này đủ cho các em lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng về các nguyện vọng đăng ký tuyển sinh của mình. Hơn nữa, các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường khác nhau ở các phương thức tuyển sinh khác nhau sẽ được xếp thứ tự ưu tiên của thí sinh từ 1 đến hết. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng được ưu tiên nhất, mong muốn nhất được trúng tuyển của thí sinh.
Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho thí sinh từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng, minh bạch khách quan giữa các phương thức tuyển sinh trong một ngành và giữa các trường với nhau. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong khâu xét tuyển.
Bộ GD&ĐT sẽ rà soát chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng, áp dụng có lộ trình tạo thuận lợi cho các trường, thí sinh trong việc xác định ưu tiên, vận dụng chính sách ưu tiên.
Sẽ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh
Trong năm 2022, khi có những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo kịp thời để các cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể, đảm bảo quyền lợi của các thí sinh.
Điểm đáng chú ý của Quy chế tuyển sinh năm 2022 là cho phép các trường đại học được đa dạng phương thức tuyển sinh như dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, tự tổ chức thi riêng hoặc xét tuyển theo nhóm trường, xét tuyển bằng học bạ, chứng chỉ quốc tế.
Dù lựa chọn phương án nào, các trường cũng phải sớm công khai trong đề án tuyển sinh, đảm bảo công bằng cho thí sinh và không gây bức xúc xã hội. Khi có thay đổi trong tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học cần thông báo trước để thí sinh có thời gian chuẩn bị cho việc ôn luyện; quan trọng là không gây áp lực cho thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Dân Việt, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: "Các thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn phương thức khác nhau để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có quyền tự chủ cao trong việc xác định các phương thức tuyển sinh để lựa chọn người học phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình.
Nếu thí sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, các em có thể sử dụng kết quả học tập THPT, kết quả thi đánh giá năng lực, hoặc các phương thức kết hợp khác… để tham gia xét tuyển ở nhiều trường đại học khác nhau".
Trước đó tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2022, kỳ thi THPT cơ bản vẫn giữ ổn định, không có gì thay đổi, thí sinh thi các môn để tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh lại quy chế và kỹ thuật, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng đối với học sinh giữa ngành với ngành, giữa các phương thức tuyển sinh trong một ngành và giữa các trường với nhau để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, tối ưu nhất cho thí sinh.
"Hiện Bộ GD&ĐT đang triển khai phương án sửa phần mềm để thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học thiên về trực tuyến, trường hợp bất khả kháng mới sử dụng phương thức giấy như trước đây. Và theo quyết định của Thủ tướng thì phải đăng ký trên cổng dịch vụ công của Chính phủ để kiểm soát được việc đăng ký của thí sinh và công khai minh bạch với toàn xã hội", TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến hoặc sẽ lọc ảo đối với phương thức xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT, hoặc sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc chung tất cả các phương thức. Đối với lọc ảo các phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, các phương thức xét tuyển chỉ cần sử dụng kết quả từ một môn thi tốt nghiệp THPT kết hợp với các hình thức xét tuyển khác như môn thi năng khiếu, kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… đều sẽ được Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo chung toàn quốc.
Trúc Chi (t/h)