Ngành nào "lên ngôi"
Trong số gần 200 trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn năm 2022 tính đến 5h ngày 16/9, điểm chuẩn ngành Quan hệ công chúng, Báo chí vẫn giữ vị trí cao đầu bảng, tiếp đến là ngành Sư phạm.
Ngày 15/9, sau khi kết thúc 6 lần lọc ảo, Bộ GD&ĐT trả kết quả về cho các trường Đại học để bắt đầu thực hiện việc công bố điểm chuẩn. Trong số trường Đại học đã công bố điểm chuẩn năm 2022 (tính đến 17h30 ngày 15/9), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn giữ mức điểm chuẩn cao kỷ lục. Dù không có ngành chạm đỉnh 30 điểm/tổ hợp C00 như năm ngoái nhưng vẫn nằm trong top các trường có nhiều ngành điểm chuẩn ở mức rất cao của năm nay.
Cụ thể, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,95 điểm. Kế tiếp, ngành Báo chí tổ hợp C00 là 29,90 điểm. Hai ngành “hot” là Hàn Quốc học và Đông phương học của trường, điểm chuẩn năm nay giảm nhẹ so với năm 2021. Năm ngoái, hai ngành này có mức điểm chuẩn cao kỷ lục, thí sinh phải đạt điểm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối của tổ hợp C00 mới có cơ hội trúng tuyển.
Năm nay, ngành Quan hệ công chúng lại lên ngôi, khi có điểm chuẩn tăng từ 29,30 lên 29,95 điểm. Với những ngành này, thí sinh khu vực 3 (thuộc các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương) nếu không có điểm ưu tiên đối tượng thì năm nay sẽ không trúng tuyển. Vì thủ khoa của tổ hợp C00 năm nay đạt 29,75 điểm, thấp hơn điểm chuẩn 0,25 điểm. Nên những thí sinh đạt 9,5 điểm/môn ở khu vực 3 đối với tổ hợp C00 năm nay vẫn trượt nguyện vọng vào những ngành này.
Với các ngành còn lại của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, điểm chuẩn năm nay tăng nhẹ so với năm 2021, đặc biệt ở tổ hợp C00. Trong đó, ngành Báo chí năm 2021 có mức điểm 28,80 khối C00 thì năm nay tăng lên 29,90 điểm. Ngoài ra, trường cũng có một số ngành có điểm chuẩn là 29 điểm đối với tổ hợp C00 như Quản trị Văn phòng, Quốc tế học, Tâm lý học, Quản lý thông tin.
Chia sẻ về mức điểm chuẩn “khủng” năm nay GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, năm 2021 ngành Báo chí lấy điểm chuẩn khối C - 28,80 điểm, khối A01 - 25,80, khối D01 - 26,60. Báo chí học luôn luôn nằm trong top 5 các ngành điểm trúng tuyển cao nhất của trường những năm trở lại đây. Năm nay ngành học này tăng 1,1 điểm so với năm trước, lấy điểm chuẩn là 29,90 điểm.
Cũng theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp C00 cao hơn những năm trước, đặc biệt ở môn Lịch sử, số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhiều hơn năm 2021. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức điểm chuẩn các trường.
Đặc biệt, năm 2022, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển 55 chỉ tiêu ngành Báo chí hệ đại trà với 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó có 25 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp với 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Như vậy, trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển. Trong khi đó, chỉ tính riêng khối C00, đã có 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Ở các tổ hợp xét tuyển khác, số lượng nguyện vọng khoảng vài chục đến vài trăm. Như vậy, tỷ lệ chọi của khối C00 ngành Báo chí là khoảng 500 em chọn 1 em.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, với số lượng chỉ tiêu và hồ sơ đăng ký như trên, nhà trường không bất ngờ khi mức điểm chuẩn của ngành này tăng cao hơn so với năm trước và gần tiệm cận với mức điểm tuyệt đối.
Tính đến thời điểm này, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Báo chí đang là những ngành có điểm chuẩn cao nhất, dao động từ 28-29,95 điểm.
Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành PR là ngành có điểm chuẩn cao nhất trong số 60 ngành/chuyên ngành đào tạo của trường, 28,60 điểm. Xếp ngay sau đó là ngành Công nghệ thông tin. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đang có điểm chuẩn cao nhất trong số các trường kỹ thuật đến thời điểm này, với 29,15 điểm. Mức điểm này đã soán ngôi của Đại học Bách khoa khi điểm cao nhất của trường này chỉ 28,29 điểm (năm 2021 là 28,43 điểm).
Theo dữ liệu điểm chuẩn năm 2022 các trường đại học đã công bố, nhóm ngành Sư phạm đã vươn lên xếp ở vị trí số 2 trong top các ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay.
Điểm chuẩn của Trường Đại học Hồng Đức năm 2022 gần "chạm trần". Hai ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là Đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Đại học sư phạm Lịch sử chất lượng cao là 39,92 điểm (thang điểm 40).
Ngoài ra, ngành Đại học sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn đạt mức 29,75 điểm (thang điểm 30).
Theo công bố điểm chuẩn trúng tuyển xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các ngành Giáo dục chính trị, Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất trường, lấy 28,5 điểm.
Điểm chuẩn của Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022 cũng tăng cao, ngành Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn là 28,55.
Năm nay điểm chuẩn khối Y dược, Kinh tế có giữ ổn định?
Điểm chuẩn nhóm ngành Y dược năm nay không tăng, thậm chí còn giảm so với năm 2022. Ngành Y khoa của Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn là 27,3 điểm (năm 2021 là 28,15 điểm).
Điểm chuẩn ngành Y khoa của Trường Đại học Y dược Tp.HCM cũng giảm so với năm 2021. Năm nay, ngành này có điểm chuẩn xét theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT ở mức 27,55 điểm. Ở phương thức kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm chuẩn ngành y khoa ở mức 26,6 điểm.
Trong khi đó, năm 2021 điểm chuẩn ngành y khoa có điểm chuẩn cao nhất với 28,2 điểm. Ở phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, ngành y khoa có điểm chuẩn 27,65 điểm.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, điểm chuẩn các trường thuộc nhóm Kinh tế không tăng so với năm 2021. Điểm chuẩn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngoài ngành Quan hệ công chúng, có 5 ngành học khác có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên là Marketing, Kinh doanh Quốc tế (28 điểm), Thương mại điện tử (28,10 điểm), Kiểm toán (28,15 điểm), Logistics (28,20 điểm). Năm trước, có 7 ngành có điểm chuẩn trên 28 điểm.
Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương đã họp thống nhất phương án điểm chuẩn các mã xét tuyển của trường cho các phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (phương thức xét tuyển 4) tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở II tại TPHCM. Theo đó, mức điểm nhóm ngành cao nhất là 28,40 điểm và thấp nhất là 27,5 điểm.
Trả lời báo chí, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, cho biết, chỉ tiêu đối với phương thức 4 của trường giữ ổn định 30% như năm 2021. Nguồn tuyển năm nay tương đối dồi dào. Sau khi thí sinh trúng tuyển vào nhóm ngành, trường cho thí sinh đăng ký lựa chọn ngành. Dự kiến, điểm chuẩn ngành Kinh tế đối ngoại của trường có mức điểm trúng tuyển cao nhất là 28,90 điểm.
Cũng theo PGS Hiền, điểm xét tuyển cao nhất của thí sinh tham gia xét tuyển bao gồm cả điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng là 30,85 (theo thang điểm 30) và điểm xét tuyển cao nhất của thí sinh tham gia xét tuyển không bao gồm điểm ưu tiên là 29,8 (theo thang điểm 30). Về cơ bản, điểm trúng tuyển của năm 2022 tại tất cả các phương thức xét tuyển của nhà trường là ổn định và chênh lệch không nhiều so với năm 2021. Dự kiến năm 2023, trường sẽ xây dựng và tuyển sinh 2 ngành đào tạo mới là Khoa học dữ liệu và Kinh tế chính trị quốc tế.
Sau khi biết điểm chuẩn đại học 2022, thí sinh cần làm gì?
Từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9, Bộ GD&ĐT mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Cơ sở đào tạo (CSĐT) hướng dẫn thí sinh thực hiện đầy đủ quy trình xác nhận nhập học trực tuyến; thí sinh có thể kiểm tra kết quả xác nhận nhập học sau khi thoát khỏi và đăng nhập lại hệ thống.
Thí sinh đã xác nhận nhập học trực tuyến vẫn phải tiếp tục thực hiện nhập học tại CSĐT theo kế hoạch, thời gian và quy định của CSĐT.
CSĐT có thể bắt đầu tổ chức nhập học đồng thời với quá trình thí sinh xác nhận nhập học, hoặc tổ chức nhập học sau quá trình thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. CSĐT có thể theo dõi và tải dữ liệu danh sách cập nhật về các thí sinh nhập học trực tuyến trên hệ thống.
Khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại sai sót về thông tin, CSĐT chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các CSĐT có liên quan để giải quyết theo quy định bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Đối với thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống, CSĐT có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.
Chú trọng thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết phản ánh, khiếu nại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro đã được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.
Đối với CSĐT không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung. CSĐT cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu, đúng quy định trong các danh mục về tuyển sinh và đúng thời gian quy định vào hệ thống.
Việc chờ đợi đợt xét tuyển bổ sung sẽ khá rủi ro khi nhiều chuyên gia nhận định với cách xét tuyển năm nay, nhiều khả năng các trường không tiếp tục xét tuyển bổ sung, đặc biệt với những ngành "hot" có thể đã đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu.
Trúc Chi (t/h theo Tiền Phong, Đại Đoàn Kết)