Lo ngại bất công bằng do quy định giảm điểm ưu tiên
Bắt đầu từ năm 2023 trở đi, điểm ưu tiên đối với TS sẽ giảm dần khi TS đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi (22,5 điểm) trở lên. Cụ thể, nếu TS đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà thí sinh được hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng của hí sinh.
Và với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng hí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực, theo báo Thanh Niên.
Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Bùi Thị Nga- giảng viên Trường Đại học Đại Nam chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Cộng điểm ưu tiên theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chính sách phù hợp, nhất là tránh được chuyện thí sinh đạt 29, 30 điểm mà vẫn trượt đại học.
Với giảng viên chúng tôi, điều quan tâm nhiều nhất là chất lượng học tập của sinh viên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là suất mà các thí sinh giỏi, chất lượng xứng đáng được “ngồi” vào thì có khả năng sẽ dành cho thí sinh điểm trần ít hơn nhưng nhờ điểm cộng lại được nâng điểm tổng lên.
Theo tôi, phân hoá điểm và giảm điểm ưu tiên sẽ áp dụng nhiều hơn với các trường top đầu đào tạo ngành hot, ví dụ về khối ngành sức khoẻ, lực lượng vũ trang...”.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, một giảng viên khác hiện đang công tác tại trường đại học cho rằng, với quy định trên, những đối tượng chịu tác động nhiều nhất là thí sinh có tổng điểm trên mức 22,5 điểm.
“Từ năm 2023, đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên/3 môn thì điểm ưu tiên sẽ càng giảm và sẽ không có thí sinh nào có điểm xét đại học quá 30.
Tôi nghĩ, thực hiện quy định này thì đối tượng chịu tác động nhiều nhất là những thí sinh có tổng điểm trên mức quy định vì càng có điểm thi cao thì điểm ưu tiên sẽ càng giảm, thậm chí các em không có điểm ưu tiên. Sẽ nảy sinh trường hợp: những thí sinh nỗ lực học tốt, điểm thi cao nhưng lại giảm dần điểm ưu tiên sẽ tạo bất cập, thiếu công bằng.
Còn dĩ nhiên là những thí sinh chưa đến mức điểm quy định sẽ được hưởng chính sách điểm ưu tiên đầy đủ, tối đa”, vị giảng viên này chia sẻ.
Phân tích những ưu điểm và hạn chế của quy định, vị này cho biết, về mặt ưu điểm, cách tính này nhằm điều chỉnh để hướng tới sự công bằng và cân đối giữa các nhóm thí sinh thuộc khu vực và đối tượng khác nhau. Áp dụng quy chế này, chắc chắn, điểm đầu vào “ngất ngưởng” như hiện nay sẽ được thắt chặt.
Tuy nhiên, cũng có một hạn chế là vô tình tạo ra những điểm cộng cho những thí sinh có chất lượng học tập chưa cao nhưng vì nằm trong các khu vực được ưu tiên nên được hưởng.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Giáo dục đại học, cho biết điều chỉnh này giúp tránh hiện tượng trên; tạo công bằng ở nhóm thí sinh điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành/ trường hàng đầu.
Qua phân tích các năm trước, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt từ mức trên 22,5. Từ mức này, khi chưa được cộng ưu tiên, nhóm thí sinh ở khu vực 1, 2 và 2 - nông thôn có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng (khu vực 3). Nhưng khi được cộng, điểm trung bình của nhóm này lại cao hơn hẳn. Ở nhiều ngành cạnh tranh cao, tỷ lệ trúng tuyển của những thí sinh không được cộng điểm ưu tiên rất thấp, trong khi nhóm này học tốt hơn. Như vậy, theo bà, nhóm này bị bất lợi nhiều nhất.
Từ các nghiên cứu chỉ ra rằng, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm 75% số lượng tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao với thí sinh vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, theo bà Thủy, cũng cần đảm bảo công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác rơi vào bất lợi và yếu thế.
"Chế độ cộng điểm ưu tiên cũng tương tự các chế độ chính sách hỗ trợ khác, không thể cào bằng theo khu vực, mà còn phải căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng", bà Thủy chia sẻ.
Tuy nhiên ở góc độ trường phổ thông, nhiều giáo viên cho rằng quy định mới là bất hợp lý, tạo thêm bất công trong giáo dục. Chia sẻ xoay quanh vấn đề điểm ưu tiên trong tuyển sinh, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn, THPT Bình Hưng Hòa, cho rằng, căn cứ lấy 22,5 điểm để giảm điểm ưu tiên là chưa thuyết phục.
"Ngưỡng điểm thi sẽ thay đổi theo từng năm tùy thuộc vào độ khó của đề. Ví dụ, đề thi năm 2018 rất khó, còn đề thi năm 2021 thì xuất hiện "mưa điểm 10" ở nhiều môn, vậy lấy ngưỡng nào để làm chuẩn?", thầy Hoài đặt câu hỏi.
Cũng theo thầy Hoài, quy định mới sẽ tạo thêm bất công mới giữa các thí sinh. Tình trạng thí sinh đạt 30 điểm nhưng không trúng tuyển đại học chủ yếu là do đề thi thiếu phân hóa chứ không phải do điểm ưu tiên.
"Tôi nghĩ, giao cho địa phương tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp; còn trường đại học có phương án thi tuyển riêng thì sẽ chấm dứt việc thí sinh 30, 30,5 điểm vẫn không đỗ đại học", thầy Hoài nói.
Trong khi đó, một giáo viên ở trường THPT ở huyện Cần Giờ trao đổi với Vnexpress, quy định trên gây thiệt thòi lớn cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế.
"Điểm ưu tiên là để bù đắp cho học sinh khó khăn hoặc thiệt thòi hơn về điều kiện học tập. Nếu giảm bớt điểm ưu tiên chỉ vì các em đó đạt điểm cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các em và cả nhà trường, nền giáo dục ở khu vực đó", thầy giáo cho biết.
Điểm cộng cũng khiến học sinh lo lắng
Em N.N.H, sinh viên năm nhất một trường đào tạo sư phạm về nghệ thuật chia sẻ với Giáo Dục Việt Nam: “Năm 2022, điểm thi đại học của em cao hơn điểm trúng tuyển 1 điểm, em không có điểm cộng. Trong lớp đại học, có những bạn điểm thi bằng em nhưng nhờ điểm cộng nên tổng điểm đầu vào cao hơn em. Hay cũng có những bạn điểm thi không đỗ nhưng khi cộng điểm ưu tiên thì lại "thừa đỗ".
Ở vai trò người học, em mong muốn có những quy định phù hợp để lọc được những thí sinh thật sự chất lượng, công bằng cho học sinh khi tham gia tuyển sinh đại học, cũng chính là đảm bảo chất lượng cho các sinh viên sau này”.
Bên cạnh đó em H.H., học sinh lớp 11 ở Phú Thọ, bất ngờ với điều chỉnh này. Đặt mục tiêu vào ngành Y khoa, Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên với mức điểm chuẩn thường trên 26, Hạnh xác định 0,5 điểm cộng ưu tiên khu vực 2 - nông thôn có thể trở thành yếu tố quyết định em đỗ hay trượt.
Giả sử nếu đạt 26 điểm, theo quy chế mới, mức cộng ưu tiên của nữ sinh sẽ giảm từ 0,5 xuống còn khoảng 0,27. Nếu trường lấy điểm trúng tuyển 26,4 như năm 2020, em sẽ trượt. "Điều kiện học tập của em so với các bạn đạt 22,5 điểm trở xuống là như nhau, vậy tại sao em lại được cộng ít điểm hơn", Hạnh thắc mắc.
Do đó, nữ sinh cũng xác định, quy chế mới đã được ban hành, nhiều thí sinh bị tác động chứ không chỉ riêng em. Điều này cũng có thể khiến điểm chuẩn của các trường giảm nhẹ tương ứng. Thời gian này, Hạnh tập trung học tập, không còn trông cậy vào ý nghĩ trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên.
Trúc Chi (t/h)