Quy chế tuyển sinh mới tạo thuận lợi cho thí sinh
Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 đã được Bộ GD&ĐT công bố, trong đó có một số điểm mới, chủ yếu là những điều chỉnh có tính chất kỹ thuật trong quy trình tổ chức tuyển sinh, đảm bảo thuận lợi hơn cho thí sinh và thống nhất, chặt chẽ hơn trong công tác tổ chức xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng mầm non trên toàn quốc.
Trong đó có những điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi xét tuyển của các thí sinh, như:
- Thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến.
- Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của đợt xét tuyển 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định. Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây).
- Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên toàn hệ thống sẽ được đưa lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.
Một điểm đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh 2022 là thay vì chỉ đăng ký lên hệ thống nguyện vọng xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm nay, các phương thức xét tuyển khác cũng phải được đăng ký lên hệ thống chung do Bộ GD&ĐT quản lý. Đây quy định thuận lợi cho các cơ sở đào tạo vì có thể lọc ảo gần như tuyệt đối.
Thí sinh tự do vẫn được cộng điểm ưu tiên khu vực
Chiều 10/6, Bộ GD&ĐT công bố Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. So với dự thảo, quy chế không thay đổi nhiều về thời điểm đăng ký xét tuyển, nhập học; nhưng đã điều chỉnh phương án cộng điểm ưu tiên khu vực.
Theo Vnexpress, thí sinh tốt nghiệp THPT trước 2022 (còn gọi là thí sinh tự do) vẫn được cộng điểm ưu tiên khu vực theo các mức: 0,25 điểm (khu vực 2), 0,5 điểm (khu vực 2 nông thôn) và 0,75 điểm (khu vực 1). Đây là chính sách được duy trì ổn định trong các năm qua.
Trước đó, dự thảo công bố giữa tháng 4 định bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do. Kế hoạch này khiến thí sinh tự do cảm thấy hụt hẫng, các chuyên gia giáo dục, đại diện trường đại học cũng đưa ra ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2023, tất cả các thí sinh sẽ không cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng như hiện nay. Điểm 22,5 sẽ là mốc; dưới 22,5 điểm sẽ cộng như hiện nay, còn trên 22,5 sẽ có cách tính khác. Theo Bộ GD&ĐT, điều này sẽ đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh có hoặc không có điểm ưu tiên.
Quy chế tuyển sinh cũng tiếp tục quy định rõ về ngưỡng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ GD&ĐT công bố hằng năm cho các phương thức tuyển sinh đào tạo hình thức chính quy sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Đối với tuyển sinh đào tạo hình thức khác chính quy hoặc phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đạt ngưỡng đầu vào khi bảo đảm điều kiện: Học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên, trừ các trường hợp quy định của quy chế.
Thông tin thêm trên báo Công An Nhân Dân, quy chế tuyển sinh cũng yêu cầu sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển. Thí sinh sẽ không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập, giảm thủ tục hành chính cho các em thí sinh, khi đăng ký hồ sơ xét tuyển vào nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) khác nhau.
Đặc biệt các CSGD có sẵn kết quả học tập THPT để xét tuyển hoặc sử dụng để sơ tuyển mà không cần phải nhập từ học bạ của thí sinh, từ đó giúp tránh các sai sót, nhầm lẫn. Ngoài ra, quy chế cũng yêu cầu các trường cần có quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn.
Từ năm 2023, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh của riêng CSGD, dựa trên các nguyên tắc và yêu cầu tối thiểu quy định trong Quy chế tuyển sinh 2022 mà Bộ GD&ĐT ban hành, trong đó có quy định về xét tuyển cho các hình thức đào tạo khác, công khai trên trang thông tin điện tử của CSGD.
"Lọc ảo" giải quyết được nhiều bất cập
Ngày 11/5, báo Tuổi Trẻ đưa tin về điều chỉnh kỹ thuật trong xét tuyển năm 2022, liên quan đến vấn đề này bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi với báo chí, cho rằng việc "lọc ảo" giải quyết được nhiều bất cập.
Trước băn khoăn về điều chỉnh của bộ, chỉ cho phép mỗi thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất, nhiều người cho rằng thí sinh bị tước quyền được lựa chọn khi đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng khác, bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: Vài năm gần đây, một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay. Việc này mới khiến thí sinh bị mất cơ hội nhập học ở trường có mức ưu tiên cao hơn.
Có thí sinh vì muốn chắc chắn đã xác nhận nhập học ở một trường nhưng sau đó trúng tuyển vào trường mà các em yêu thích, phù hợp với năng lực hơn nhưng đã không còn cơ hội nhập học.
Theo đó, cách làm năm nay thay đổi, các trường phải nhập dữ liệu thí sinh trúng tuyển tạm thời (bằng các phương thức) lên hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT để "lọc ảo". Phần mềm này xác định mỗi thí sinh được trúng tuyển nguyện vọng duy nhất, nhưng sẽ là nguyện vọng thí sinh mong muốn nhất trong số các nguyện vọng các em đủ điều kiện trúng tuyển.
Với việc này cũng giải quyết bất cập nhiều thí sinh phải đóng tiền "giữ chỗ" ở một số trường. Không học thì không được rút tiền.
Cũng theo bà Thủy, tình trạng thí sinh "giữ chỗ nhưng không nhập học" cũng làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác. Các trường cũng vì thế không xác định được tỉ lệ thí sinh nhập học, dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Chất lượng thí sinh không đồng đều do không xét tuyển được cùng thời điểm.
Việc chỉ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất cũng giải quyết được nhiều vấn đề bất cập khác. Cụ thể thí sinh không phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT không phải sao in, chứng thực nhiều lần tốn kém, tốn thời gian. Một số trường sử dụng kết quả học tập của thí sinh để sơ tuyển không có dữ liệu chính xác dẫn tới tồn tại nhiều sai sót…
Theo bà Thủy, bộ không khống chế số lượng nguyện vọng của thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được xác nhận nhập học 1 nguyện vọng.
Điểm giống nhau của quy định của năm trước và năm nay, cho dù trúng tuyển nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh chỉ nhập học theo 1 nguyện vọng.
Vấn đề điều chỉnh kỹ thuật năm nay cũng như việc lọc ảo sẽ cho phép thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng được ưu tiên cao nhất (thí sinh mong muốn nhất). Vì thế không thể có chuyện điều chỉnh này tước đi quyền được lựa chọn của thí sinh. Ngược lại, đó là cách bảo vệ quyền lợi của thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ với Người Lao Động, quy chế mới có sự điều chỉnh mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng nhằm bảo đảm sự công bằng cho mọi thí sinh. Từ năm nay, các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển. Thí sinh sẽ không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập, giảm thủ tục hành chính cho các em, khi đăng ký hồ sơ xét tuyển vào nhiều cơ sở giáo dục khác nhau. Các trường có sẵn kết quả học tập THPT để xét tuyển hoặc sử dụng để sơ tuyển mà không cần phải nhập từ học bạ của thí sinh, từ đó giúp tránh các sai sót, nhầm lẫn.
VTV News thông tin, trong kỳ tuyển sinh năm nay, có gần 90 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Tp.Hồ Chí Minh tổ chức xét tuyển, khoảng 50 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức, và khoảng 20 đơn vị sử dụng kết quả bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong trường hợp này, các đơn vị đào tạo và các thí sinh hoàn toàn có thể chủ động, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ mang tính điều kiện.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Tính đến 17h ngày 13/5, các thí sinh đã hết thời hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và hệ thống quản lý thi đã khóa chức năng "Đăng ký dự thi."
Theo số liệu tổng hợp của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.001.011; trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 (chiếm 93,32%); số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 (chiếm 6,68%).
Tổng số thí sinh tự do là 58.797 (chiếm 5,87%). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 103.374 (chiếm 10,33%). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 38.108 (chiếm 3,81%).
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 859.531 (chiếm 85,87%).
Về tổ hợp đăng ký dự thi, có 555.813 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (chiếm 55,53%); 319.676 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (chiếm 31,94%).
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến.
Trúc Chi (t/h)