Nhiều trường đại học tăng học phí
Thông tin trên VTC, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ dự kiến thu học phí bình quân cho khoá sinh viên mới năm học 2023 - 2024 là 37,6 triệu đồng/năm học (tăng 13 triệu so với năm ngoái). Trường chưa công bố học phí chi tiết với từng ngành học.
Trường Đại học Y Dược Tp.HCM cũng tăng học phí cho năm học tới. Cụ thể, ngành Y tế công cộng tăng học phí mạnh nhất với 45 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng so với năm ngoái).
Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Dinh dưỡng thu học phí 41,8 triệu đồng/năm học, (tăng 4,8 triệu đồng).
Ngành có mức tăng thấp hơn là Y học dự phòng, Y học cổ truyền với học phí 45 triệu đồng/năm học, (tăng 3,2 triệu đồng).
Ba ngành giữ nguyên học phí là Răng - Hàm - Mặt, Y khoa, Dược học, thu lần lượt 77, 74,8 và 55 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Ngoại thương dự kiến áp dụng mức học phí với tân sinh viên 2023 - 2024, tăng 5 -10 triệu đồng so với năm ngoái.
Cụ thể chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm.
Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu; còn chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tăng học phí gấp đôi sau 2 năm không điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ.
Cụ thể, mức học phí hệ đại trà 506.900 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023 - 2024 (tăng hơn 224.000 đồng/tin so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ.
Theo đề án tuyển sinh của Học viện Báo chí và tuyên truyền, tổng cả khoá 4 năm học, sinh viên sẽ phải hoàn thành 143 tín chỉ, tương đương khoảng 72,5 triệu đồng tiền học.
Hai năm trước, Trường Đại học Điện lực ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được Nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Học phí Học viện Tài chính năm 2023 -2024 chương trình chuẩn tăng tối đa 20%, dao động từ 22 – 24 triệu đồng/năm học; học phí chương trình chất lượng cao: từ 48 – 50 triệu đồng/năm học; học phí diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 – 44 triệu đồng/sinh viên/năm học. Học viện cũng nêu chính sách học phí đối với sinh viên học chương trình liên kết quốc tế.
Theo Kinh tế & Đô Thị, được sự cho phép của Chính phủ, các cơ sở đại học sẽ tăng học phí từ năm học 2023- 2024 và thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Các nhà trường phải quyết định mức thu học phí và thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.
Thí sinh “cân não” khi chọn trường
Trong và sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19, các trường đại học không tăng học phí theo quy định; trong đó năm học 2022- 2023, một số cơ sở giáo dục đã có quyết định tăng học phí và tiến hành thu của người học. Khi có yêu cầu giữ nguyên mức học phí, các trường này phải hoàn lại phần chênh lệch cho sinh viên hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo.
Năm nay, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường nên việc tăng học phí là tất yếu; tuy vậy, nhiều thí sinh, phụ huynh không khỏi tâm tư.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, chị Nguyễn Thu Nga (trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết trước dịch chị là chủ sở hữu một nhà hàng nhỏ. Khách đến nhà hàng đều nên nguồn thu của chị Nga tương đối ổn định, đủ để nuôi con ăn học với mức đóng góp của trường công lập. Từ khi dịch xảy ra dịch bệnh, chị phải trả mặt bằng, đóng cửa hàng và đến nay không có tiềm lực để thuê, mở lại nên thu nhập, cuộc sống rất bấp bênh.
“Con tôi học tốt và có nguyện vọng học ngành kinh tế. Nhìn mức học phí của khối trường này đều cao, tôi hoa cả mắt. Nền kinh tế thời gian tới vẫn tiếp tục khó khăn, thậm chí khó khăn hơn; vậy mà điện tăng, học phí tăng. Tôi và con sẽ nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận các nguyện vọng để xem ngành nào phù hợp với điều kiện kinh tế thì mới dám đăng ký”, chị Nga chia sẻ.
Luôn yêu thích và đặt kỳ vọng vào ngành Dược, em Mai Thị Hà Chi, quận Cầu Giấy cho hay: "Em mong ước được học ngành chất lượng cao của ĐH Dược Hà Nội. Tuy nhiên, với mức học phí ngót 50 triệu/năm, em sẽ chuyển sang đăng ký ngành đại trà. Học đại học là chặng đường dài, số tiền phải chi trả rất nhiều nên không thể thuần túy chọn theo sở thích của mình được".
Tương tự, em Nguyễn Văn Tuấn, Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, chia sẻ với Tiền Phong, em muốn tham gia phương thức xét tuyển tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại học này có nhiều chương trình đào tạo như chương trình chuẩn, chất lượng cao, song bằng, đào tạo quốc tế.
Tuấn thích học ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo nhưng ngành này chỉ đào tạo chương trình chất lượng cao với học phí cao hơn gấp đôi chương trình chuẩn. Đại học Bách khoa Hà Nội chưa công bố dự kiến tăng học phí năm 2023. Theo học phí công bố năm 2022, chương trình chuẩn từ 24 - 30 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao từ 35-40 triệu đồng/năm. Chương trình Tuấn muốn học có mức học phí 60 triệu đồng/năm. Các trường dự định tăng học phí từ năm học này, nên Tuấn càng đắn đo khi đăng ký xét tuyển.
Nêu tác động của học phí đối với việc chọn trường, PGS.TS Vũ Thị Hiền- Trường Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết: "Năng lực tài chính là yếu tố quan trọng khi thí sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, chọn trường. Thí sinh chọn ngành theo năng lực, nhu cầu việc làm hay sở thích, đam mê đều tốt, nhưng nếu ngành đó học phí cao quá so với điều kiện chi trả của gia đình thì các em cần cân nhắc kỹ".
“Mặc dù vậy, các em đừng để tài chính hạn chế đam mê bởi hiện có nhiều kênh tài chính từ Bộ GD&ĐT đến các tổ chức, nhà trường; có nhiều cơ sở giáo dục có các chương trình học bổng và nguồn hỗ trợ tài chính khác để giúp thí sinh thực hiện ước mơ với điều kiện, thí sinh có năng lực tốt, tinh thần phấn đấu tốt, luôn có niềm đam mê với học tập và với ngành nghề mình theo đuổi", PGS.TS Vũ Thị Hiền chia sẻ.
Trong khi đó, TS Phạm Đình Khuê, Trưởng phòng Chính trị - Công tác, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đưa ra lời khuyên, thí sinh có điều kiện bình thường, hoặc khó khăn nên chọn các trường chưa tự chủ, hoặc tự chủ cấp 1, hoặc cấp 2. Ngoài ra, sinh viên có thể vay ngân hàng chính sách xã hội để chi trả.
“Tăng học phí là bắt buộc với xu thế chung với tất cả các trường để đảm bảo chi thường xuyên, và sự phát triển. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu thêm trường thí sinh muốn vào có nhiều nguồn học bổng hỗ trợ cho sinh viên không”, TS Khuê lưu ý.
Theo ông, thí sinh cũng cần tìm hiểu ngành muốn học nhu cầu xã hội như thế nào, có phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và nguồn lực phát triển của đất nước không. Thí sinh không nên lựa chọn ngành học vì thích nhàn, kiếm tiền nhanh, nhưng xã hội đang dư thừa nguồn cung lao động.
Minh Hoa (t/h)