Tuyển sinh ĐH đợt 2: Nhiều thiết bị tinh vi gian lận thi cử

Tuyển sinh ĐH đợt 2: Nhiều thiết bị tinh vi gian lận thi cử

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Lợi dụng quy định của Bộ GD&ĐT, nhiều thí sinh đã chuẩn bị cho mình những thiết bị điện tử hiện đại để làm... tài liệu.

Sáng qua (8/7), sĩ tử các khối còn lại đến trường làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có trên 400.000 thí sinh làm thủ tục dự thi các khối B, C, D và các khối năng khiếu. Sau không khí đợt 1 đầy căng thẳng, đợt tuyển sinh ĐH đợt 2 vẫn đọng lại nhiều lo âu đối với phụ huynh và thí sinh. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, trong kỳ tuyển sinh đợt 2 này sẽ xảy ra nhiều tình trạng gian lận trong thi cử.

Xã hội - Tuyển sinh ĐH đợt 2: Nhiều thiết bị tinh vi gian lận thi cử

Nhiều thiết bị điện tử dùng làm phao thi bày bán công khai, tràn lan khắp cổng trường

Hiểu nhầm quy định, thí sinh đua nhau mua thiết bị gian lận

Kỳ thi đại học đợt 1 vừa diễn ra nghiêm túc với hơn 600.000 thí sinh tham dự. Trong đợt thi thứ 2 này, cả nước có khoảng 430.000 hồ sơ đăng ký dự thi, dự kiến có khoảng 400.000 em đến làm thủ tục. Trong đó, khối B chiếm 21,3%, C 6,2% và D1 16,2%, còn lại là các khối khác.

Theo ông Đỗ Quốc Anh - vụ trưởng, giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, cơ sở vật chất, điện lưới và giao thông vẫn được chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt, ở đợt này có nhiều khối thi và các môn tự luận nên công tác coi thi vất vả và phức tạp hơn. Vì vậy, Bộ sẽ tiếp tục siết chặt hơn kỷ luật trường thi để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều cá nhân khi đi thi vẫn mang theo những vật dụng bị cấm vào phòng thi; thậm chí cố tình “qua mặt” giám thị coi thi bằng “nghệ thuật” quay cóp của mình. Bạn Lý Nhung thi vào ĐH KHXH & VN TP.HCM cho biết, để qua mặt được giám thị coi thi không phải là dễ, song cũng không phải không có cách. “Với quy chế mới, bọn em được mang vào một số vật dụng điện tử, chỉ cần móc nối với các cửa hàng chuyên điện tử là bọn em có thể cài đặt chương trình, tài liệu để quay cóp, nhưng cần phải thệt khéo léo”. Thực sự, việc kiểm tra đồ dùng như vậy là rất khó đối với giám thị coi thi vì họ không có chuyên môn về các thiết bị này nên khả năng bị đánh lừa rất cao. Họ cũng không dễ để phân biệt được loại nào có và không có chức năng chỉ ghi mà không phát. Đặc biệt, theo quy chế, giám thị không được mang theo máy tính xách tay vào phòng thi. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thì làm sao có thể kiểm tra thiết bị có lưu trữ tài liệu hay không. “Đơn giản như với một cái máy chụp hình bình thường, em và một số bạn cùng lớp đã qua khỏi kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi chỉ bằng chiêu chụp hình đề cương tóm tắt một số môn xã hội” – bạn Lý Nhung bật mí.

Nhiều thí sinh lợi dụng quy định của Bộ GD&ĐT về việc không cấm thí sinh mang máy ghi hình vào phòng thi nên đã chuẩn bị cho mình nhiều phương tiện điện tử hữu dụng. Dạo quanh các phố “điện tử vi tính” tại TP.HCM, các thiết bị kỹ thuật số hiện đại có thể dùng để quay cóp trong phòng thi được nhiều thí sinh quan tâm hỏi mua. Một học sinh tên Hoài Phương cho hay: “Chỉ cần mua một chiếc máy nghe nhạc MP4 cùng một chiếc tai nghe không dây với giá 1,5 triệu đồng, các câu hỏi bằng file .doc (word) em sẽ chuyển đổi lại đuôi đọc rồi cho vào chiếc MP4 này, khi mở máy là chữ hiện lên chạy qua màn hình, như thế khả năng quay cóp rất khả dụng trong mùa thi này”. Hiện đại hơn, tài liệu còn có thể đọc thẳng vào máy hay viết thành văn bản rồi chuyển vào trong máy PMP, thậm chí có thể nghe hoặc xem hiển thị với nhiều tính năng tiện dụng. Ngoài các công dụng chính như nghe nhạc, xem phim... các loại máy nghe nhạc còn phát được các đoạn ghi âm, xem các file văn bản dạng TXT, DOC, PDF... Với các tính năng đó, nhiều thí sinh lười học có thể lén lút mang vào phòng thi để thực hiện gian lận khi có cơ hội.

Chủ cửa hàng máy tính H.T trên phố Phan Văn Trị giới thiệu với chúng tôi: “Chỉ cần anh mua một máy ghi âm USB với dung lượng từ 2GB trở lên, có chức năng ghi âm và đồng bộ với máy tính, có thể ghi âm trước những câu trả lời vào USB, luồn tai nghe qua tay áo rồi chỉ việc nhấn nút play để làm bài, em sẽ hướng dẫn cách dùng sao cho tiện nhất”. Qua khảo sát giá của các loại máy MP3, MP4 có khả năng hiển thị văn bản và ghi âm, chúng tôi thấy giá cả cũng không mấy đắt đỏ, chỉ khoảng 700-800 ngàn đồng đến dưới 2 triệu đồng là có một dụng cụ quay cóp công nghệ cao của nhiều hãng. Thậm chí, với tai nghe không dây (tai nghe bluetooth), người ngoài phòng thi có thể nhắc bài cho các thí sinh ở trong phòng thi, được rao bán tràn lan ở các trang mua bán trên mạng với giá chỉ từ 200 ngàn đồng đến dưới 1 triệu đồng. Hơn nữa, những chiêu trò quay cóp ngày càng được “người sản xuất” thiết kế mẫu mã, đa dạng nhiều hình thù kiểu dáng hơn, không chỉ dừng lại ở các thiết bị công nghệ cao mà phao “ruột mèo”, giấy phim trong suốt, ghi bút chì vào giấy báo thi...

Xã hội - Tuyển sinh ĐH đợt 2: Nhiều thiết bị tinh vi gian lận thi cử (Hình 2).

Bộ GD&ĐT “chữa cháy”

Năm nay, Bộ GD&ĐT cho các trường xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, thí sinh có thể nộp hồ sơ nhiều trường để xét tuyển nếu đạt điểm sàn trở lên. Vì vậy, thí sinh đạt điểm trên sàn là có thể tham gia xét tuyển và tìm được chỗ học phù hợp. Điểm mới năm nay là thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp tại chỗ, nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Để giảm thiểu những rắc rối xảy ra trong phòng thi, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam đã yêu cầu cán bộ coi thi khi gọi thí sinh vào phòng thi sẽ thông báo và yêu cầu từng thí sinh khai báo và trình các thiết bị, vật dụng mang vào phòng thi để cán bộ coi thi (CBCT) kiểm tra; chỉ cho thí sinh mang các thiết bị, vật dụng vào phòng thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu CBCT không xác định được chủng loại của thiết bị, vật dụng trong khi thí sinh vẫn có nhu cầu mang vào phòng thi thì yêu cầu thí sinh làm giấy cam đoan về tính phù hợp của loại thiết bị, vật dụng đó. Trong quá trình coi thi, nếu CBCT phát hiện thí sinh mang thiết bị, vật dụng vào phòng thi (như quy định trên) mà không khai báo từ đầu thì CBCT phải kiểm tra vật dụng, thiết bị đó và xử lý theo 2 cách: Nếu thiết bị, vật dụng đó trái với quy định thì lập biên bản xử lý thí sinh theo quy chế tuyển sinh hiện hành; nếu thiết bị, vật dụng đó phù hợp với quy định thì yêu cầu thí sinh làm giấy cam đoan và tiếp tục cho thí sinh làm bài.

Trước đó, tối 1/7, Bộ GDĐT gửi công văn tới chủ tịch hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ và các cơ quan truyền thông để giải thích thêm Điều 25 của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Cụ thể, Bộ nói rõ: “Thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.

Trong cả 3 buổi thi đợt 1, toàn quốc có 129 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ 2011 (khiển trách 27; cảnh cáo 6; đình chỉ 92 và 4 thí sinh đến muộn không được dự thi); có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ, giảm 4 trường hợp so với đợt I năm 2011.

“Nhiều thí sinh đợt 2 cho rằng dễ mang tài liệu vào phòng thi nên Bộ đã chỉ đạo các điểm thi phải kiểm tra chặt chẽ. Đợt 1 vẫn có nhiều thí sinh mang điện thoại di động, nhiều em bị “chết oan” vì mang vào có thể không phải mục đích tiêu cực mà sợ mất. Các em cần nhớ, dù có sử dụng hay không sử dụng thì đều bị đình chỉ. Do đó, đợt 2, Ban chỉ đạo tuyển sinh quán triệt các điểm thi nhắc nhở TS khi vào phòng thi phải bỏ điện thoại ra ngoài” - thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Cao Tuân - Đăng Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.