Đồng loạt giảm chỉ tiêu đầu vào
Theo kế hoạch, năm học 2024-2025, thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh lớp 10 vào 113 trường THPT công lập với tổng chỉ tiêu 71.020, giảm 6.274 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024. Trong khi đó, số học sinh lớp 9 tăng hơn 5.000 em so với năm trước. Điều này khiến cho sức cạnh tranh để vào lớp 10 công lập tại Thành phố ngày càng gay gắt.
Theo danh sách do Sở GD&ĐT công bố, 64 trường (cả nội và ngoại thành) giảm chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều trường giảm hơn 200 học sinh. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh giảm mạnh nhất là các trường THPT Trần Phú, Vĩnh Lộc B và Hồ Thị Bi, đều giảm 270 chỉ tiêu so với năm trước. Với các trường THPT Bình Chiểu, Phước Kiển và THPT Lương Văn Can, mỗi trường giảm 225 chỉ tiêu.
Mười trường tốp đầu, có điểm chuẩn cao nhất thành phố trong nhiều năm, hầu hết đều giảm chỉ tiêu. Ngoại trừ trường THPT Bùi Thị Xuân giữ ổn định và THPT Mạc Đĩnh Chi tăng 45 chỉ tiêu so với năm trước, các trường THPT Gia Định giảm 135 học sinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hữu Huân, Phú Nhuận cùng giảm 90 chỉ tiêu. Ba trường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn và Nguyễn Hữu Cầu cùng giảm 45 học sinh.
Một số trường THPT hàng năm có nhu cầu tuyển sinh cao, từ khoảng 700 học sinh/năm trở lên thì năm nay cũng giảm mạnh. Cụ thể, trường THPT Hàn Thuyên giảm 180 chỉ tiêu; trường THPT Trưng Vương, Nguyễn Khuyến, Trần Quang Khải… cùng giảm 135 chỉ tiêu.
Trong khi đó, chỉ 19 trường tăng chỉ tiêu tuyển mới học sinh lớp 10 Tuy nhiên, biên độ tăng rất nhẹ, phổ biến ở mức 45 chỉ tiêu. Trường THPT Giồng Ông Tố và trường Phước Long cùng tăng 90 chỉ tiêu. Riêng trường THPT Long Thới tăng đến 135 chỉ tiêu.
Học sinh Phạm Kỳ Nam, ngụ quận 3 bày tỏ lo lắng khi 2 trường em lựa chọn đăng ký nguyện vọng là THPT Hàn Thuyên và Nguyễn Khuyến giảm lần lượt 180 và 135 chỉ tiêu.
“Từ hôm biết thông tin 2 trường giảm chỉ tiêu, áp lực vào trường công của em tăng lên rất nhiều. Số lượng học sinh tăng nhưng chỉ tiêu lại giảm, chắc chắn mức độ cạnh tranh sẽ cao, nhất là với những học sinh có lực học vừa phải như em", Nam chia sẻ.
Tương tự, phụ huynh Nguyễn Thị Hoa, ngụ quận Tân Phú cho biết con trai của mình đặt nguyện vọng vào trường THPT Trần Phú. Nếu so với năm học 2023-2024, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đã điều chỉnh giảm nên áp lực càng cao.
“Gia đình mình muốn cho cháu học ở môi trường lành mạnh để cháu được phát triển theo mong muốn của bản thân nên trường công hay trường tư đều được. Hiện tại cháu muốn vào trường công nên gia đình ủng hộ hết mình, chẳng may thi trượt cũng không sao vì mọi người đều hiểu thi cử hiện tại khó khăn và căng thẳng hơn ngày xưa rất nhiều”, chị Hoa nói.
Chọn con đường học tập phù hợp
Nói về chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay giảm so với năm 2023, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm học 2024-2025, Thành phố xác định lấy tỷ lệ 70% học sinh tốt nghiệp THCS (hiện toàn thành phố có 116.296 học sinh lớp 9) vào học tại các loại hình trường công lập.
Việc xác định tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học công lập là thực hiện công tác phân luồng học sinh. Trong đó, các loại hình trường công lập bao gồm trường THPT công lập, trường cao đẳng, trung cấp nghề công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Những năm gần đây, mỗi năm thành phồ Hồ Chí Min có khoảng 16.000 học sinh tốt nghiệp THCS không đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Nguyên nhân vì các em đã định hướng trước con đường học tập cho mình là du học, học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng…
Cụ thể, năm học 2021-2022, có 99.692 học sinh lớp 9 nhưng chỉ có 83.302 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, 16.390 học sinh không thi.
Năm học 2022-2023, có 108.297 học sinh lớp 9 nhưng chỉ có 92.517 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, 15.780 học sinh không thi.
Gần nhất, năm học 2023-2024, có 113.807 học sinh lớp 9 nhưng chỉ có 96.334 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, 17.473 học sinh không thi tuyển sinh lớp 10 công lập.
Năm nay, toàn Thành phố có 116.296 học sinh lớp 9. Vì thế, dự kiến có khoảng 102.349 học sinh lớp 9 đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, khoảng 13.947 học sinh sẽ không thi tuyển sinh lớp 10, mà lựa chọn con đường học tập khác.
"Như vậy, nếu giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho trường THPT công lập theo số lượng học sinh lớp 9 sẽ tạo ra chỉ tiêu ảo. Hậu quả là các trường THPT không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Tình trạng này đã thể hiện rất rõ ở mùa tuyển sinh lớp 10 năm 2023 là nhiều trường THPT công lập tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đến khi thành phố cho tuyển bổ sung vẫn không đủ chỉ tiêu”, ông Nam phân tích.
Đồng thời, hiện nay nhiều phụ huynh có xu hướng chọn cho con em mình một con đường học tập phù hợp với khả năng, sở thích của học sinh, chứ không ưu tiên chọn thi vào lớp 10 công lập như trước. Trong đó, khá nhiều phụ huynh đã định hướng cho con mình học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
"Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 30 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây là các cơ sở giáo dục công lập do Nhà nước đầu tư, cũng là sự lựa chọn rất tốt cho học sinh để học tập. Bằng tốt nghiệp THPT của học sinh học hệ giáo dục thường xuyên hay THPT đều có giá trị như nhau. Các em vẫn có thể thi vào đại học như hệ THPT", ông Nam cho hay.