Học vẹt không thể có điểm cao
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, thạc sĩ Phan Thế Hoài, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa, Tp.HCM cho biết, đề thi năm nay khá hay, nếu học sinh học tủ, học vẹt không thể đạt điểm cao.
Đề thi có cấu trúc quen thuộc, đó là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đáng chú ý, câu đọc hiểu cho ngữ liệu là một bức thư, người gửi là cô giáo em và yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
Tôi rất tâm đắc ngữ liệu phần đọc hiểu vì lá thư được viết từ “cô giáo của em” với nội dung đong đầy yêu thương khi bàn về tuổi trẻ giàu suy nghĩ về cuộc sống xung quanh và những người thân yêu. Tuy vậy, các em thường giấu kín tâm tư của mình mà không thổ lộ với ai. Vậy nên tuổi trẻ cần chia sẻ bằng cách nói ra để bày tỏ cảm xúc, tâm trạng, để bộc lộ cái tôi… Cùng với đó, ngữ liệu rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi 15, giúp học sinh có hứng thú khi làm bài. Học sinh dễ dàng đạt từ 2,5 điểm đến 3 điểm của phần đọc hiểu.
Câu nghị luận xã hội là một đề rất mở được tích hợp từ ngữ liệu phần đọc hiểu và ý thơ của Lê Minh Quốc. Từ đó, học sinh bàn về nhan đề: nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời. Học sinh khá giỏi có thể thỏa sức sáng tạo theo quan điểm bản thân, học sinh trung bình cũng làm được những yêu cầu cơ bản của đề.
Câu nghị luận văn học, học sinh có hai lựa chọn. Đề một bàn về tình yêu nước của con người Việt nam qua một khổ thơ, đoạn thơ. Học sinh có thể lựa chọn tác phẩm trong hoặc ngoài chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9. Đây là yêu cầu nghị luận quen thuộc, học sinh đã được làm quen nhiều qua 4 năm bậc trung học cơ sở nên các em không hề gặp khăn khi làm bài.
Đề hai cũng là một câu hỏi có độ mở cao, đó là học sinh gửi bài viết về câu lạc bộ theo yêu cầu: chọn tác phẩm về đề tài gia đình và viết bài văn nghị luận trình bày về tình cảm gia đình. Và quan trọng hơn, qua đó, học sinh chia sẻ về cách bản thân trò chuyện và thấu hiểu tác phẩm đó.
Cũng theo Thầy Hoài, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học vừa phù hợp với Chương trình 2006 vừa phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh không thể học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu mà phải hiểu đề để làm bài thi từ trải nghiệm và tri thức vốn có của bản than thì mới đạt kết quả cao
Sự tinh tế và nhân văn trong từng câu chữ
Th.S Võ Minh Nghĩa giáo viên trường THPT Nguyễn Du, Q10, Tp.HCM, cho rằng, đề thi tuyển sinh lớp 10 (Khối không chuyên) của Tp.HCM năm nay lại một lần nữa khiến cho bất kì ai đọc được cũng đều xuýt xoa và khâm phục vì tính nhân văn và sự tinh tế.
Đánh giá chung về mặt cấu trúc: Đề cho vừa sức và phù hợp với học sinh khối 9, phù hợp với thời gian 120 phút và tất nhiên vẫn có sự phân hoá rõ rệt trong khả năng nhận định và đánh giá vấn đề của từng học sinh.
Xét về mặt nội dung đề và giá trị giáo dục: Đề thi năm nay đã thật sự rất tinh tế khi đụng chạm đến một biểu hiện tâm lý dù là nhỏ nhưng luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của mỗi con người chúng ta đó là: Ngại nói ra những lời yêu thương. Thật sự câu số 2 của đề rất ý nghĩa và sâu sắc. Học sinh, ở độ tuổi 15 hay nhiều cảm xúc nhưng lại rất ngại ngùng - nét duyên dáng của tuổi mới lớn, đề thi đã chạm đến điểm tâm lý này. Dù có bao yêu thương nhưng bấy lâu nay ngại nói ra thì trong 120 phút lần này, các em phải trải nghiệm bằng cách tự bắt mình thốt lên những điều ý vị đó. Như vậy cái tinh tế rất sâu của đề đã hiện hữu.
Bên cạnh đó, với câu 3, đề hoàn toàn đáp ứng với yêu cầu đổi mới việc dạy và học trong môn Ngữ văn. Môn Ngữ văn không còn học tủ, học thuộc lòng như trước, với dạng đề lựa chọn tác phẩm theo chủ đề, các em được tự do phân tích, bình luận, giới thiệu các tác phẩm mà mình ấn tượng. Với hai chủ đề là tình yêu nước của con người Việt Nam và tình cảm gia đình, các em cũng được dịp bày tỏ “những điều chưa dám nói” thông qua tác phẩm văn học ở hai mảng đề tài này.
Tuy nhiên, sự yêu cầu trong tư duy và khả năng ngôn ngữ ở cả câu 1,2,3 của đề là rất cao. Do đó, đề cũng sẽ là khó khăn cho các học sinh trong quá trình suy nghĩ và lập luận làm bài. Dù đề không có sự gài bẫy hay đánh đố nhưng yêu cầu cao trong cách viết, cách xử lý cũng sẽ làm cho mức điểm trung bình năm nay, theo tôi dự đoán rơi vào khoảng từ 5,5 đến 6,8. Tp.HCM vẫn thật sự là tỉnh thành có lối tư duy rất mới mẻ, nhân văn và sâu sắc trong cách ra đề môn Ngữ văn. Minh chứng thật rõ ràng qua từng năm.
Tương tự, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cấu trúc đề thi không có nhiều thay đổi so với năm trước... Tuy nhiên, với học sinh thông minh, việc các em nhận thấy nội dung bức thư chứa khá nhiều gợi ý cho việc triển khai bài viết là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo thầy Khôi, đây là một hướng đi mới phù hợp với việc dạy học Ngữ văn trong thời gian gần đây. Sự phân hoá được đảm bảo để phù hợp với thực tế tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Tp.HCM. Thầy Khôi dự đoán với đề thi này, phổ điểm trung bình sẽ từ 6 – 7 điểm.
Nguyễn Lành