TS. Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng trường đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh cho hay: “Trường đưa vào xét tuyển tổ hợp môn xã hội cho các ngành: Quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, quản trị nhân sự, makerting. Vì, các ngành này đòi hòi nhiều kỹ năng khác nhau, không đơn thuần là kiến thức từ các môn tự nhiên".
"Khi sinh viên theo học, không đơn thuần là tính toán số liệu liên quan toán học mà các bạn phải tương tác nhiều lĩnh vực từ kiến thức xã hội, tự nhiên cho đến ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp.... Tôi nghĩ một sinh viên có thế mạnh về môn xã hội khi theo học những ngành quản trị có thể giao tiếp với đối tác tốt hơn nhiều so với các bạn có thế mạnh môn tự nhiên, khô cứng”, TS. Anh nói thêm.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định thêm: “Hiện nay, sống trong thế giới phẳng, các bạn ra trường phải làm nhiều lĩnh vực, tương tác tương đối rộng. Tôi được biết, qua đánh giá ban đầu, phần lớn những thí sinh tham gia xét tuyển tổ hợp xã hội, trúng tuyển ngành quản trị kinh doanh, kinh tế quốc tế tại trường năm trước đã thể hiện được năng lực của mình khá tốt. Các em có kết quả học tập khả quan, chưa có trường hợp nào học không nổi phải nghỉ giữa chừng”.
"Theo điểm chuẩn trúng tuyển năm trước, trường đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh đã chính thức áp dụng tổ hợp xã hội cho khối ngành quản trị kinh doanh. Các em học rất tốt, do kiến thức các môn tự nhiên liên quan ngành quản trị kinh doanh chỉ là một phần trong chương trình học, còn lại là môn học về kỹ năng, chuyên ngành. Hàng năm, trường tuyển sinh dao động 300 - 400 sinh viên khối ngành quản trị kinh doanh. Sau khi ra trường, tỷ lệ lệ sinh viên có việc làm rất cao. Theo khảo sát của nhà trường, 35% sinh viên theo học tại đây đều có việc làm ở năm thứ 4. Con số sinh viên có việc làm khi ra trường dao động từ 90-95%", ông Nguyễn Quốc Anh thông tin thêm.
Chia sẻ với PV, TS. Bùi Văn Năm, Trưởng phòng Tuyển sinh trường đại học Hùng Vương TP.Hồ Chí Minh thông tin: "Những năm gần đây, bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi cách thi THPT cũng như tuyển sinh đại học. Cụ thể, tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia được thực hiện nghiêm túc, chu đáo. Học sinh phải đạt kiến thức các môn ít nhất ở mức trung bình, mới vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau khi đã tốt nghiệp THPT, các em mới có thể tham gia xét tuyển vào đại học. Lúc này, các em đã có kiến thức nền cơ bản để học môn chuyên sâu. Nếu thí sinh có thế mạnh về môn xã hội vẫn có thể học những ngành như tài chính, ngân hàng".
Ông Năm nói thêm: “Theo quan điểm của tôi, chỉ những ngành đặc thù như bác sĩ, phẫu thuật… cần phải tổ chức xét tuyển những tổ hợp môn học phù hợp. Còn những ngành kế toán, tài chính, nếu các em có thế mạnh về môn xã hội, đam mê thực sự vẫn có thể theo học”.
Ông Năm khẳng định: “Trước khi đưa vào đề án tuyển sinh năm 2018 về những tổ hợp môn xét tuyển các ngành, hội đồng tuyển sinh đã có báo cáo, giải trình cụ thể với nhà trường. Lãnh đạo các khoa đề xuất, nhà trường họp, thống nhất, thấy phù hợp mới làm đề án tuyển sinh”.
Cũng theo ông Năm, hiện nay, bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương cho các trường tự chủ về tuyển sinh, nhưng phải đáp ứng được chuẩn đầu ra của Bộ, không làm ảnh hưởng uy tín, chất lượng đào tạo của trường. Trước khi đưa ra đề án tuyển sinh mới, các trường chắc chắn sẽ phải cân nhắc, xem xét rất kỹ.