Xử phạt 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu
Mới đây, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, việc xử lý vi phạm các trường tuyển vượt chỉ tiêu được thực hiện hàng năm. Năm 2021, có ngành một trường vượt tới gần 1.400%.
Một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường Đại học FPT (tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, không đúng đề án công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học lẫn thạc sĩ), trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, trường Đại học Nguyễn Trãi.
Ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, nhiều trường bị xử lý vì tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai dù chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực.
Theo quy định hiện hành, trường đại học vi phạm không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ tiếp tục rà soát và xác định những trường tuyển vượt chỉ tiêu
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết thêm, theo kế hoạch, công tác tuyển sinh năm 2022 sẽ kết thúc vào ngày 31/12. Lúc này các trường mới gửi báo cáo để Bộ rà soát và xác định những trường tuyển vượt chỉ tiêu, sai quy định để xử phạt.
Theo đó đề nghị các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ, quy định của ngành về công tác tuyển sinh để tổ chức thực hiện tại đơn vị mình đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
"Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều có hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Do vậy, các trường cần tăng cường công tác thanh tra nội bộ để giúp Hội đồng trường, Ban giám hiệu phát hiện sớm những hạn chế, thiếu sót hay vi phạm của nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời", ông nói và cũng đề nghị thanh tra Bộ, Sở tiếp tục thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm sai phạm của các cơ sở đào tạo theo quy định pháp luật.
Mức xử phạt quá nhẹ, nhiều trường "nhờn luật"?
Một số cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã bị xử phạt. Điều đáng nói đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, dù không được phép. Điều này khiến nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay còn nhẹ, nên không có nhiều tác dụng răn đe đối với các trường.
Trước luồng ý kiến trên, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, việc xử phạt hành chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục cao nhất đối với tổ chức là 150 triệu đồng và cá nhân là 75 triệu đồng có thể tính răn đe còn thấp nhưng đối với cơ sở giáo dục khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh.
Theo ông Cường, việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính chủ yếu mang tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm nên Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về các hình thức xử phạt có các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm hình thức xử phạt chính là Cảnh cáo và Phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP quy định ngoài hình thức xử phạt chính, mỗi hành vi vi phạm tùy theo tính chất mức độ còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Đây mới là những biện pháp răn đe và xử lý triệt để hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay là quá nhẹ khiến các trường không biết sợ nên không có nhiều tác dụng răn đe. Thậm chí có trường sẵn sàng tuyển vượt và cũng sẵn sàng chịu phạt. Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng này để siết lại kỷ cương trong tuyển sinh khi mùa tuyển sinh 2023 đang tới gần?
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2021 là năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, dẫn đến công tác tuyển sinh cũng bị tác động, không theo quy luật, nhiều sinh viên chưa thể đi du học nên khó dự đoán tỉ lệ nhập học. Bên cạnh đó, phổ điểm tập trung nên dẫn đến nếu giảm 0,1 điểm thì không đủ số lượng trúng tuyển theo quy định nhưng nếu tăng thêm 0,1 điểm thì số lượng trúng tuyển lại vượt chỉ tiêu. Điều này dẫn đến số lượng cơ sở đào tạo bị xử lý tăng lên so với những năm trước, cá biệt có khối ngành số lượng chỉ tiêu các trường xác định thấp (dưới 50 chỉ tiêu) dẫn đến khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu với tỉ lệ lớn nhưng số tuyệt đối không nhiều.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hệ quả của việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu sẽ dẫn đến chất lượng đầu ra không bảo đảm và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế đất nước. "Có thêm người học thì nhà trường sẽ có thêm học phí nhưng phải tương ứng với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để đào tạo ra sản phẩm đầu ra chất lượng. Giáo dục con người phải có kỷ cương, trật tự. Khi trường đại học vượt quá kỷ cương thì uy tín của trường đó sẽ bị giảm và người học sẽ quay lưng".
Cần chế tài mạnh tay để tránh "nhờn luật"
Để xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, quan trọng nhất là chế tài, nếu chế tài không đúng mức, không đủ sức răn đe thì các trường sẽ coi thường, không sợ. "Chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm này hiện nay còn nhẹ. Bộ GD&ĐT cần xem xét lại chế tài, làm mạnh tay để ngăn chặn những sai phạm. Thậm chí, nếu tuyển sinh vượt mức bất kể cao hay thấp thì cắt chức hiệu trưởng. Bên cạnh đó cần tăng mức phạt hành chính. Đánh nặng vào chức vụ và kinh tế, tôi cho rằng các trường sẽ không dám nhờn luật".
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ GD&ĐT, quy định của ngành về công tác tuyển sinh để tổ chức thực hiện tại đơn vị mình đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Luật số 34 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP. Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường công tác thanh tra nội bộ để giúp Hội đồng trường, Ban Giám hiệu phát hiện sớm những hạn chế, thiếu sót hay vi phạm của nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Để giảm tối đa những vi phạm trong tuyển sinh đại học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, ở đây quan trọng nhất là chế tài, nếu chế tài không đúng mức, không đủ sức răn đe thì các trường sẽ coi thường, không sợ.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Đại Đoàn Kết, VTC News)