Cho đến bây giờ khi nhắc đến huyền thoại võ công trên xứ Gò Công (Tiền Giang), người ta vẫn còn không ngớt lời ca tụng về "tay đấm không biết mệt" Trần Bình Long.
Đến vùng đất võ Gò Công, nghe người già kể chuyện võ công bên ly trà chén rượu, lúc ngà ngà say hay cao hứng tức thời, các ông thường thuật lại những chuyện ly kỳ quanh chiến tích lừng lẫy của võ sĩ Trần Bình Long.
Rằng, người ta đồn khi Trần Bình Long xuất chiêu "phượng dực bạt phong" là ngay lập tức sẽ hạ gục đối thủ. Rằng, trong giây phút huy hoàng đó, nếu ai có "ngộ tính võ thuật" cao sẽ thấy một luồng khí mang hình dáng con phượng hoàng đang xé gió bay về trời, một khắc thôi rồi tan biến...
Võ sư Trần Bình Long ra chiêu trong thế đánh "phượng dực bạt phong"
Chuỗi trận toàn thắng
Khi được hỏi về lời đồn đại ly kỳ ấy, Trần Bình Long chỉ cười xòa: "Người ta nói vậy cho hay, chứ chẳng có quyền phép gì đâu". Theo những đồng môn của Trần Bình Long thì bởi ông đã từng đánh thắng nhiều võ sĩ Miên, Nam Dương, mà thông thường võ sĩ của những nước này hay bị đồn là dùng bùa chú, nên người ta xôn xao và thêu dệt chuyện Bình Long có phượng hoàng bảo vệ.
Gặp mặt Trần Bình Long, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về người võ sĩ đã từng làm khiếp đảm bao nhiêu đấu thủ lại có vẻ mặt hiền hòa, phúc hậu đến thế. Và trong một chiều mưa lất phất xứ Gò, người đàn ông một thời uy danh lừng lẫy ngồi góp nhặt những hồi tưởng về quá khứ oai hùng.
Ông tên thật là Trần Văn Mừng, một trong những môn sinh ưu tú nhất của võ đường Triệu Tử Long, hệ phái võ kinh đất Gò Công. Tuổi thơ của cậu bé Mừng là những ngày chạy bộ hàng mấy cây số, để đến xem cho bằng được những trận thượng võ đài của các võ sĩ danh tiếng miền Tây.
Rồi đêm đêm trong giấc mơ, những thế võ, chiêu thức ảo diệu lại hiện về thôi thúc cậu trai người thấp tè, gầy đét như ống tre đến võ đường ghi danh. Dưới sự dìu dắt của vị võ sư tài năng Hồng Long, người tiếp quản võ đường Triệu Tử Long, Mừng đã thuần thục và tường tận những tinh hoa trong quyền cước của võ cổ truyền xứ Gò Công.
Năm 1974, Trần Văn Mừng lúc ấy đã đổi tên hiệu là Trần Bình Long được cử đi tham dự giải võ thuật quốc gia. Đứng trước những đấu thủ dày dạn kinh nghiệm của các hệ phái võ công danh tiếng, nhưng cậu bé miệt vườn vừa tròn 20 tuổi lại không hề run sợ.
Trái lại, Bình Long liên tiếp hạ "nốc - ao" đối thủ để tiến vào vòng trong. Giới võ thuật lúc bấy giờ, hầu như không ai chú tâm đến một "lính mới" như Bình Long.
Cho đến trận bán kết 1, khi ông chỉ trong vòng 50 giây đầu của hiệp đấu thứ nhất đã đánh rớt đài võ sĩ Lê Bảo Châu, thì người ta mới bắt đầu xôn xao về tuyệt kỹ mà trước giờ Long vẫn thường sử dụng. Và cũng với chiêu thức tương tự, Trần Bình Long đã bước lên bục cao nhất của giải đấu võ thuật năm ấy.
Chưa kịp mừng vì đoạt giải, thầy trò Bình Long đã phải lo canh cánh vì đối thủ thách đấu với Long ngày càng nhiều. Trong đó, đáng gờm nhất phải kể đến Lâm Điền Vũ, Xuân Hải (võ đường Xuân Bình, Sài Gòn - Gia Định).
Trần Bình Long kể lại: "Nói gì thì nói, cũng phải công nhận rằng lúc ấy còn quá trẻ tuổi, kinh nghiệm trận mạc chưa được bao lâu mà phải thượng đài cùng các "đàn anh" quả thật cũng có đôi phần lo lắng". Nhưng một lần nữa, Bình Long lại tiếp tục hạ "nốc - ao" các đấu thủ.
Từ đó, giới báo chí chế độ cũ đã ca ngợi Bình Long là "tay đấm chưa biết mệt tại Việt Nam", còn giới võ thuật cũng xôn xao tìm cách phá tuyệt chiêu bất bại "phượng dực bạt phong" của ông.
Trần Bình Long nhận Cúp vô địch võ thuậ quốc gia năm 1974.
“Hùm xám” của cao nguyên đất đỏ
"Phượng dực bạt phong" hay còn được gọi nôm na là "chỏ lật" nằm trong bộ Phượng hoàng quyền pháp của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đòn "chỏ lật" chủ yếu dùng cùi chỏ để bủa ra phía sau, hay lật bủa từ trên cao xuống.
Nhấp ngụm trà, võ sư Trần Bình Long chậm rãi đứng dậy, ông vừa ra quyền vừa giảng giải về thế đánh "phượng dực bạt phong": "Gối, chỏ là những kỹ thuật cận chiến của võ thuật cổ truyền. Tượng hình các thế đánh cùi chỏ như đôi cánh phượng hoàng gọi là "phượng dực". "Phượng dực bạt phong" là một đòn hiểm nhưng thường dùng để đánh ngã đối phương chứ không chủ tâm gây chết người.
Phượng hoàng là loài chim chỉ xuất hiện khi bình an, thịnh vượng nên không phải ngẫu nhiên mà các bậc tôn sư lựa chọn cánh phượng hoàng làm biểu tượng cho kỹ thuật sử dụng cùi chỏ".
Sau khi giành chiến thắng tuyệt đối trên sân Tinh võ, cạnh bên thao trường Nguyễn Trãi (nay là trường ĐH Sư phạm Thể dục - Thể thao TP.HCM) Trần Bình Long trở về quê để tiếp tục học văn hóa và tập luyện.
Nhưng không lâu sau đó, võ sư Hoàng Thọ từ cao nguyên xa xôi đã nghe danh Bình Long và lặn lội xuống tận Tiền Giang để tìm gặp. Trong men nồng của tình bằng hữu, võ sư Hồng Long, thầy của Bình Long đã cao hứng kết nghĩa cùng Hoàng Thọ.
Khi đã thân tình, Hoàng Thọ cũng không hề giấu giếm ý định muốn "mượn" Trần Bình Long và các môn đồ tài giỏi khác như Nguyễn Phi Long, Lê Tấn Long và Lại Quang Long đi thách đấu dọc dải đất miền Trung.
Hồng Long lúc đầu cũng khá ngần ngại, vì khi đi cùng Hoàng Thọ, các đệ tử của ông phải lấy tên hiệu khác, giả là môn sinh của Hoàng Thọ. Việc này nếu đến tai Tổng cục võ thuật, sẽ gây rắc rối không ít cho Bình Long, lúc ấy mới lên ngôi đương kim vô địch không lâu. Nhưng mong mỏi được giao đấu cùng các hệ phái danh tiếng của vùng duyên hải miền Trung, để học hỏi thêm tinh hoa võ học đã thôi thúc Hồng Long và cả Bình Long một cách mạnh mẽ.
Cuối cùng với tên hiệu Hoàng Hùm, Bình Long và các anh em khác cùng Hoàng Thọ lên đường.
"Đội quân giả" của Hoàng Thọ đi đến đâu thắng trận đến đó. Trên các sới võ có sự "tham chiến" của Trần Bình Long, người ta thường căng quảng cáo ở vị trí đẹp nhất với lời đề: "Hùm xám của cao nguyên đất đỏ giao đấu cùng ..." để thu hút khán giả.
Nguyên cớ của cái danh "Hùm xám miền cao nguyên đất đỏ" xuất phát từ chính tên hiệu giả Hoàng Hùm của ông. Đến lúc này, uy danh của Hoàng Hùm đã vang động giới võ thuật, người ta lờ mờ nhận ra chiêu thức mà Hùm hạ gục đối thủ rất giống với tuyệt kỹ của Trần Bình Long xứ Gò Công. Nhưng do thời ấy báo chí còn hạn chế, giới võ thuật hầu như chủ yếu nghe tiếng chứ ít khi biết mặt ông.
Bấy giờ, võ sĩ nổi danh của Quảng Ngãi là Nguyễn Tiến Dũng đã nghe tiếng Hoàng Hùm nên có ý định thách đấu. Không ngần ngại, Hùm nhận lời, một phần là do tinh thần thượng võ của miền Trung rất cao.
Khi thi đấu, dù thắng hay thua các võ sĩ cũng không bao giờ để dạ hận thù hay hiềm khích. Trái lại, họ còn trọng đãi đối phương để mong mỏi học tập được thêm nhiều chiêu võ tinh hoa.
Nguyễn Tiến Dũng không phải là hạng tầm thường, nên trận đấu giữa ông và Hoàng Hùm dĩ nhiên đến tai Tổng cục võ thuật. Trên võ đài, khi Nguyễn Tiến Dũng tấn công đòn hiểm, Hoàng Hùm xoay người để né đòn, đồng thời giở chiêu "phượng dực bạt phong", với tốc độ nhanh hơn gió, bủa từ trước ra sau khiến Dũng không tài nào đỡ kịp và rớt đài.
Phía dưới hàng ghế khán giả, đại diện Tổng cục võ thuật đã nhận ra Hoàng Hùm chính là đương kim vô địch Trần Bình Long... Và đó cũng chính là lý do mà võ sư Hồng Long lại toát mồ hôi hột trước chiến thắng của cậu học trò cưng...
Ngọc giàu - Mai Phong
(Còn nữa)