Ký ức những ngày đầu gùi chữ lên non
Sinh ra và lớn lên ở vùng xuôi, song, vì mối duyên với vùng cao, mà thầy giáo Phùng Thế Tùng đã dành cả thanh xuân gắn bó với những điểm trường nằm giữa mênh mang núi rừng Tây Bắc, với những đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên đang “khát chữ”.
Suốt hơn 20 năm bám trường, bám lớp ở những nơi khó khăn nhất của huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai), nơi được mệnh danh là “Trường Sa cạn”, người thầy giáo ấy, cũng như biết bao giáo viên cùng thế hệ, đã có không ít những kỷ niệm không thể nào quên.
Nhắc đến những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất khô cằn này, là cả một bầu trời ký ức như dội về, thầy Phùng Thế Tùng (Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Chảy) vẫn không giấu nổi nét bồi hồi: “Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, chưa từng sống ở vùng cao. Sau khi ra trường, tôi lên nhận nhiệm vụ đầu tiên ở trường vùng cao tại Mường Khương này từ năm 1998. Trong suy nghĩ của tôi, chưa bao giờ có thể mường tượng hết những khó khăn và thử thách của nghề “gieo chữ”.
Mở màn là những cuộc di chuyển, băng núi, băng đồi mà đi, và tất nhiên là chỉ có thể đi bộ, vừa đi vừa hỏi thăm vì không biết phải đi như thế nào. Nhiều khi, bất đồng ngôn ngữ, nên người dân chỉ đường cũng không biết đi sao cho đúng, có lúc, đi lạc lên tận một cái nương nào đấy không có dấu chân người đi bao giờ... Bản thân tôi lúc đó thực sự bị “ngợp”, bởi tôi chưa bao giờ phải đi bộ nhiều như vậy, đúng là một sự “thử lửa” cho giáo viên vùng khó. Có lúc, về đến nhà để nghỉ ngơi là chân cứng hết, căng cơ, không đi lại được luôn...
Kế đến, cuộc sống nơi điểm trường heo hút, dường như cái gì cũng thiếu. Thiếu nhất là điện, trong khi hành trang tôi mang theo, đèn pin không có mà nến với đèn dầu cũng không, vì vốn dĩ không lường trước được điều kiện công tác ra sao... Tôi chỉ còn biết đốt lửa, vừa sưởi vừa lấy ánh sáng mà soạn bài”.
Đường sá, điện đóm cũng chỉ là một góc của những khó khăn nơi đây. Ở mảnh đất “Trường Sa cạn” này, thử thách lớn nhất chính là nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt. “Trước đây, tôi đã có gần 20 năm “cắm bản” ở Tả Gia Khâu, nơi quanh năm khan hiếm nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa Đông, khi những cơn mưa dần thưa thớt... Mùa Hè, chúng tôi tận dụng bất cứ vật dụng nào có thể chứa nước, để hứng nước mưua, và khi Đông đến thì chuyển sang hứng sương đọng trên mái nhà... Vậy mà vẫn không xuể...
Tôi vẫn nhớ, có những ngày, 3 thầy giáo chia nhau một ca nước cho vệ sinh cá nhân vào buổi sáng sớm. Suốt nhiều năm, cả giáo viên và học sinh tại các điểm trường đều phải tranh thủ thời gian, đi xách nước từ rất xa về trường để đảm bảo sinh hoạt, bởi lẽ, ở gần trường không tìm đâu ra mạch nước. Ngày nào, thầy trò cũng nối đuôi nhau từng hàng, từng hàng đi xách nước, nhưng vẫn phải sử dụng vô cùng tiết kiệm. Nước vo gạo, rửa rau lại được tận dụng trong sinh hoạt cá nhân, rồi mang tưới rau để tăng gia cho lớp học bán trú”, vị Hiệu trưởng nhớ lại.
Đã có không ít khó khăn ngay từ khi bắt đầu hành trình, thậm chí, có lúc, thầy giáo trẻ chùn bước, muốn bỏ nghề. Song, nhờ có nguồn năng lượng tích cực kịp thời từ gia đình, thầy Tùng mới có thể kiên trì với công việc của mình, vượt qua những thử thách, chông gai mà bám trụ ở những điểm trường chênh vênh giữa mỏm đồi.
“Tôi nhớ, hồi đó, vì chưa có điện thoại, nên muốn liên lạc về nhà, chỉ có cách viết thư. Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi gửi thư về cho bố mẹ vào tháng 9, thì tháng 10 mẹ mới nhận được thư, rồi mẹ viết thư hồi âm và đến tháng 11, thư mới đến tay tôi.
Trong thư, tôi “ôn nghèo kể khổ” với mẹ, có bao nhiêu cảm nhận đều nói hết, thể hiện rõ sự chán nản, muốn bỏ cuộc... Mẹ tôi vốn cũng là giáo viên, liền động viên, bà bảo: “Giờ con đi làm phục vụ công việc của nhà nước, theo nghề con đã chọn rồi, thì phải biết nỗ lực. Ngày xưa, chiến tranh, bố con khó khăn, vất vả biết bao nhiêu, chỉ mong sống sót trở về với người thân, thế hệ bố và các bác, các chú là bộ đội còn chịu được, huống chi là mình!”. Đó là động lực lớn nhất để tôi bám trụ lại “vùng đất khát” này suốt mấy chục năm qua”, vị Hiệu trưởng không ngần ngại giãi bày.
Biến trường học thành ngôi nhà khám phá
Ấn tượng đáng nhớ nhất của vị Hiệu trưởng này, có lẽ là những ngày “mòn gót” cùng đồng nghiệp đi vận động học sinh ra lớp: “Cứ sáng sớm, chúng tôi lại chia nhau đi đến từng nhà để đón học sinh ra lớp. Đến nhà học sinh nhiều khi còn chẳng có lấy chiếc ghế để ngồi, nhưng lại sẵn rượu, sẵn thuốc. “Thầy giáo đến nhà, không có nước, thì mời thầy uống rượu”, đó là câu mà tôi được nghe thường xuyên từ phụ huynh học sinh. Thầy cô thì muốn nhanh chóng đưa được học sinh đến lớp, phụ huynh thì đưa cho một bát rượu cùng chiếc điếu cày: “Thầy giáo uống một bát rượu, hút một điếu thuốc, thì mình mới cho con đi học”.
Dù lúc ấy, chưa biết uống rượu, chưa thử hút thuốc lào, tôi cũng cố gắng nhận lấy. Cứ như vậy, các thầy cô gần như hôm nào cũng phải đi vận động học sinh”.
Giáo viên một khi đã lên non, ai cũng phải tự mình học hỏi ngôn ngữ ở địa phương, để có thể giao tiếp và tương tác với phụ huynh và học sinh: “Hồi đầu, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại rất lớn. Nếu chúng tôi chỉ nói tiếng Việt, rất ít người tiếp chuyện, dù cho người đó có biết tiếng Việt, cũng không mấy khi đáp lời. Đôi khi đó được xem như một “mẹo” giao tiếp”.
Vì vận động học sinh ra lớp cũng không mấy dễ dàng, nên suốt những năm qua, thầy giáo Phùng Thế Tùng vẫn luôn trăn trở: “Làm sao để học sinh thích đến trường hơn ở nhà?”.
Và thế là, vị Hiệu trưởng bắt đầu từ việc “hô biến” ra một diện mạo mới cho ngôi trường nơi mình công tác: “Thực ra, thời gian thầy cô ở với học trò nhiều hơn ở với gia đình và học sinh ở với thầy cô cũng nhiều hơn ở nhà với bố mẹ. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm, phải làm sao, cho các em đến trường có một tâm lý vui vẻ, phấn khởi, thích hơn ở nhà, thì các em mới ở lại trường. Chúng tôi cố gắng mỗi ngày một chút, các thầy cô tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, tự tay sáng tạo cảnh quan, khu vui chơi sinh hoạt, để học sinh có được những hoạt động ấn tượng, ý nghĩa. Đồng thời, thông qua đó, trở thành hoạt động giáo dục cho học một số kỹ năng thiết thực trong cuộc sống”.
Và đó cũng chính là tuyệt chiêu “níu chân” học trò của Hiệu trưởng Phùng Thế Tùng, vừa khơi gợi trí tò mò, óc sáng tạo cho học sinh, lại là một trong những phương pháp duy trì tỉ lệ chuyên cần qua mỗi năm.
Hiện tại, ở ngôi trường cũ nơi thầy Tùng từng gắn bó, vẫn còn những không gian văn hóa đọc, không gian trưng bày và giới thiệu văn hóa truyền thống với những đồ vật gắn với bản sắc địa phương. Đó là một trong những niềm tự hào nho nhỏ của vị Hiệu trưởng: “Đúng với chủ trương của Sở là xác định mỗi nhà trường, điểm trường là một trung tâm văn hóa chính trị để thu hút người dân, học sinh đến tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường”.
Có lẽ, chính vì cách tạo tình yêu với trường lớp, thầy cô một cách tự nhiên và trong trẻo đến thế, mà thầy Hiệu trưởng ở trong mắt học sinh, tuy có những lúc vô cùng nghiêm khắc, nhưng cũng lại vô cùng ấm áp.
Trong hành trình dạy học suốt bao năm qua, thầy Tùng đã có một “tài sản” rất lớn. “Lúc tôi chuyển công tác từ trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu về đây, tôi xin phép bàn giao lại cho nhà trường toàn bộ “gia tài đồ sộ” của mình, tất thảy hơn 1kg giấy vốn là thư viết tay của học sinh trong những dịp đặc biệt. Các em tự vẽ hình, tô màu, trang trí, tự thiết kế cả phong bì bằng giấy ô ly, rồi viết nội dung thư lên đó, tâm sự những điều thật nhất. Các em nhắc cả “những hôm thầy quát em, mắng em”, hay “đêm hôm, thầy đi kiểm tra các em ra sao”... từ những việc nhỏ nhất xảy ra cách mấy năm, các em vẫn còn nhớ mà tâm sự thật với thầy.
Mỗi bức thư là một tình cảm, không quan trọng của học sinh ngoan hay học sinh còn nghịch ngợm, không quan trọng chữ đẹp hay xấu, tôi đều trân trọng!
Tôi xin thầy Hiệu trưởng mới, lưu giữ lại những bức thư ấy trong phòng truyền thống của Đội, để những thế hệ học sinh sau này có thể cảm nhận về những anh chị đã từng học ở đây. Đó là những kỷ niệm vô giá!”, nhắc đến đây, thầy Tùng bất giác nở một nụ cười hạnh phúc.
Tuệ Nhi