Thức tỉnh những vùng đất mới
Nói về kinh nghiệm phát triển du lịch trên thế giới, Thái Lan có thể xem là một “hình mẫu lý tưởng” với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc cùng một chính quyền năng động, không ngừng đưa ra các cải tiến mới.
Mới đây, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã áp dụng chiến lược du lịch quốc gia mang tên A-B-C về liên kết phát triển du lịch ở các thành phố mới giàu tiềm năng. Trong đó, A (Additional) là kết nối các thành phố du lịch quan trọng với những địa điểm mới. Chẳng hạn như từ Chiang Mai đi Lamphun và Lampang cách đó chỉ một giờ chạy xe, hoặc tới Pattaya sẽ có thêm các điểm đến như Chanthaburi, Trat…
Những điểm đến mới được chính quyền hỗ trợ quảng bá qua nhiều hoạt động xúc tiến du lịch trong kế hoạch B (Brand New). Đồng thời các điểm này cũng tạo mối liên kết chặt chẽ với nhau và với các điểm đến truyền thống thành một tour liên hoàn theo kế hoạch C (Combined) được định hướng bài bản.
Chiến lược này đã đẩy mạnh hình ảnh cho các điểm du lịch mới bằng cách tạo ra tuyến du lịch theo chủ đề, phân bổ cân bằng nguồn thu nhập từ ngành công nghiệp du lịch cho các vùng miền, thay vì để lượng du khách quốc tế đổ dồn vào các điểm đến quen thuộc.
Những chính sách phát triển hiệu quả như trên đã giúp lượng du khách quốc tế của Thái Lan nhiều gấp 2 – 3 lần Việt Nam dù Thái Lan, xét về cảnh quan và di sản tự nhiên, thậm chí có phần thua kém với Việt Nam. Theo báo cáo từ Vietnam Report 2018, một trong 3 thách thức lớn nhất du lịch Việt Nam đang phải đối mặt là khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Tổ chức này phân tích khách du lịch quốc tế vẫn chủ yếu tập trung tại các địa điểm du lịch đã có thương hiệu (Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang…) trong khi nhiều di sản mới (Lý Sơn, Cô Tô…) lại chưa thu hút đông du khách. Mối liên kết giữa các địa phương để khai thác tài nguyên du lịch một cách đồng bộ vẫn còn mờ nhạt dẫn đến tình trạng hàng loạt sản phẩm du lịch của các tỉnh đều “na ná nhau”. Do đó, thời gian lưu trú của du khách tại Việt Nam cũng tương đương Thái Lan (trung bình 9 đêm), nhưng họ chỉ chi tiêu 96 USD so với con số 163 USD tại Thái Lan.
Lấp dần khoảng trống lớn
Thực tế bài toán phát triển du lịch tại những điểm đến mới của Việt Nam đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Nhiều địa phương đã thực hiện phát triển du lịch với những sản phẩm có sức cạnh tranh, đa dạng dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền.
Bình Định có thể xem là một hiện tượng thú vị khi nói về sự trỗi dậy của các vùng đất mới ở miền Trung. Trước đây, khách đến Quy Nhơn chỉ coi đây là điểm dừng chân tạm thời trước khi đến với những địa điểm nổi tiếng hơn như Hội An, Nha Trang, Đà Lạt. Nhưng với sự đổ bộ của những dự án “khủng” như quần thể du lịch tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên FLC Quy Nhơn cùng hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp, Quy Nhơn đang bước đầu trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch và doanh thu từ ngành công nghiệp không khói của Bình Định đã tăng đột biến, chạm mốc 3.301 tỷ đồng năm 2018, tăng 54,7% so với năm 2017.
Nếu như Quy Nhơn là câu chuyện vươn mình từ những bước đi đầu tiên, thì bài toán của Hạ Long lại là thoát khỏi “cái bóng của chính mình”. Hạ Long có nhiều thắng cảnh, di sản đẹp, nhưng du khách đến đây cũng chỉ có thể đi thuyền ngắm vịnh, và rất khó để níu chân họ quay lại lần thứ 2. Chỉ khi thành phố được bổ sung nhiều sản phẩm du lịch cao cấp, như tổ hợp nghỉ dưỡng đa tiện ích FLC Hạ Long, khu vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, Vinpearl Land Halong… để đón dòng khách hạng sang, du lịch Hạ Long mới thực sự tạo điểm nhấn khác biệt ở khu vực phía Bắc với lượng khách quốc tế đông đảo.
Các điểm đến mới hiện cũng được kết nối tốt hơn nhờ hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện. Đơn cử như hãng hàng không Bamboo Airways, bên cạnh các đường bay chính, cũng đặt mục tiêu kết nối những điểm du lịch tiềm năng, giúp du khách di chuyển dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, nếu soi chiếu vào kế hoạch A-B-C mà Thái Lan đang áp dụng, có thể thấy điểm yếu và thiếu của du lịch Việt Nam chính là một chiến lược tổng thể cấp quốc gia nhằm tạo ra sức hút cho các điểm đển, thông qua sự liên kết giữa các Bộ, ngành, cũng như các vùng miền cả nước, tránh tình trạng phát triển du lịch kiểu “mạnh ai người ấy làm”, mất cân đối vùng và chủ yếu dựa vào tài nguyên như hiện nay.
Không có một chiến lược như vậy, thì bài toán nan giải trong việc liên kết du lịch giữa các vùng duyên hải miền Trung hay câu chuyện "ngăn sông cấm chợ" từng diễn ra giữa Hải Phòng và Quảng Ninh khi cùng "đụng độ" ở dòng sản phẩm tham quan bằng tàu trên vịnh Hạ Long vẫn sẽ diễn ra.
Theo TS. Trần Du Lịch, nếu không liên kết phát triển du lịch, để địa phương nào cũng tự phát sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước ASEAN. Thế mạnh mỗi địa phương không được phát huy trong chuỗi sản phẩm chung.
Mới đây, tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cũng cho rằng: “Liên kết vùng du lịch đang rất cần có một chiến lược tổng thể, được dẫn dắt và định hướng một cách thống nhất, với những tầm nhìn và lợi ích dài hạn. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư và phát triển du lịch tại địa phương cần được tham gia như một nhân tố cốt lõi, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý hay các tổ chức, hiệp hội…” Có lẽ chỉ khi đó chúng ta mới có thể hi vọng về một sự thay đổi ngoạn mục, nâng tầm cho du lịch trong nước cất cánh.
Thu Hà