Giảm 30kg trong hai tuần
Sau ngày trường đua Phú Thọ (TP.HCM) đóng cửa, thời hoàng kim của ngựa đua lui vào dĩ vãng. Những làng, lò nuôi, luyện ngựa đua nức tiếng một thời giờ lặng lẽ ém mình trong các trại ngựa thịt, ngựa kéo. Chung cảnh ngộ, các nài ngựa ngày nào được người đời tung hô cũng phiêu dạt muôn nẻo. Những nài còn quyến luyến, đam mê môn thể thao quý tộc này cũng phải bươn chải bằng nhiều nghề trái tay, mơ về ngày lại được tung hoành trên lưng ngựa. Thế nên, đã là nài ngựa, không một ai có thể quên những tháng năm luyện rèn từ thể xác đến tinh thần để trở thành một tay đua siêu việt.
Môn thể thao quý tộc thời hoàng kim (Ảnh: tư liệu do nhân vật cung cấp).
Ông Ba Mặt, người một thời lăn lộn, gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực nuôi, luyện ngựa đua cho biết: "Luyện ngựa đã khó, luyện nài càng khó hơn. Ngựa dễ chọn nhưng nài phải là người có tố chất và chấp nhận những bài tập khắc nghiệt. Thế nên, chỉ ai thật lòng đam mê mới dám chấp nhận cái nghề làm nài ngựa. Một khi là nài ngựa anh chỉ được phép có một trọng lượng cơ thể duy nhất. Trọng lượng đó không được phép thay đổi cho đến chừng nào anh còn ngồi trên yên ngựa đua. Để có được một cơ thể, trọng lượng phù hợp theo tiêu chuẩn, giữ cân nặng đó nguyên vẹn theo thời gian không dễ. Do đó, nài ngựa phải dũng cảm chấp nhận những bài tập ép xác khắc nghiệt".
Chia sẻ về những kỹ năng ép xác, anh Châu Lương Quyền (42 tuổi), một nài ngựa chuyên nghiệp của trường đua Phú Thọ kể: "Trước đây, tôi cũng không thấp bé nhẹ cân như thế này đâu (hiện anh nặng 36kg- PV). Trước khi đi làm nài ngựa, tôi cũng to con và nặng đến 60kg nhưng vì đam mê đua ngựa nên tôi chấp nhận các bài tập ép xác theo kiểu hành xác của ông nội để giảm từ 6kg xuống còn 30kg".
Theo anh Quyền, con đường đến với kiếp nài ngựa của anh như được trời định sẵn từ khi còn trong bụng mẹ. Xuất thân trong gia đình nức tiếng là lò luyện ngựa đua nhất xã Đức Hòa, tỉnh Long An, Quyền sớm được tiếp xúc với lưng ngựa, được ông nội Tư Hạo truyền dạy những bí kíp gia truyền.
Càng lớn, Quyền càng đam mê ngựa hơn bất cứ thứ gì. Đến tuổi đi học, sách vở, bạn bè, thầy cô cũng không hấp dẫn được anh như những chú ngựa đua. Cuối cùng, thấy người cháu đam mê ngựa đua đến bỏ ăn bỏ mặc, gia đình quyết định huấn luyện Châu Lương Quyền thành một nài ngựa siêu việt. Anh cho biết: "Để được đua ngựa, năm 15-16 tuổi, tôi đã được ông nội chỉ cách làm nài. Tôi buộc phải chấp nhận những bài tập ép xác kinh khủng".
Theo anh Quyền, có rất nhiều phương pháp, cách thức ép xác khác nhau, tùy vào cân nặng của nài cần ép hoặc tùy vào thời gian muốn nhanh hay chậm. Tuy nhiên, một trong những cách thức được nhiều người lựa chọn hơn cả là làm cơ thể mất nhiều nước trong thời gian ngắn.
Anh Châu Lương Quyền chia sẻ: "Một trong những cách ép xác đáng sợ nhất là "lò hấp". Theo cách này, nài phải ngồi vào trong một chiếc thùng lớn, trên có nắp đậy chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ để đưa không khí vào trong. Dưới đáy thùng, nài được ngồi trên lớp gạch cao khoảng 20cm. Sau đó, người ta sẽ tăng nhiệt độ trong thùng bằng cách đốt đèn cầy dưới đáy thùng. "Nếu ai không biết thì sẽ nghĩ đấy là một trò tra tấn. Ngồi trong đó, riêng sự kín khí thôi đã đủ làm mồ hôi vã ra, lại đốt thêm nến thì chẳng khác nào bị đem hấp. Bằng cách đó, kết hợp với uống thuốc, trong 2 tuần mà tôi sút đến 30kg vừa đủ chuẩn của nài".
Ngoài bài tập khắc nghiệt trên, nài còn phải tiêm một loại thuốc đặc biệt. Nài Quyền khẳng định: "Để xuống cân nhanh và giữ được thân hình, tôi phải đi chích thuốc giảm cân. Thuốc này rất hiếm, các bác sỹ cũng không dám bán bừa bãi. Mỗi năm cũng chỉ được phép chích hai lần thôi, nếu nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe". Hơn thế, để hạn chế việc tăng cân, chế độ ăn uống của nài ngựa cũng vô cùng kham khổ. Những nài ngựa từng đua ở Phú Thọ nay về chăm ngựa, quần ngựa đua cho các lò nuôi ngựa dưới Đức Hòa Thượng (tỉnh Long An) cho biết họ chỉ ăn đúng một chén cơm mỗi bữa, đặc biệt hạn chế chất béo, thay vào đó là rau, quả.
Sau ngày trường đua đóng cửa, nài Quyền đành vui vẻ trở thành người phục vụ quán nước (Ảnh: Hà Nguyễn).
Kỹ năng chinh phục đường đua và chạm trán tử thần
Đối với nghiệp đua tốc độ trên lưng ngựa, ngoài việc ép xác để thấp bé nhẹ cân, các nài còn am tường những kỹ thuật đua nhất định. Những kỹ thuật đó được các nài ví như bí kíp trong nghề, thừa hưởng từ người đi trước và kinh nghiệm bản thân nên ít được "bật mí". Tuy nhiên, chia sẻ về kỹ năng làm nài của mình, nhiều "kỵ mã" khẳng định: Người làm nài ngoài đủ tiêu chuẩn về cân nặng còn phải nắm vững những kỹ thuật khi đua như cách bẻ cua, kìm cương, lấy đà, bức tốc,... Và, điều quan trọng hơn cả là phải làm cho người và ngựa hiểu nhau. Đó được xem là một yêu cầu không thể thiếu để một nài ngựa thành danh.
Nài Quyền cho biết: "Việc làm quen với ngựa rất quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc thành bại của cuộc đua. Phần lớn các nài ngựa đều xuất thân từ những gia đình nuôi ngựa, nhưng khi đua toàn cưỡi ngựa của lò khác. Nếu như không quen, không hiểu con ngựa đó, nài sẽ không biết điểm mạnh, điểm yếu của nó mà phát huy hay phòng tránh". Thế nên, trước khi cuộc đua bắt đầu, các nài đều quần, dợt với con ngựa được chọn đua. Đây là thời gian hiếm hoi để nài hiểu tính cách, sở trường sở đoản con vật. Ông Ba Mặt cho biết thêm: "Có ngựa hay cũng phải biết chọn nài. Nài có hay, có hiểu ngựa của mình thì mới yên tâm. Trước đây, mỗi khi đua tôi đều chọn nài uy tín để dợt trước".
Là một nài ngựa chuyên nghiệp, những kỵ mã đều dễ dàng tiếp xúc với con vật trung thành bằng nhiều phương pháp. Theo kinh nghiệm của nài Quyền, ngoài việc vuốt ve chóp lông mao con ngựa, các nài đều phải cho ăn, tiếp xúc thường xuyên với chiến mã qua các buổi dợt, quần nước,... phát hiện ra tính cách cũng như khả năng riêng biệt của từng "chiến mã".
Ông Ba Mặt chia sẻ: "Ngựa cũng như người có tính cách riêng, có con rất hung hăng, khó thuần, có con lại hiền hòa, dễ chịu. Đối với con ngựa hăng thì khó chỉnh hơn nhưng được cái rất sung, ra đường đua là bức tốc, cắm cúi phóng như bay nhưng chỉ được "phong độ" nhất thời. Ngược lại con ngựa hiền có độ “ỳ” nhưng hết sức kiên trì, bền bỉ chịu khó bám đường, sức rướn cũng rất tốt".
Cùng nhận định trên, nài Quyền khẳng định: "Gặp con ngựa chứng không biết cách "dỗ", đôi khi đang đua nó vùng lên hất nài xuống đất là chuyện thường. Hơn nữa, không nắm được tính cách, điểm yếu điểm mạnh của con vật thì khó mà thắng cuộc. Gặp con ngựa hiền, vào đường đua, bị đối thủ trông dữ dằn hơn, "lực" hơn chèn ép, nếu không cho con vật cảm giác tự tin an toàn, biết cách cầm cương thì nó dễ bị run, dễ bị vượt mặt. Ngược lại, gặp ngựa chứng, sung quá nhiều khi nó không chạy theo ý muốn của nài gây ảnh hưởng đến kỹ thuật của mình".
Tuy nhiên, làm thân kỵ mã, dù nắm vững kỹ thuật đến mấy, các nài ngựa cũng luôn hiểu và chấp nhận cảnh đua cùng tử thần. Anh Quyền kể: "Làm nài bị ngựa đá gãy xương sườn, gãy chân, cắn đứt tay là chuyện bình thường. Cái đáng sợ là té trên đường đua. Mặc dù có bảo hiểm, nhưng các tai nạn ngoài mong muốn như gãy cổ, dập lá lách,... thậm chí mất mạng là điều khó tránh khỏi. Hàng năm có nài ngựa chết do tai nạn khi đua là chuyện không hiếm. Thế nên, trên trường đua Phú Thọ người ta lập ra một cái miếu thờ những nài không may. Trước khi vào đua, các nài cũng tới đây khấn vái cầu an".
Từng khóc vì phát hiện mình tăng cân Anh Châu Lương Quyền khẳng định: "Là một nài ngựa chuyên nghiệp việc giữ cân, giữ vóc dáng là một yêu cầu tối quan trọng. Việc giữ ổn định cân nặng vóc dáng là điều kiện đảm bảo cho chén cơm cũng như danh vọng của một nài ngựa. Thế nên, tôi từng buồn đến phát khóc khi phát hiện mình tăng từ 36kg lên 39kg. Vượt qua số cân đồng nghĩa với việc bạn không được đua, các lò thuê nài cũng sẽ nghĩ là mình không có trách nhiệm với nghề". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài