Tuyệt kỹ dát một chỉ vàng trên 1m2

Tuyệt kỹ dát một chỉ vàng trên 1m2

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Ông Lê Văn Vòng là một trong số nghệ nhân lão làng còn giữ được bí quyết về nghề dát vàng ở làng nghề Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trải qua rất nhiều công đoạn kỳ công, tỉ mẩn, với một chỉ vàng nguyên chất, khi đã qua bàn tay tài hoa của ông cũng sẽ được dát mỏng tới mức có thể rải trên diện tích 1m2.

Thông thạo 40 công đoạn luyện quỳ

Đôi tay chắc nịch quai búa, ông Lê Văn Vòng, 57 tuổi hiện nay là đời thứ 9 trong một gia đình có truyền thống làm quỳ vàng. Ông Vòng vừa thoăn thoắt đập giấy quỳ vừa chia sẻ với PV về kỹ thuật chế tác quỳ vàng: Để làm ra được một tấm quỳ, người nghệ nhân phải trải qua ít nhất 40 công đoạn, mỗi công đoạn lại đòi hỏi nhiều thao tác. "Làm nghề này phải rất tỉ mẩn, dày công, tốn sức” - ông Vòng nói.

Sự kiện - Tuyệt kỹ dát một chỉ vàng trên 1m2

Nghệ nhân Lê Văn Vòng.

Theo ông Vòng thì giai đoạn luyện quỳ được coi là nặng nhọc nhất. Người ta dùng một loại giấy, cắt thành ô vuông rộng khoảng 5cm, để làm giấy quỳ, xếp thành bọc giấy quỳ dày khoảng 2cm. Mỗi bọc giấy này sẽ được giã qua một lần cho phẳng lừ, không tì vết. Giã xong, mỗi lá quỳ sẽ được quét lên một loại mực làm từ nhựa thông, mùn cưa, hồ và keo da trâu. Mỗi một bọc giấy quỳ được hoàn thành, người thợ phải phết mực ít nhất 3 lần rồi mới phơi khô, để đảm bảo độ bóng, mịn của lá quỳ.

Công đoạn tiếp theo là chế tạo vàng giã. Từ những chỉ vàng nguyên khối sẽ được nấu chảy bằng nhiệt độ cao, đổ vàng đã tan chảy vào khuôn tráng thành phiến mỏng. Với miếng vàng mỏng, ta cắt thành những ô khoảng 2cm rồi kẹp vào lá quỳ. Xếp chúng thành một bọc xen kẽ giữa miếng vàng nhỏ và những mảnh giấy quỳ đã được giã.

Dùng một tấm vải để gói những miếng vàng quỳ đã được kẹp xen kẽ thành từng bọc thật chắc, tránh để chúng xô lệch, xê dịch vị trí của miếng vàng và miếng giấy quỳ. Đặt những bọc đó trên một tảng đá nhẵn và to rồi dùng búa giã liên hồi. Công đoạn giã này cần được đánh liên tục để cho lá vàng mỏng đều. Nếu không đập liên tục sẽ dễ hỏng giấy quỳ mà miếng vàng mỏng không đồng đều, rất dễ bị rách. Giã xong, gỡ những miếng vàng thành từng miếng nhỏ, mỗi dát vàng, bạc có thể cắt thành 9 đến 12 miếng vuông nhỏ, có cạnh chừng 1cm.

Ông Vòng cho biết: Giai đoạn long quỳ cũng rất kỳ công. Những lá vàng cắt nhỏ lại được xếp xen kẽ vào giữa các lá quỳ (gọi là long quỳ). Một long quỳ có từ 400 đến 500 lá. Dùng thanh tôn để chế tạo thành những thanh bay (thanh bay có mũi nhọn như dao) để gắp lá vàng dễ dàng hơn, chuẩn xác hơn. Tiếp tục giã cho thật mỏng, giai đoạn này sẽ quyết định vàng dát có màu sáng óng hay xỉn.

Sự kiện - Tuyệt kỹ dát một chỉ vàng trên 1m2 (Hình 2).

Làm vàng quỳ phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Thăng trầm với nghề giã vàng

Dưới cái nắng oi nồng mùa hạ, bàn tay chai sạn của ông Vòng vẫn đều đều đập vào miếng giấy quỳ đôm đốp, mồ hôi chảy nhễ nhại thấm ướt áo, nhưng điều đó không làm cho câu chuyện giữa PV và ông bị đứt đoạn. Với chất giọng vang, nghệ nhân Vòng rất tự hào về lịch sử làng nghề Kiêu Kỵ. Ngày đó, Kiêu Kỵ thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc. Ông Nguyễn Quý Trị được coi là ông tổ của làng nghề. Ông đỗ Tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Năm 1763, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông đã học sơn son thiếp vàng bằng cách luyện quỳ vàng, bạc để sơn thếp lên các bức tượng, câu đối, hoành phi. Khi về nước, ông đã dạy lại nghề cho người dân làng Kiêu Kỵ. Sau khi ông mất, dân làng đã dựng đền thờ tưởng nhớ. Làng nghề đã trải qua hơn 400 năm tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Trước đây, người dân Kêu Kỵ cũng đủ kiêu hãnh với những sản phẩm mình làm ra. Có một thời ky,â làng nghề này đã được vua chọn lên để dát vàng ở khắp cung vua, phủ chúa. Hiện nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng nghề duy nhất trong cả nước chuyên làm quỳ vàng, quỳ bạc. Bất kể ở đâu, khi bắt gặp những sản phẩm được mạ vàng, bạc những người dân nơi đây cũng cảm thấy kêu hãnh vì sản phẩm của mình có mặt ở khắp nơi. Người làng Kiêu Kỵ còn tự hào rằng mình đã góp phần "may những chiếc áo vàng" để dát lên những công trình quan trọng trong cả nước như: Quốc Tử Giám, Chùa Bái Đính. Bên cạnh đó còn rất nhiều chùa chiền, lăng tẩm của các dòng họ lớn khắp cả nước.

Cùng với sự phát triển của xã hội, cũng như những nhu cầu của xã hội làng nghề Kiêu Kỵ cũng làm những loại quỳ khác như quỳ tân (quỳ thiếc), quỳ bạc. Nhưng phát triển nhất vẫn là quỳ vàng. Bác Vũ Thanh Ngọc, 56 tuổi, một nghệ nhân giải nghệ, giãi bày: "Trước cách mạng Tháng Tám, nghề làm vàng quỳ rất phát đạt. Những sản phẩm do làng Kiêu Kỵ làm ra được cung cấp cho tất cả các công trình, tín ngưỡng cung đình để dát ngai vàng, kiệu rước, các tượng phật, hoành phi, câu đối... Trong kháng chiến làng nghề dường như bị mai một, người dân chuyển sang làm đồ dùng bằng da và giả da. Khi đất nước thống nhất cho đến thời kinh tế thị trường, các công trình văn hóa và di tích lịch sử đang dần được khôi phục và phát triển nên đã vực dậy làng nghề". Nghệ nhân Ngọc cho rằng: Có thời kỳ, cơ sở sản xuất hộ gia đình thuê 20 đến 30 lao động để sản xuất vẫn không đáp ứng không đủ nhu cầu của thị trường. Sau này, do một số nguyên nhân về đầu ra cho sản phẩm nên nhiều hộ đã không sống được bằng nghề. Họ đã chuyển nghề. Đa số chuyển sang làm các sản phẩm về da hoặc làm kinh doanh. Bản thân ông cũng đã phải từ bỏ nghề truyền thống để mở một quán phở.

Trao đổi với PV, ông Vũ Doang Thêm, Phó thôn Kiêu Kỵ lắc đầu ngao ngán: "Hiện nay, trong làng chỉ còn 20/700 hộ theo nghề. Người dân đã không mặn mà với nghề truyền thống. Một số người luyến tiếc nghề cũng không thể mở xưởng tại gia đình, phải chuyển đến các vùng khác hành nghề. Những nghệ nhân lành nghề như ông Vòng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Ông Thêm cho biết thêm, trong làng có xuất hiện một số hộ sản xuất tư nhân, nhưng nhân công lại là những người từ vùng khác. Người ta tận dụng giá nhân công rẻ, còn những người dân trong làng, biết chút nghề không ai chịu làm. Thậm chí, ở một số cơ sở sản xuất biến tướng, có hiện tượng nhập lậu những sản phẩm từ Trung Quốc về để lấy mác của Kiêu Kỵ. Họ gia công bằng cách pha thêm tạp chất vào vàng khiến sản phẩm không đạt được độ mỏng, độ bóng cao. Những hành động kinh doanh chạy theo lợi nhuận đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến làng nghề Kiêu Kỵ.

Anh Hà Văn Tuấn, quê Thanh Hóa, tay vừa nhấc chiếc búa nặng khoảng 3 cân giã đôm đốp nặng nhọc, miệng than thở: "Mỗi bọc quỳ đánh trong khoảng thời gian một tiếng, trung bình một tiếng tôi đánh gần một ngàn nhát búa. Công việc vất vả nhưng lương cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng, không làm thì không biết làm nghề gì khác".

Nghệ nhân Lê Văn Vòng tâm sự: "Cả làng còn có 5 nghệ nhân. Hiện chỉ còn một phần ba những hộ trong làng theo nghề dát quỳ vàng, quỳ bạc. Cứ mở mắt ra là nghe thấy tiếng búa đập quỳ đã thành thói quen, nếu trong làng mà không còn nghe được những âm thanh thân thương ấy chắc chắn lòng tôi buồn lắm!"...

Đôi tay ông Vòng vẫn giã đều đều từng nhát đôm đốp vào miếng quỳ, đôi mắt nhìn xa xăm: "Làng nghề Kiêu Kỵ hôm nay giàu có hơn, nhà cửa khang trang hơn, cuộc sống nhộn nhịp hơn. Thế nhưng, âm thanh đánh quỳ quen thuộc lại trở nên vắng dần và có nguy cơ lạc vào quên lãng..."

"Trại" quỳ... trong màn

"Trại" quỳ là giai đoạn đòi hỏi tỉ mẩn và tinh tế nhất. Những người nghệ nhân sẽ xếp từng miếng dát vàng lên giấy quỳ, phải thật cẩn thận để chúng không bị rách hay dính vào tay. Những lá vàng, bạc này mỏng đến mức chỉ cần một hơi thở cũng có thể thổi bay. Do vậy, công đoạn này cần được thực hiện ở một nơi kín gió và tĩnh lặng. Các nghệ nhân vẫn hay đùa rằng, chỉ cần thổi một cái là nó bay lên một tiếng sau mới rơi xuống được đất. Chính vì vậy, người thợ thực hiện công đoạn này ở trong màn, tuyệt đối không được nói chuyện, thở cũng phải thật nhẹ. Nghệ nhân "trại" quỳ phải tỉ mẩn đến mức… nghẹt thở.

Sau khi thực hiện được tất cả những giai đoạn ấy người thợ mới thu được sản phẩm cuối cùng. Mỗi quỳ vàng gồm có 10 bọc giấy, mỗi bọc có 40 - 50 tờ. Một chỉ vàng có thể dập thành một nghìn tờ giấy nếu đem rải ra sẽ có diện tích hơn 1m2 đủ để tưởng tượng là vàng đã được dát mỏng đến mức độ nào? Những miếng vàng đã được giã mỏng sẽ được dùng để dát những câu đố bằng vàng, những bức hoành phi cao sang quyền quý ở các chùa chiền, lăng tẩm, đền thờ, phủ…

Hoàng Thế Tào


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.