Chăm sóc theo chế độ của… vận động viên
Sau những gián đoạn do sức khỏe của đàn chó đua không ổn định, tháng 4/2013, môn thể thao đua chó ở TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp tục hoạt động trở lại, thỏa mãn sự đợi chờ của những tín đồ môn thể thao vương giả. Có mặt tại trường đua Lam Sơn thuộc TP.Vũng Tàu, chúng tôi có cơ hội mục kích những “vận động viên điền kinh” bốn chân được ban huấn luyện chăm sóc một cách chu đáo trước mỗi lượt đua tốc độ.
Anh Phạm Văn Cường (40 tuổi, ngụ phường Long Toàn, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) một huấn luyện chó đua cho biết: “Khi vào trường đua, chúng tôi đã gần như hoàn tất mọi công đoạn. Huấn luyện chó đua là cả một vấn đề. Các bạn phải đến trung tâm huấn luyện để cảm nhận được những khó khăn, cũng như tính chuyên nghiệp mà chúng tôi có được qua sự đầu tư bài bản của công ty”.
Những chú chó được ban tổ chức giới thiệu với khán giả trước khi vào hộc xuất phát. Ảnh: Hà Nguyễn.
Trung tâm huấn luyện chó đua tại TP. Bà Rịa khiến khách lạ không khỏi ngỡ ngàng bởi tính chuyên nghiệp đến từng công đoạn huấn luyện. Anh Cường giới thiệu: “Chó đua ở đây được chia thành nhiều khu vực với những kỹ thuật chăm sóc, huấn luyện khác nhau như khu chó lấy giống, khu vực chó sinh, khu vực chó sơ sinh, chó vài tháng tuổi, chó trưởng thành, chó đang đua... Mỗi khu vực đều có những chuyên gia, kỹ thuật viên,... quản lý. Chúng tôi chịu trách nhiệm huấn luyện một chú chó từ lúc lọt lòng đến khi trở thành những “vận động viên điền kinh” thực thụ. Để có chó đua chất lượng, các huấn luyện viên không chỉ cần nắm rõ kỹ thuật, kỹ năng huấn luyện mà còn có một cái tâm, lòng yêu nghề sâu sắc”.
Giống chó đua ở trung tâm thuộc giống Greyhound được nhập về từ Úc. Một giống chó săn nhưng rất hiền, thân thiện và đặc biệt thông minh. Với những kết hợp như chân dài và mạnh mẽ, ngực nở, xương sống linh hoạt và thân hình mảnh mai cho phép giống chó này đạt tốc độ đua trung bình vượt quá 18m mỗi giây hay 63km/h. Tốc độ tăng tốc tối đa của giống chó Greyhound đạt đến 70 km/h trong vòng 30m.
Anh Cường tiết lộ: “Để hình thành một con chó đua, ngay từ khi chúng lọt lòng, chúng đã được chúng tôi chăm sóc như những “vận động viên chuyên nghiệp”.
Hàng ngày, chúng được cho ăn đúng thời gian đã được lên lịch sẵn, còn có các bữa điểm tâm hay bữa tối khi chúng thi đấu về. Thức ăn khoái khẩu của giống chó này là thịt chuột túi được nhập khẩu từ Úc.
“Ngoài ra, chúng tôi còn bổ sung thêm thức ăn dành cho chó cao cấp. Hàng ngày, chúng được vệ sinh, tập luyện một cách nghiêm ngặt, chuyên nghiệp theo một quy trình khép kín. Chế độ tập luyện trên được chúng tôi áp dụng từ lúc chúng còn bé xíu. Ngay từ lúc lọt lòng, chúng tôi cũng cho chó tiếp xúc với các đồ chơi như banh, các con mồi giả bằng thú nhồi bông,... Công tác này giúp chúng bước đầu làm quen với những con mồi giả, môi trường chuyên nghiệp”, anh Cường cho biết thêm.
Đến tuổi trưởng thành (khoảng 15 tháng tuổi), dưới con mắt nhà nghề, các huấn luyện viên sẽ phát hiện cá thể nào vượt trội, có thể huấn luyện và những cá thể không đạt chuẩn. Những chú chó đạt chuẩn sẽ được các huấn luyện viên gò, đúc bằng các bài tập thể lực, kỹ thuật đua tốc độ liên tục.
Anh Cường chia sẻ: “Khi đã đủ tuổi, ngoài khâu dinh dưỡng đạt chuẩn, chó sẽ không được phép tăng cân, giảm cân mà luôn giữ mức trọng lượng cho phép. Để đảm bảo cân nặng, hàng ngày chúng phải thực hiện các bài tập thể lực từ, nhẹ đến nặng theo yêu cầu”.
Các huấn luyện viên làm công tác kiểm tra, cân chó trước khi vào những lượt đua tại nhà thi đấu Lam Sơn. Ảnh Hà Nguyễn.
Chó cũng phải học cách... “ôm cua”
Anh Cường tiết lộ: “Sau hơn 14-15 năm gắn bó với nghiệp huấn luyện chó đua, tôi cảm nhận rằng con vật cũng có tình cảm, cảm xúc như con người, chỉ là chúng không thể hiện được bằng lời. Do đó, một trong những bí quyết riêng của tôi là luôn tin yêu chúng, đặt niềm tin tuyệt đối vào chúng, dạy dỗ chúng bằng những cử chỉ âu yếm, vỗ về mỗi khi đưa ra các bài tập”.
Mỗi ngày, chó đua phải trải qua các bài tập thể lực như đi bộ, bơi, chạy tự do,... trước khi bước vào các bài tập chuyên sâu. Những bài tập thể lực trên giúp con vật liên tục vận động, tránh việc lên cân và làm quen với môi trường đua tốc độ.
Anh Cường cho biết: “Mỗi bài tập đều nhắm đến việc hình thành cho chúng những kỹ năng đua chuyên nghiệp, các kỹ năng trên sẽ được chúng thể hiện trên đường đua. Một con chó chạy nhanh đến đâu nếu không có những kỹ năng như bứt tốc, ôm cua,... hoặc thích nghi với những môi trường khác nhau trên đường đua cũng sẽ không đạt kết quả tốt”. Kỹ thuật dợt đường dài được các huấn luyện viên thực hiện điều độ, khép kín trong trung tâm.
Anh Cường chia sẻ: “Lợi dụng đặc tính ham mồi của con vật, chúng tôi tạo ra một con mồi giả trên đường đua để chúng chạy theo. Con mồi luôn chạy trước để kích thích sự bứt tốc của chó đua. Mỗi ngày, chúng đều được dợt đường dài khoảng 300m bằng cách chạy hết tốc độ trên một đoạn đường thẳng vài lượt”.
Tuy nhiên, kỹ thuật dợt đường dài quan trọng một thì kỹ năng dợt đường tròn quan trọng gấp mười. Anh Cường nhận định: “Đường đua không phải đường thẳng mà là một đường tròn lớn có những khúc cua gấp. Nếu một chú chó đua không biết cách ôm cua dù chạy nhanh đến mấy cũng sẽ bị rớt lại nếu không có kỹ thuật ôm cua. Hơn thế, nếu ôm cua vụng về, chúng có thể va vào thành đường đua gây chấn thương nặng. Ngược lại, nếu một chú chó biết cách ôm cua, ôm cua tốt ở tốc độ cao, chắc chắn sẽ chiếm được vị trí cao trong lượt chạy. Do đó, công tác dợt đường tròn rất được quan tâm”.
Huấn luyện viên tập luyện khả năng thích nghi với những thay đổi môi trường trên đường đua cho chó bằng cách dùng nước xịt vào con vật, vào đường đua. Đặc biệt, thao tác trên càng được chú trọng trong các lần dợt đường tròn. Anh Cường nhấn mạnh: “Công tác này để đảm bảo con vật sẽ không bị bất ngờ trước sự thay đổi môi trường khi đua”. Sau những lần dợt ấy, chúng còn tiếp tục bài tập dợt nước. Hàng ngày, vào các buổi chiều, các “vận động viên điền kinh 4 chân” sẽ được dẫn ra đường bơi để dợt nước. Bài tập này khá dễ thở nhằm năng cao sức chống chịu ngoại cảnh, tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai của cơ bắp.
Sau những công tác trên, các huấn luyện viên thực hiện công tác cuối, công tác massage (mát-xa) quan trọng bậc nhất, quyết định cho sự thành công của một con chó đua. “Công tác mát-xa rất quan trọng. Trước khi đua, chúng tôi luôn mát-xa cho chó bằng tay, bằng máy để chúng cảm thấy thoải mái nhất, các cơ bắp trong trạng thái ổn định nhất, sung mãn nhất.
Nói chung, con chó được chúng tôi huấn luyện, chăm sóc theo chế độ chuyên nghiệp của một vận động viên thực thụ”, anh Cườngnói.
Hà Nguyễn - Ngọc Lài