Liên tiếp xuyên Việt và xuất ngoại “tầm sư học đạo”
Nghe danh người đàn ông "bỏ phố lên rừng", tạo nên một công trình độc đáo đã lâu, nhưng bây giờ chúng tôi mới có dịp tiếp chuyện. Đó là anh Trịnh Bá Dũng, một kỷ lục gia của Việt Nam mới được xác lập năm 2012 với công trình nhà bằng đất độc đáo ở hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt). Sau giải phóng, anh Dũng theo gia đình vào TP.HCM sinh sống. Tốt nghiệp đại học Hàng hải, khoa kinh tế biển, anh Dũng sang bên Đức học thêm ba năm ngành quản trị.
Khi về lại TP.HCM, anh làm công chức Nhà nước. Và cũng chính trong thời gian ấy, anh làm chủ một vài công ty tại đây. Trước đó, thời sinh viên, anh Dũng đã là chủ của một nhà máy sản xuất nội thất xuất khẩu sang nước ngoài. Chính niềm đam mê kinh doanh, sáng tạo khiến anh luôn nung nấu ý tưởng thực hiện một công việc để đời.
Dải ta luy được thiết kế độc đáo bằng công nghệ đất.
Trong một lần đi TP. Đà Lạt, anh Dũng thấy thành phố này đẹp, đặc biệt, anh chợt yêu nơi đây và có ý tưởng về đây phát triển. Anh cùng ba người bạn mở công ty ở đây rồi làm đơn xin nghỉ công chức Nhà nước. Cũng từ đó anh xa điện, đường, trường, trạm chấp nhận cuộc sống thiếu thốn ở lán trại hút sâu trong hồ Tuyền Lâm, để thực hiện ý tưởng kinh doanh.
Anh Dũng kể: "Khi đến đây đầu tư thấy ai cũng có xu hướng bất động sản, riêng tôi không nghĩ đó là cách hay. Tôi tính làm du lịch. Sản phẩm mới ở Đà Lạt thì chưa có, mọi người đều khai thác từ những cái đã có sẵn và cũng gần giống với nhau. Trong khi đó đây lại là một điểm du lịch nổi tiếng trong nước, người ta đến đây chỉ để tham quan, du lịch chứ ít khi ngoài mục đích ấy. Từ câu chuyện đó, tôi mới đi nước ngoài để tìm hiểu cách làm du lịch".
Trịnh Bá Dũng bắt đầu hành trình làm du lịch và cũng bắt đầu tiêu tốn gia sản. Anh kể lại: "Tôi đến nước Mỹ, thấy họ làm du lịch bằng cách dùng sức mạnh đồng tiền. Ví dụ phim trường của Hollywood, những cảnh diễn như đâm tàu, nổ bom...tiêu tốn rất nhiều tiền. Tới Thái Lan, tôi thấy người Thái sử dụng công nghệ sex làm mồi để hút du khách. Sang Singapore, tôi thấy đất nước này thương mại rất tốt, được các nước tin tưởng như là một đại lý. Bởi thế cơ sở hạ tầng của họ tốt đẩy thương mại và dịch vụ lên. Còn mình thì cơ sở hạ tầng còn yếu dựa vào đó làm du lịch cũng không có cơ sở. Tôi đã tiêu tốn khá nhiều tài sản trong những lần đi như thế, nhưng dường như vẫn chưa tìm ra phương pháp".
Toàn cảnh nhìn từ dưới lên căn nhà đất độc nhất vô nhị.
Không hài lòng, Trịnh Bá Dũng lại tìm đến những nước có đặc trưng riêng khác. Những nước như Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì họ lại làm du lịch theo tôn giáo. "Tôi ấn tượng nhất với Hà Lan khi đến khu vườn hoa của họ. Một năm vườn hoa này mở cửa 4 tháng, giá vào cổng là 100 EURO mà đón đến 10 triệu khách. Họ đặt hoa từ các nông trại, đem tới sắp xếp thành những dải hoa rất đẹp. Đặc biệt là dải hoa tuy líp. Đây chính là sức mạnh địa phương, bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, phải làm khác đi thì mới có sự đặc biệt", anh Dũng chia sẻ.
Về lại mảnh đất dự án của anh ở hồ Tuyền Lâm trong những ngày mưa, đạp lên những bãi đất cháy ra đường anh Dũng chợt nảy sinh ý tưởng. Anh cho biết: "Những bãi đất ấy, đối với nhiều người là một sự phiền phức và xấu xí. Tôi nhớ tới những căn nhà cổ xưa ở Iran, hoàn toàn bằng đất. Tôi bắt đầu bỏ công nghiên cứu cách làm cho khu đất ấy trở nên có ý nghĩa. Tôi tìm đến nhiều người nghiên cứu đất, nhưng không học được gì. Tôi lại đi ra nước ngoài để tìm hiểu về công nghệ sử dụng đất của họ. Tôi đến nhiều nước, nhưng cũng chỉ hiểu mỗi nước có một cách xử lý khác nhau và vì mục đích riêng của họ. Tôi về với một vốn kiến thức cơ bản rồi tự nghiên cứu. Phải mất 4 năm thì những nghiên cứu ấy mới thành công, trong khoảng thời gian ấy tôi tiêu tốn hết tài sản đã làm ra. Đến khối tài sản cuối cùng là chiếc xe hơi tôi cũng bán nốt, cũng may khi không còn gì nữa tôi đã nghiên cứu ra cách pha chế đất".
Trịnh Bá Dũng những ngày đầu bên dự án.
Biến đất thành công trình độc nhất
Thực hiện công trình mang tầm cỡ thế giới Ông chủ "nhà đất" Trịnh Bá Dũng cho biết: "Hiện tại, tôi đang bế quan tỏa cảng để thực hiện công trình chào mừng 120 năm thành lập thành phố Đà Lạt. Đó chính là cái ghế dài 1200m, liền khối để đưa hình ảnh thành phố Đà Lạt ra ngoài thế giới. Đó là một tổ hợp điêu khắc bao gồm nhiều giai đoạn phát triển của Đà Lạt từ xưa đến nay. Dự kiến cuối năm nay mới hoàn tất". |
Ngay sau khi tìm ra cách chế tác đất, Trịnh Bá Dũng thực hiện làm nhà đất, ao đất, dụng cụ bằng đất..., chỉ trong 6 tháng anh đã có công trình độc đáo. Trong căn nhà bằng đất của anh Dũng có đầy đủ tiện nghi làm hoàn toàn bằng đất. Bao gồm bộ bàn ghế ngồi được chế tác như hình những chiếc bình rượu, bồn tắm là chiếc guốc, bồn rửa mặt hình dáng như ốc biển, phòng tắm chế tác như một chai rượu. Điều đặc biệt là chiếc giường ngủ được đặt giữa ba bề là nước với những chú cá cảnh ngộ nghĩnh. Và tất cả những thứ ấy đều phục vụ được cho con người.
Nhiều người khi bước tới khu nhà đất của anh thì không khỏi ngạc nhiên vì sao trời mưa mà đất lại không bị nhão ra. Chia sẻ điều này anh Dũng cho hay: "Thực chất đất này được pha bằng công nghệ mới do tôi nghiên cứu ra với một tỷ lệ phù hợp. Tất cả đều là một hỗn hợp, như một khối bê tông trong đó cát được thay bằng đất. Vì thế mà nó mới cứng và không thấm nước được. Độ cứng và bền của nó vì thế cũng tương đương với bê tông. Cái cách làm đất đóng rắn này ở nước ngoài có từ ngàn xưa, nhưng phương pháp và hình thức làm thì khác nhau. Họ không thể có những bản màu tự nhiên và đẹp như căn nhà của tôi hay những kiến trúc độc đáo như ở trong nhà. Vì vậy, công nghệ pha chế từ đất để tạo màu từ chính chúng vẫn còn rất mới mẻ và độc đáo".
Đối với nhiều người, không chỉ riêng Bá Dũng, xem đất như là rác của tự nhiên nhưng một khi được tác tạo thành những tác phẩm nghệ thuật thì nó lại đẹp lạ thường. Anh Dũng cho biết: "Chúng ta hay thấy có nhiều đoạn đường đất đỏ bị mưa chảy xuống hoặc sình lầy đi đứng rất khó. Người ta khắc phục những chỗ sạt đất bằng cách làm những bức tường đá tốn kém. Cứ tưởng tượng đi đâu trong cả thành phố này ngắm nhìn những bờ ta luy cao được thiết kế bằng đất với nhiều cảnh vật sinh động thì rất đẹp lại ý nghĩa. Tôi cho rằng ý tưởng thì rất quan trọng, có chất liệu nhưng không tạo ra ý tưởng thì không có sản phẩm đẹp. Vì thế, tôi nghĩ để phát triển du lịch cần có một đô thị văn minh, sạch đẹp thì mới kéo khách tới được".
Anh Dũng chia sẻ thêm: "Dự định của tôi khi mà có điều kiện tôi sẽ xin phê duyệt để làm đường từ thiện. Tôi đi nhiều vùng quê Việt Nam chứng kiến nhiều cảnh trẻ đi học lấm lem bùn đất vì đường sá bẩn. Hay những vụ tai nạn xảy ra cũng chỉ vì thiếu một con đường cho ra hồn. Tôi nghĩ công nghệ đất của tôi có thể thay thế nhiều con đường ở nông thôn. Ngoài ra còn làm tường, xử lý ta luy, đồ dùng trong nhà, làm hồ bơi...". Hiện công nghệ pha màu đất này chỉ mình anh làm được.
Anh Dũng còn cho biết thêm: "Trong một chuyến đi công tác tại Hungary, tôi hợp tác với họ và chuyển về nước cá hồi thịt trắng rất ngon và không tanh. Tôi nuôi thử nghiệm được hơn 100 ngàn con thành công và có lẽ cũng là người đầu tiên ở Việt Nam nuôi được loại cá này".
Hoàng Minh