Độc chiêu nhìn sương mù đoán biển mây
Với những người ham mê xê dịch, thì “săn mây” có lẽ là hành trình không thể thiếu. Hạnh phúc ngắm những tầng mây xếp lớp, quấn quýt, hoà quyện ngay trước mặt tựa như đang đứng ở chốn bồng lai tiên cảnh - nơi thiên đình vẫn thường xuất hiện trong nhiều bộ phim giả tưởng, là cảm xúc mà chắc hẳn ai cũng mong muốn được tận hưởng một lần. Cảm xúc ấy, chúng tôi đã may mắn có được ở Ngải Thầu, Bát Xát, Lào Cai.
Tưởng đã đi nhiều, đã lọ mọ qua biết bao cung đường Tây Bắc ngoằn ngoèo với dốc núi cao dựng đứng hay những khúc cua tay áo rợn người là kinh nghiệm đầy mình, nhưng, có dịp gặp và nói chuyện với Thủy “mọt mây” – biệt danh mà nhiều bạn bè gọi Phạm Minh Thủy (người Hải Phòng), tôi mới thấy mình thật như “ếch ngồi đáy giếng”. Thủy còn ít tuổi đời (SN 1994) nhưng “tuổi phượt” thì cũng thuộc tầm “dạn dĩ” với đèo mây.
Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở Hà Nội, Thủy đã tự làm thêm và sắm được một chiếc xe máy để thỏa sức vi vu núi rừng.
Chuyến hành trình dài của chúng tôi lên bản Ngải Thầu Thượng (xã Ngải Thầu) phải mất hơn một ngày đường đi từ Hà Nội. Đó là hành trình ngẫu hứng nhưng lại vô cùng thi vị mà tôi từng có.
Ngẫu hứng vì chúng tôi chỉ tính lên đến Mù Cang Chải (Yên Bái) rồi hôm sau mới sang Ngải Thầu nhưng chẳng ngờ, con đường Quốc lộ 32 đẹp như một bức tranh, rồi cung đèo Ô Quy Hồ như dải lụa vắt vẻo qua lưng chừng núi trên Quốc lộ 4D đầy thách thức cho tay lái thêm động lực khiến các “xế” đầy hào hứng đi một lèo lên tới trung tâm Ngải Thầu mà không cần trạm dừng chân.
Còn điều thi vị thì khó nói hết bằng lời: Đó là một biển mây xếp lớp ngay trước mặt buổi bình minh rồi cứ bồng bềnh ôm ấp trập trùng núi lô nhô cho đến khi mặt trời đứng bóng, cả thung lũng trải dài ngút tầm mắt, trong ánh nắng đầu đông vàng se sắt.
Đến khi ánh mặt trời xế tà, mây lại tìm nhau vấn vít mà thành tầng tầng lớp lớp tựa chốn thiên đường dưới bóng hoàng hôn; đó là lúc đi qua bên kia sườn núi thấy cả một đồi hoa mua hồng tím một chiều biên giới; đó là khi anh bạn người Mông trọ trọe tiếng Kinh với biết bao câu chuyện nhuốm màu sắc huyền thoại; đó là lúc gió đuổi mây chảy tràn xuống mặt từ bên kia dãy núi tạo thành những dòng thác trắng xóa, rồi nắng chói chang bỗng nhòa mờ một vùng sương mù bảng lảng, lạnh buốt... Có lẽ chỉ những người đi mới thấy là không bao giờ nói hối tiếc.
Thủy thích núi rừng không vì một lý do nào cả và cậu ấy gọi đó là tình yêu. “Tình yêu thì không bao giờ cần một lý do”, Thủy nói như giải thích cho sự mê đắm những chuyến đi bụi bặm của mình. Đó cũng là lần tôi tình cờ “nhập hội” với Thủy trong chuyến “săn mây” trên đỉnh Ngải Thầu Thượng. Đây là một trong những điểm được mệnh danh như “thiên đường trên mặt đất” của Việt Nam và cũng là 1 trong 10 điểm “săn mây” đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc.
Thủy khá thạo trong khoản “săn mây” này và cho biết, thông thường “dân phượt” hay có lịch trình lên Y Tý (một xã gần sát với Ngải Thầu – PV) để “săn” mây. Nhưng lên đến Ngải Thầu Thượng cách Y Tý chừng 15km, khả năng thấy biển mây sẽ cao hơn và biển mây cũng sẽ đẹp hơn vì đây là bản cao hơn Y Tý rất nhiều, lại có những thung lũng trải dài.
Còn nếu muốn khả năng thấy biển mây cao hơn nữa thì cần có thời gian để chinh phục đỉnh Lảo Thẩn – nơi được mệnh danh là “nóc nhà của Y Tý”. Sẽ không có cách nào lên Lảo Thẩn ngoài việc đi bộ và để chinh phục ngọn núi cao gần 3.000m so với mặt nước biển này cần phải có người dẫn đường với hai ngày leo bộ.
Biệt danh “mọt mây” của Thủy cũng bởi linh cảm kỳ lạ. Không phải cứ nghe dự báo thời tiết là đã “săn” được mây mặc dù đây là yếu tố vô cùng quan trọng để thỏa nguyện ước mơ đứng trên thiên đường của nhiều người.
Thủy chia sẻ: “Để “săn” được biển mây, không chỉ là thời tiết mà còn là sự may mắn. Có lần đang chơi với nhóm bạn ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ khoảng 3h chiều, thấy trời khá mù sương, em đoán Ngải Thầu sẽ có biển mây nên giục các bạn chạy xe một lèo quãng đường chừng hơn 70km. Các bạn đều không tin có biển mây, vì trời bên dưới khá mù sương. Nhưng khi chạm chân lên đến Ngải Thầu Thượng, xuyên qua những lớp sương mù dày đặc thì biển mây hiện ra trước mặt với ánh mặt trời vàng ruộm lúc hoàng hôn”.
Một lần khác đang ở Y Tý, trời lất phất mưa phùn, Thủy một mình chạy xe lên Ngải Thầu Thượng vì niềm tin kỳ lạ, phía sau lớp mưa mù sẽ có biển mây. “Anh bạn người Mông lắc đầu xua tay ngăn cản rồi đặt cược một chầu rượu. Không ngờ, hôm đó em quay được biển mây thật và buổi tối giao lưu với những thanh niên người bản đã có thêm nhiều chuyện kể”, Thủy hồi hộp nhớ lại.
Đi để trưởng thành
Không chỉ “săn mây” ở Ngải Thầu Thượng, Thủy còn tìm đến các địa điểm có thể có biển mây đẹp ở Sơn La như Pha Luông (Mộc Châu) hay Tà Xùa (huyện Bắc Yên). Lần nào bấm bụng có mây thì kể cả trời lâm thâm mưa, mọi người gàn thế nào, Thủy cũng quyết đi và chưa lần nào thất bại. Có thể vì dự cảm bất chấp thời tiết ấy mà chàng trai trẻ đã không ít lần được tận hưởng cảm giác như ở thiên đường.
Nhưng điều Thủy hay bất cứ người ham mê “phượt” nào cũng hướng đến, ấy là việc có thể rèn luyện ý chí và nghị lực sau mỗi chuyến đi. Họ học được cách sống tình người hơn khi đối mặt với những khó khăn, thấy cần quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn khi nhìn những đứa trẻ vùng cao lớn lên trong thiếu thốn, lạnh giá. “Hình như em đã già đi rất nhiều sau mỗi chuyến đi nhưng đó là sự già cần thiết để trưởng thành”, Thủy cười nói.
Không biết từ khi nào, Thủy lại thích lang thang với núi rừng đến thế. Nhưng trong tất cả những vùng đất ở miền Bắc thì chàng trai này lại có tình cảm đặc biệt với Ngải Thầu – Y Tý. “Lần đầu tiên đến với mảnh đất này, em đã thấy mình bị cuốn hút một cách kỳ lạ. Cánh đồng A Lù vàng ruộm mùa lúa chín, hay loang loáng nhấp nhô mùa đổ nước... có sức hút kỳ lạ.
Dù là mùa đông hay hè, dù gặp biển mây hay mùa lúa vàng, mùa nước đổ, dù gặp tuyết rơi hay đôi khi chỉ là thấy bóng dáng những đứa trẻ con gùi bắp lội chân trần trên núi cao... thì Ngải Thầu vẫn đẹp đến hút hồn. Mỗi lần về Hà Nội là thấy như hồn mình đã gửi lại Y Tý – Ngải Thầu, phải mất mấy ngày mới thôi bồng bềnh. Rồi những khi thấy cuộc sống khó khăn hay cần những khoảng lặng cho riêng mình, em lại lên Y Tý – Ngải Thầu. Mỗi lần như thế, bạn bè thân biết lại đùa vui là vác ba lô đi “tìm hồn” đang vất vưởng ở rẻo cao”, Thủy tâm sự.
Kỷ niệm một lần “săn mây” gặp chàng trai trẻ đã cho tôi rất nhiều bài học. Thủy khiêm tốn nói chuyện “săn mây” của em là hết sức bình thường nhưng với tôi, em đúng là một “gã mọt mây” thực thụ. Rời Ngải Thầu Thượng, rời Y Tý, Thủy không quên hẹn tôi một chuyến “săn mây” vào đầu xuân năm mới. Thủy chia sẻ: “Thời điểm “săn mây” tốt nhất chính là từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch hàng năm. Nếu lên Y Tý đúng dịp Tết của người Mông sẽ không chỉ được sống ở thiên đường mà còn được hòa cùng không khí đón Tết rất đặc biệt. Mặc dù đồng bào ở đây ăn Tết trước dưới xuôi chừng một tháng, nhưng hương vị Tết của họ thì kéo dài cả tháng”. Lời hẹn của Thủy khiến tôi thấy xốn xang trong lòng, mong một mùa xuân mới đến nhanh hơn với nhiều khởi sắc.
Hạnh phúc giản đơn Phạm Minh Thủy tâm sự: “Ở miền Bắc này, không có mảnh đất nào mà em chưa đặt chân đến. Nơi nào cảm thấy vui vui như Y Tý, Ngải Thầu (Bát Xát, Lào Cai) thì một năm có thể lui tới mấy lần, mỗi lần một mùa khác nhau. Có khi thấy lòng buồn buồn chẳng có lý do gì là lại xách ba lô một mình lên Y Tý uống bát rượu với đồng bào, ngủ đêm ở nhà sàn người Mông, sớm hôm sau mở mắt ra thấy mây tràn vào tận cửa, thế là người như nạp đầy năng lượng để về Hà Nội”. |
Dương Thu