Điều kỳ diệu của sự tình cờ
Ngồi ngắm người họa sĩ trung niên mày mò cạo, mài trên nền khói bếp đen bóng, ít ai ngờ ông đang nhập tâm trên con đường nghệ thuật độc nhất vô nhị. Sau những ngày xuất hiện một cách bẽn lẽn trước những người đi trước với các dòng tranh sơn dầu, sơn mài, tranh đá quý..., giờ đây, tranh khói bếp của họa sĩ Vũ Quốc Sự (SN 1959, ngụ huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) trở thành một hiện tượng nghệ thuật trong và ngoài nước. Những sáng tác của ông không chỉ được giới hội họa đánh giá cao về mặt nghệ thuật mà còn được khâm phục về cách sáng tác, dù con đường nghệ thuật của ông xuất phát từ một sự tình cờ.
Họa sĩ Vũ Quốc Sự trong công việc họa tranh khói về tướng Giáp
Họa sĩ Vũ Quốc Sự chia sẻ: "Tôi phát hiện và quyết tâm theo đuổi cách vẽ tranh bằng khói bếp trong một cách hết sức tình cờ. Trong một lần tháo dỡ mái nhà bếp (làm bằng tre nứa), tôi thấy những cây tre ở mái bếp bị khói bếp bám đen kịt. Khi bị va chạm, cọ sát trên thân những cây tre này xuất hiện nhiều hình thù độc đáo. Nhìn những hình thù ấy, tôi lại nhớ ngày còn nhỏ vẫn thấy các cụ ông hút thuốc lào bằng ống điếu làm từ cây tre gác mái bếp. Những ống điếu đó thường có khắc hình con rồng, có mây, có lửa..., bất chợt tôi nghĩ đến việc vẽ tranh trên tre đã được hun khói".
Tự tin vào khiếu hội họa của mình, vị họa sĩ không chuyên hăm hở lao mình vào ý tưởng lạ lùng nhưng độc đáo. Mấy ngày đầu làm quen với lối nghệ thuật dị biệt, ông lựa những cây tre già, lóng thẳng, dài, ghép các thanh khít lại với nhau... rồi đem đi hun khói chờ ngày vẽ trên màu đen gần gũi ấy. Theo lời ông, đó là công đoạn đầu tiên hình thành bề mặt vẽ. Muốn có một bức tranh khói, người nghệ sĩ phải đem tre đi hun khói. Ông cho biết, công đoạn này cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi người họa sĩ phải có những kỹ thuật, kinh nghiệm nhất định.
Ông giải thích: "Tre phải được hun khói liên tục 24/24h, trong vòng 90 ngày, cứ 3-4 ngày thì quay đảo. Trong quá trình đốt lửa hun khói, không được để lửa cháy thành ngọn mà chỉ để ngun ngún. Tre, nứa khi hun không được để quá gần lửa. Gần quá, lửa sẽ làm cho lớp khói bị giòn, tre, nứa chín quá độ khi cạo tạo tranh sẽ không đạt. Tuy nhiên, cũng không để tre quá xa lửa, vì như vậy sẽ tốn nhiều thời gian để khói bám đều. Ngoài ra, cũng cần để ý đến chất đốt để khói không gây ô nhiễm môi trường, độc hại cho con người".
Sau nhiều ngày chờ đợi khói bám, ông bắt đầu chinh phục con đường nghệ thuật riêng biệt của mình bằng những khó khăn không ngờ. Họa sĩ Vũ Quốc Sự nhớ lại: "Lần đầu tiếp xúc với lớp khói mỏng manh, giòn, dễ vỡ, dễ nứt nẻ phủ trên thân tre quả là một thách thức lớn. Đôi bàn tay tôi khi ấy chưa thật mềm mại, chưa đủ uyển chuyển để không làm làn khói mỏng tang đen tuyền kia vụn vỡ, nứt nẻ không theo ý muốn. Tôi cứ cạo rồi lại hỏng, hỏng rồi lại cạo, liên tục như thế trong nhiều ngày. Tôi đã thức biết bao đêm trằn trọc nghĩ suy, bỏ ra không biết bao ngày lao vào thử nghiệm, luyện tập nét dao, mũi kim... để rút kinh nghiệm, hoàn thiện hơn nét vẽ của mình cho đến khi ưng ý".
Cuối cùng, sự miệt mài của ông nông dân mê hội họa cũng gặt hái được những thành công. Lão nông Vũ Quốc Sự vẫn nhớ như in cảm giác vỡ òa trong hạnh phúc khi đem tác phẩm đầu tay được cạo từ khói bếp chạy khoe khắp xóm làng.
Tuyệt kỹ cạo khói thành tranh
Ước mơ nâng vị thế cây tre Việt Họa sĩ Vũ Quốc Sự chia sẻ: "Đây là môn nghệ thuật độc đáo, mới lạ, chưa đâu có, do vậy sự am hiểu về nghệ thuật này rất bị hạn chế. Hơn nữa, nghệ thuật này của người Việt Nam, tạo nên từ cây tre, nứa, khói bếp - được xem như những biểu tượng của Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của tôi là sáng tạo nhiều hơn nữa để đưa nghệ thuật tranh khói vào cuộc sống, truyền bá kinh nghiệm, nghệ thuật cho mọi người lao động, người yêu nghệ thuật để nâng cao vị thế của tre Việt trên thế giới. Tôi tin một ngày, cây tre và khói bếp Việt Nam sẽ được bạn bè trên thế giới biết đến qua những tác phẩm tranh khói". |
Đã dăm năm sau ngày hoàn thành tác phẩm đầu tay có tên "Làng quê ven sông" ròng rã một tháng trời mới thành phẩm, đến nay, ông đã đạt độ chín trong nghề vẽ tranh bằng khói bếp trên tre, nứa. Chia sẻ về những kỹ thuật đã trở thành tuyệt kỹ riêng, họa sỹ Vũ Quốc Sự cho biết: "Thực ra phải gọi là cạo mới chính xác, bởi người vẽ không dùng bút dùng màu mà chỉ là mũi kim, dao cạo và một cục đá mài. Nghệ sĩ bằng con mắt thẩm mỹ của mình cạo đi lớp khói đen bám trên thân tre với độ dày mỏng, đậm nhạt, tối sáng khác nhau để tạo hình, tạo cảnh. Trong các công đoạn hình thành một tác phẩm tranh khói bếp thì cạo khói là công đoạn khó nhất và mang tính quyết định".
Theo đó, người cạo tranh một khi đã đặt dao cạo xuống nền khói đen là phải đảm bảo độ chính xác tuyệt đối vì khói bị cạo đi coi như đã mất không thể hun khói lại được. Quá trình sáng tác thể loại tranh trên như nhiều họa sỹ hàng đầu nhận định là một sự thách thức thực sự với lòng kiên nhẫn và sự tỷ mỷ, khéo léo của đôi tay. Ông Sự khẳng định: "Để hình thành một tác phẩm tranh khói bếp nhất thiết phải trải qua các công đoạn nhất định, không thể thêm hoặc bớt đi bất kỳ một công đoạn nào. Mỗi công đoạn đều có chức năng, tác dụng riêng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm".
Trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, ông thuê thợ chọn tre theo tiêu chuẩn không trầy sước vỏ ngoài rồi đem ngâm xử lý mối, mọt, mốc, mục. Sau đó, số tre này được đem phơi khô, cắt, chẻ, kết lại thành tấm theo kích thước đã định sẵn rồi đem đi hun khói. Thời lượng hun khói cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc, kinh nghiệm của ông họa sĩ không chuyên. Sau hơn 1 tháng hun khói, ông sẽ là người cuối cùng hoàn tất những tác phẩm hội họa kỳ diệu bằng kỹ thuật cạo trên nền khói bếp đen kịt.
Ông chia sẻ: "Quá trình cạo tranh không thể gượng ép mà tùy vào cảm xúc người làm. Có thể mất đến cả tháng để cạo xong một bức tranh, nhưng cũng có khi chỉ cần vài giờ đồng hồ đã hoàn thành. Sáng tạo phải có sự hưng phấn, phải "đắm" nghề mới theo nghề được. Ngoài năng khiếu trời cho, người cạo tranh phải tuân thủ nguyên tắc vàng: Tỉ mỉ, chính xác, giàu lòng đam mê bởi những làn khói sau khi khô rất dễ gãy vỡ. Không giống như vẽ tranh dầu hay tranh sơn mài, có thể tạm dừng cuộc chơi giữa chừng, việc "vẽ" tranh khói bắt buộc phải liên tục. Vì để lâu khói khô sẽ dễ vỡ vụn khi cạo. Hơn thế, khi cạo người nghệ sĩ không được phép sai lầm dù là nhỏ nhất vì đã lỡ tay cạo đi thì không thể hun khói lại được nữa".
Độ tinh xảo, thần thái của bức tranh hiện lên từ màu đen khói bếp bị người xem lầm tưởng là họa sĩ vẽ bằng các loại sơn cao cấp. Ông kể: "Tôi vẽ tranh bằng khói nên tôi tự đặt tên cho thể loại tranh tôi vẽ là tranh khói. Thế là chính xác vì tranh của tôi chỉ kết hợp đúng hai chất liệu là khói và tre nứa. Tuy nhiên, khi xem tranh của tôi, nhiều người cho rằng tôi vẽ bằng sơn và không tin màu đen kia là khói bám trên các thanh tre, nứa, những chất liệu rất Việt Nam. Họ chỉ tin khi trực tiếp nhìn tôi dùng mũi kim chấm phác thảo tranh trên nền khói đen bám trên các mảnh tre nhỏ rồi dùng dao cạo đi phần khói đen đó để tạo hình, tạo khối, đường nét mềm mại, khô cứng, tối sáng khác nhau".
Hà Nguyễn