Chiều 31/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc nhanh với Tập đoàn Adani (Ấn Độ) trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ.
Cuộc làm việc diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani. Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các cơ quan, địa phương liên quan trao đổi trực tiếp với tập đoàn Adani ngay sau cuộc gặp này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Adani. Cùng dự có đại diện Bộ Giao thông vận tải, UBND Đà Nẵng và các đơn vị liên quan.
Chủ tịch Tập đoàn Adani cho biết đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD.
Adani cũng tính rót 2,8 tỷ USD vào dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận). Ngoài ra, tập đoàn còn muốn tham gia xây sân bay Long Thành giai đoạn 2 (Đồng Nai) và sân bay Chu Lai (Quảng Nam).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã lắng nghe các thắc mắc và vấn đề đặt ra với Adani trong quá trình thúc đẩy các dự án tại Việt Nam.
Với dự án cảng Liên Chiểu, phía Việt Nam chủ trương chọn một nhà đầu tư hạ tầng tổng thể. Còn việc khai thác cảng biển này, doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với đơn vị trong nước theo quy định pháp luật.
Do đó, phía Adani và liên danh Anh Phát cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.
"Các bạn có vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì, hãy chia sẻ và trao đổi với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam nghiên cứu, tháo gỡ, hỗ trợ", Bộ trưởng chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn Adani cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng của Việt Nam để sớm triển khai dự án theo quy định.
Liên Chiểu theo quy hoạch là cảng nước sâu loại I có vị trí quan trọng, điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây quốc tế, cửa ngõ của cả miền Trung.
Khi đi vào sử dụng, bến tàu tổng hợp của cảng có quy mô 100.000 tấn, bến cảng container 200.000 tấn. Cảng này có công suất đến năm 2045 đạt khoảng 100 triệu tấn hàng hóa thông qua một năm.
Ước tính, Nhà nước sẽ rót khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng dùng chung và kêu gọi đầu tư đồng bộ cảng biển này.
Thanh Loan