Người đàn ông tham vọng
Carlos Ghosn sinh năm 1954 và mang quốc tịch Pháp, nhưng thực ra cha ông lại là người có gốc gác từ Liban, lấy vợ người Pháp. Carlos Ghosn được sinh ra ở Brazil nhưng khi lớn lên và đi học tại trường tiếng Pháp ở Liban.
Carlos Ghosn thông thạo 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban nha. Người đàn ông này vốn được biết đến là một nhà quản lý tài ba của các tập đoàn đa quốc gia, từng giữ cương vị Chủ tịch và CEO Hãng ô tô Renault và liên doanh Renault-Nissan, Chủ tịch Nissan Motor và Mitsubishi Motors.
Năm 2018, dưới sự điều hành của Ghosn, tổng doanh thu ba hãng đạt hơn 243 tỷ USD. Người ta gọi Ghosn là "huyền thoại sống" vì khả năng khôi phục các doanh nghiệp ô tô thất thế.
Lớn lên tại Brazil, bố mẹ là người Leban, ông Ghosn được cho là ngay từ 5 tuổi đã có thể phân biệt các loại xe hơi thông qua tiếng còi của chúng.
Ở tuổi lên 6, ông chuyển đến Beirut, thủ đô Lebanon học tại một trường dòng. Và khi trưởng thành, ông theo học tại Paris và lấy được hai bằng danh giá tại các trường đại học tại đây, trong đó có trường ĐH kỹ thuật Polytechnique lừng danh.
Theo Time, sau khi tốt nghiệp tại Pháp, Ghosn gia nhập Michelin, công ty sản xuất lốp xe nổi tiếng. Là người nhiều tham vọng, ông ta thể hiện xuất sắc trong vai trò quản lý nhà máy và nghiên cứu - phát triển sản phẩm. Vào năm1984 ông đã là giám đốc phụ trách kỹ thuật và nghiên cứu phát triển sản phẩm của Michelin.
Chỉ ít năm sau Carlos Ghosn lại được ông chủ Francois Michelin bổ nhiệm làm giám đốc điều hành tại khu vực Bắc Mỹ. Chính trong thời kỳ này ông đã giúp Michelin mua lại công ty Mỹ Uniroyal Goodrich đang bị thua lỗ nặng nề. Và cũng tại khoảng thời gian đó, Carlos Ghosn đã có dịp thể hiện khả năng quản lý, đặc biệt là tài cải tổ doanh nghiệp của mình. Thậm chí Ghosn còn được tin tưởng đào tạo, hướng dẫn cho người con trai của ông chủ, Edouard Michelin, người hiện đang làm Chủ tịch của tập đoàn này.
Sau những thành công đó, Ghosn đã được Renault bổ nhiệm làm CEO sau khi tập đoàn xe hơi Pháp tư nhân hóa vào năm 1996.
Năm 1999, Carlos Ghosn (lúc đó đang là Phó chủ tịch điều hành của Hãng xe Pháp Renault) đến Nhật Bản để thực hiện nhiệm vụ quan trọng là cứu Nissan.
“Giải cứu” Nissan
Vào năm 1999, Nisan, nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba của Nhật đang đứng trước bờ vực phá sản vì thua lỗ nặng nề và nợ nần chồng chất. Đầu năm 1999 người dân nước Nhật đầy kiêu hãnh đã thất vọng tràn trề khi thấy Nissan, từng là đứa con cưng của ngành công nghiệp Nhật Bản sắp phải biến mất khỏi thị trường. Các nhà quản lý Nhật Bản đã phải bó tay khi không thể cứu vãn nổi một tập đoàn Nissan với cả núi nợ tới 20 tỉ USD. Và cuối cùng dù không mấy tin tưởng vào một nhà quản lý Tây Âu, nhưng giới công nghiệp Nhật Bản vẫn phải chấp nhận yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện cải tổ Nissan.
Tháng 5/1999, Renault mua lại 36,8% cổ phần của Nissan. Vẫn giữ những vai trò lãnh đạo tại Renault, Ghosn đồng thời giữ vai trò COO của Nissan vào tháng 6/1999, sau đó trở thành Chủ tịch vào năm 2000 và thành CEO vào tháng 6/2001.
Việc đầu tiên của Ghosn khi nắm quyền tại Nissan là rà soát lại toàn bộ tập đoàn. Carlos Ghosn đã không mấy khó khăn phát hiện ung nhọt lớn nhất của tập đoàn lúc đó là một bộ máy khổng lồ, cồng kềnh và không hiệu quả. Ghosn quyết định cắt giảm ngay lập tức 21.000 nhân viên, tức 15% tổng biên chế của cả tập đoàn. Đây là một liệu pháp đã thực sự gây sốc đáng kể đối với hệ thống kinh tế nước Nhật.
Cùng với đó, Carlos Ghosn rà soát lại bộ các hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị cho Nissan và phát hiện không ít chi phí có thể giảm bớt. Vừa thuyết phục, vừa gây sức ép, ông đã đàm phán và ký kết lại nhiều hợp đồng theo hướng có lợi hơn cho Nissan. Carlos Ghosn từng nói ở vị trí của ông lúc đó như là đứng trên lửa. Không hành động quyết liệt và liên tục là chết.
Để lành mạnh hóa tài chính của một Nisan đang từ cõi chết, Carlos Ghosn đã thực hiện giảm hết chi phí này đến chi phí khác. Có thể nói chi phí của Nissan đã được Ghosn giảm tối đa, giảm đến mức không còn gì để giảm được nữa. Cũng từ đó Carlos Ghosn còn có thêm biệt danh "Mr. Cost killer" – “Mr. Cắt giảm”. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm dưới sự quản lí và điều hành của Carlos Ghosn, Nissan đã có được mức lợi nhuận cao tới 10,8% của doanh số trong khi doanh số vẫn tiếp tục tǎng đều.
Thành công của Carlos Ghosn lớn đến mức thậm chí năm 2002 đã có một bộ truyện tranh Nhật Bản nói về sự thành công của ông. Trong một báo cáo năm 2004, các nhà nghiên cứu tại Đại học Coventry đã viết: "Trong vòng hai năm, Renault không chỉ khôi phục mà còn đạt lợi nhuận kỷ lục".
Năm 2005, Ghosn cũng trở thành Chủ tịch và CEO của Renault. Dưới sự dẫn dắt của ông, liên doanh sản xuất ô tô Pháp-Nhật Renault-Nissan đã trở thành một trong những hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Carlos Ghosn chưa bao giờ “đứng yên”. Tháng 12/2016, ông trở thành Chủ tịch Mitsubishi Motors, sau khi Nissan hoàn tất thương vụ mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motors.
Nhờ việc tiết kiệm chi phí sản xuất hợp lý, hãng xe hơi của Pháp đã đủ lợi nhuận để mua 37% cổ phần của Nissan vào năm 2018.
Sau khi thỏa thuận được ký kết, tỷ suất lợi nhuận gộp của Nissan tăng mạnh, cao hơn 10% so với thập niên 2000 trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm chao đảo ngành công nghiệp sản xuất xe hơi.
Ngay cả khi nền kinh tế thế giới vật lộn để hồi phục sau đó, lợi nhuận của Nissan vẫn bị ảnh hưởng đáng kể.
Trục lợi tài sản, hưởng lương khủng
Tất nhiên là cùng với sự phát triển của Nissan và Renault, thu nhập của ông trùm xe hơi cũng tăng lên theo cấp số nhân. Vào năm 2014, thu nhập một năm của Ghosn đạt hơn 15 triệu USD, chưa kể tiền thưởng từ Renault.
Một nguồn tin cho thấy do đứng đầu các hãng xe hơi nên ông nhận được các khoản tiền rất lớn từ nhiều phía, đặc biệt ông là vị giám đốc điều hành nước ngoài được trả lương cao nhất tại Nhật Bản. Mức lương của CEO này cao hơn hẳn các giám đốc điều hành của hãng ôtô khác, trừ Mary Barra, CEO của General Motors.
Năm 2017, vị tỷ phú phủ nhận cáo buộc của một báo cáo nói rằng liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi đang xây dựng kế hoạch thưởng ẩn cho các nhà điều hành thông qua một công ty được thành lập tại Hà Lan.
Vào đầu năm 2018, nhà nước Pháp sở hữu 15% cổ phần tại Renault, đã buộc ông Ghosn phải chấp nhận giảm 30% khoản lương 8,3 triệu USD vì đây là mức lương “quá khủng khiếp”.
Ngoài ra, vị tỷ phú cũng bị cáo buộc trục lợi tài sản của tập đoàn Nissan để tư lợi cá nhân. Cụ thể, năm 2016 Nissan mua Gulfstream G650 - một trong những máy bay tư nhân đắt đỏ nhất thế giới - với giá 67 triệu USD để phục vụ cho việc đi lại của Ghosn.
Theo Wall Street Journal, năm 2016, chiếc máy bay này đã hạ cánh ở hơn 35 sân bay trong hơn 80 ngày công tác của Ghosn. Nó cũng cất cánh từ Beirut 8 lần trong 7 tuần trước khi Ghosn bị bắt vào tháng 11/2018.
Các công tố viên Nhật Bản cho rằng cựu CEO Nissan đã lợi dụng tài sản của tập đoàn để trục lợi cá nhân, bao gồm tiền thuê một căn hộ tại Amsterdam trị giá 8.000 Euro mỗi tháng. Theo báo cáo của Bloomberg năm 2018, Nissan cũng có nhiều tài sản cho thuê ở Brazil, Pháp, Beirut và Tokyo.
“Kẻ tội đồ” và kế hoạch tẩu thoát như “truyện tiểu thuyết”
Tháng 11/2018, Đài truyền hình NHK của Nhật bất ngờ đưa tin các công tố viên Tokyo đã bắt giữ Carlos Ghosn. Asahi Shimbun - tờ báo hàng đầu Nhật Bản cũng cho biết, các công tố viên Tokyo đã thẩm vấn Carlos Ghosn trong ngày 19/11 vì vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản. Ghosn bị buộc tội thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập của bản thân.
Sau khi bị bắt giữ, Ghosn bị tạm giam tại nhà tù Nhật Bản hơn 3 tháng, bị hạn chế tiếp xúc với người ngoài, chỉ được tập thể dục 30 phút thàng ngày và tắm 2 lần mỗi tuần. Trong suốt một năm kể từ vụ bắt giữ, Ghosn bị quản thúc tại gia và không thể rời khỏi Nhật Bản, cho đến khi trốn thoát vào ngày 30/12/2019.
Trước đó, Reuters khẳng định Ghosn được một công ty an ninh tư nhân đưa ra khỏi Tokyo và tới Lebanon qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc máy chở Ghosn đã hạ cánh xuống Istanbul vào khoảng 5h30 sáng 30/12 theo giờ địa phương. Dữ liệu hàng không thời điểm đó cho thấy ông Ghosn đã dùng hai chiếc máy bay khác nhau để tới Istanbul và sau đó sang Lebanon. Kế hoạch đào tẩu được chuẩn bị kỹ càng trong vòng 3 tháng.
Cũng trong ngày 2/1, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã bắt giữ 7 người bị tình nghi có liên quan tới vụ đào tẩu của cựu chủ tịch Nissan, bao gồm 4 phi công, 1 giám đốc công ty vận chuyển hàng hoá và 2 nhân viên sân bay.
Mặc dù truyền thông Lebanon nói rằng ông Ghosn đã trốn khỏi Nhật bằng thùng carton đựng nhạc cụ sau một buổi hoà nhạc tổ chức riêng tại nhà ông, nhưng khi trả lời hãng tin Reuters, vợ ông gọi đó là "chuyện tiểu thuyết". Bà này cũng từ chối tiết lộ thêm về cuộc bỏ trốn của “ông trùm” Nissan.
Hiện tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đã phát lệnh truy nã đỏ cựu Chủ tịch Nissan. Phía Pháp cho biết đã nhận được thông tin, trong khi Liban không có phản hồi gì về tin tức này.
Do Lebanon và Nhật Bản hiện chưa có hiệp ước dẫn độ, tức là khả năng Lebanon trao trả ông Ghosn cho phía Nhật là gần như không thể xảy ra.