Ngày 6/10, Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư bất động sản VMI (VMI JSC) đã thông báo thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes, do ông Phan Thành Long đại diện.
Công ty VMI có vốn điều lệ lên đến 18.000 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 90% vốn bằng giá trị cổ phiếu Vingroup, phần vốn góp 16.200 tỷ đồng được ông Vượng thực hiện bằng hơn 243,46 triệu cổ phiếu VIC, theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/9/2022.
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng sẽ là cổ đông chính của VMI JSC, đồng thời VMI JSC cũng sẽ trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup. Số cổ phiếu này tương đương 6,3% cổ phần của Vingroup và bằng ¼ lượng cổ phiếu Vingroup mà ông Vượng đang trực tiếp nắm giữ là 985 triệu cổ phiếu.
Ngoài Vingroup và VMI JSC, hiện Chủ tịch Vingroup còn đang trực tiếp nắm giữ vốn của VinFuture, VinES và công ty Asian Star Trading & Investment, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Theo Forbes, từ đầu năm nay, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã chứng kiến mức sụt giảm giá trị tài sản ròng lớn nhất, khoảng 2 tỷ USD, về mức 4,2 tỷ USD. So với mức tài sản đạt đỉnh vào năm 2021 là 7,3 tỷ USD, khối tài sản của ông Vượng đã giảm 42,5%.
Hiện tại, ông Vượng đang nắm giữ hơn 985 triệu cổ phiếu VIC, tính theo mức giá cổ phiếu trên sàn, tài sản của ông Vượng còn dưới 160.000 tỷ đồng. Thứ hạng của ông Vượng trên bảng xếp hạng các tỷ phú trên thế giới của Forbes cũng giảm đến 220 bậc, từ 411 xuống 631.
Bên cạnh ông Vượng, cơ cấu cổ đông của VMI JSC còn có bà Phạm Thu Hương và Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), công ty phát triển bất động sản cũng thuộc Vingroup.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC đóng cửa tại mức 60.100 đồng, tăng 0,17%, Ngày 28/9 vừa rồi, cổ phiếu VIC giảm tới mức giá 60.000 đồng/ cổ phiếu, mức đáy của tháng 2/2018.
Hồng Nhung