Sáng ngày 25/4, Tập đoàn Vingroup - CTCP (HoSE: VIC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của doanh nghiệp.
Tổng số cổ đông tham dự đại hội cổ đông ngày 25/4 tính đến 9h của Vingroup có 51 cổ đông tham dự trực tiếp và 97 cổ đông ủy quyền tham dự đại hội. Số cổ đông này tương ứng đại diện cho trên 2,9 tỷ cổ phần, chiếm tỉ lệ khoảng 76,9% số cổ phần, đạt điều kiện tổ chức đại hội cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.
Qua đại hội, cổ đông của Vingroup đã đồng ý thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần của công ty đạt 200.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu ở mức 4.500 tỷ đồng.
Năm 2024, Vingroup cho biết sẽ tiếp tục đầy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính: Công nghệ - Công nghiệp, Thương mại Dịch vụ, Thiện nguyện Xã hội. Tập đoàn duy trì mô hình P&L tại các công ty con, nhấn mạnh yêu cầu về hiệu quả và minh bạch. Mục tiêu được Vingroup đưa ra trong bối cảnh các mảng kinh doanh năm 2023 trên đà phát triển, là nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng năm 2024.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Vingroup sẽ trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ và không trả cổ tức cho cổ đông - đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty không chi trả cổ tức mà để toàn bộ lợi nhuận lũy kế dùng cho kế hoạch kinh doanh.
Các tin đồn về vấn đề dòng tiền của Vingroup là không có cơ sở
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của công ty trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT công ty – ông Phạm Nhật Vượng cho biết cuối năm 2024, Vingroup sẽ đưa Vinpearl lên sàn chứng khoán Việt Nam. Đối với CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM, Xanh SM), ông Phạm Nhật Vượng cũng cho biết công ty đang có kế hoạch mở rộng, phát triển mạnh công ty này tại nước ngoài và nếu có thể sẽ niêm yết công ty trên thị trường quốc tế.
Khi được cổ đông đặt câu hỏi về vấn đề dòng tiền của Tập đoàn, Chủ tịch Vingroup khẳng định mọi tin đồn về dòng tiền, năng lực của Vingroup đang trôi nổi trên thị trường đều là không có cơ sở, vô căn cứ và có dụng ý xấu.
“Vingroup chưa bao giờ chậm các ngân hàng 1 đồng lãi nào chứ đừng nói là trả gốc. Mọi kế hoạch tài chính đều được Tập đoàn cân đối, vạch ra một cách nghiêm túc dù hoàn cảnh thị trường vô cùng khó khăn. Hiện nay giai đoạn khó khăn nhất đã qua, giờ là lúc thị trường phục hồi”, ông Vượng khẳng định.
Theo đó, vị lãnh đạo Tập đoàn cho rằng nhìn thẳng vào kết quả mà Vingroup đạt được trong những tháng đầu năm 2024 cũng đã phần nào thể hiện rõ nét nhất nội tại của doanh nghiệp. Ông Vượng cho biết trong tháng 3, 4/2024, Vinhomes đã bán được số lượng sản phẩm bất động sản khổng lồ, tăng trưởng đột phá so với năm 2023.
Bên cạnh đó VinFast cũng lần đầu tiên trở thành thương hiệu có doanh số lớn nhất tại Việt Nam so với các hãng xe điện khác trên thị trường.
Do đó, Chủ tịch Vingroup trấn an cổ đông không cần lo lắng bởi mục tiêu tăng trưởng của Vingroup rất chắc chắn, kiên định và có lộ trình rõ ràng, đặc biệt công ty hoàn toàn minh bạch về tài chính trên thị trường.
“Tương lai của Vingroup chính là VinFast”
Nói kỹ hơn về VinFast, ông Phạm Nhật Vượng liên tục khẳng định “Tương lai của Vingroup chính là VinFast” bởi theo đại diện Tập đoàn trong bối cảnh hiện nay, xe điện là xu thế, là lợi ích lâu dài và có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với xe xăng.
Vì vậy, Chủ tịch Vingroup cam đoan Tập đoàn sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast mà sẽ tiếp tục dồn lực đầu tư, phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai. Đặc biệt vị tỷ phú cũng tiết lộ tại Đại hội, sau khi tài trợ 1 tỷ USD thì trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục thu xếp tài sản cá nhân để tài trợ thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa cho VinFast phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không chỉ riêng ông Vượng mà ngay cả các công ty con trong hệ sinh thái của Vingroup cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển chung của VinFast một cách mạnh mẽ, nhưng vẫn sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình và có trách nhiệm với các khoản hỗ trợ kể trên.
Nêu nhận định về thời điểm hoà vốn của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ theo kế hoạch đến năm 2026 công ty sẽ bắt đầu hòa EBITDA, dần dần từng bước sẽ có lãi, thực tế một số thị trường đã bắt đầu có lãi nhưng trên nền “3 không”: không khấu hao - không lợi nhuận - không chi phí tài chính. Từ năm 2026, VinFast sẽ có được dòng tiền dương.
Để tăng khả năng cạnh tranh của xe điện tại thị trường Việt Nam, giai đoạn 3 năm tới, ông Vượng cho biết sẽ chi thêm 10.000 tỷ đồng để xây dựng thêm trạm sạc trên cả nước. Nhưng theo ông Vượng, dù có thểm trạm sạc cũng mới chỉ giải quyết được vấn đề tinh thần, rất cần thêm sự vào cuộc của truyền thông để xã hội hiểu rằng xe điện góp phần quan trọng giúp môi trường xanh - sạch hơn.
“Đương nhiên có khó khăn nhưng khi làm việc lớn đâu dễ dàng. Chúng tôi có chiến lược là cái gì doanh nghiệp khác làm được thì nhường họ làm, tập trung làm những thứ doanh nghiệp Việt Nam không làm được.
Từ lâu, tôi đã nói VinFast là dự án mà chúng ta làm bởi trách nhiệm xã hội, đóng góp cho đất nước, để trở thành thương hiệu đẳng cấp, thương hiệu không chỉ bán xe mà muốn tiến lên bước vào top đầu về xe trên thế giới”, ông Vượng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Vingroup cũng cho biết hiện Vingroup đang quan tâm đến vấn đề môi trường, đặc biệt là chứng chỉ carbon – công ty đang tìm đối tác để nghiên cứu việc bán tín chỉ carbon.