Thất bại nhưng vẫn là người hùng
Lẽ thường tình, người ta chỉ nhớ đến nhà vô địch. Nếu không tin, bạn hãy trắc nghiệm bằng cách thử liệt kê một số á quân, HCĐ trong một số giải đấu thể thao gần đây xem.
Và ở Giải vô địch U-19 Đông Nam Á này cũng không phải ngoại lệ, nhất là với CĐV nước chủ nhà.
Nhưng điều đó không quá quan trọng với người hâm mộ Việt Nam. Dẫu có một chút buồn (chỉ một chút thôi) vì đội nhà không thể lần thứ hai trong vài năm bước lên bục vinh quang nhưng niềm tự hào về cách các chàng trai trẻ đã chiến đầu cùng sự hy vọng vào tương lai - ở các giải đấu lớn khác, là Sea Games, Vô địch Đông Nam Á, xa hơn là châu Á… - giúp người hâm mộ sớm quên đi nỗi buồn ấy.
Ít nhất, trong 10 năm nay, lần đầu tiên một đội bóng thất bại vẫn được coi là người hùng. U-19 lần đầu tiên xung trận nhưng họ đã đi một mạch vượt qua 6 đối thủ, trong đó có những đối thủ sừng sỏ như Thái Lan, Malaysia và chính U-19 Indonesia để vào chơi trận chung kết.
Trong trận đấu cuối cùng tối qua, trên chảo lửa Gelora Delta Sidoarjo U-19 Việt Nam thực sự không phải chỉ đối mặt với 11 cầu thủ Indonesia mà là không dưới 13 người, nếu không nói là hơn thế bởi làn sóng âm thanh đầy uy hiếp do 35.000 khán giả tạo lên.
Đối mặt với các cầu thủ có lối chơi trung thực và hào hoa là đối thủ có nhiều tiểu xảo, được đấu trên sân nhà, “đá rắn” và có sự ủng hộ của trọng tài. Sau trận đấu, trên một số diễn đàn, người hâm một Việt Nam đã phải “hiến kế”: Các cầu thủ VN nên học Vovinam để tránh đòn.
Con số thống kê cho thấy số lỗi của U-19 Indonesia gấp 3 – 4 lần U-19 Việt Nam. Dù trận đấu căng thẳng nhưng các cầu thủ Việt Nam không hề dính một thẻ vàng trong khi đội chủ nhà lãnh tới 3 thẻ vàng và nhiều diễn đàn còn chế giễu rằng ông trọng tài Thái Lan mang thiếu thẻ vàng. Nếu ông trọng tài bớt thiên vị một chút thôi, có lẽ trận đấu đã được U-19 Việt Nam giải quyết trong 90 phút đá chính thức.
Indonesia có nền tảng thể lực mạnh mẽ; khả năng bố trí hàng phòng ngự vững vàng, có sự lạnh lùng cần thiết – Đó là điểm sáng nổi bật nhất của U-19 Indonesia (Tất nhiên, nếu không tính tới chức vô địch).
…Và những bí mật của U-19 Việt Nam
Trong số 20 cầu thủ Việt Nam, có tới 12 cầu thủ đến từ lò đào tạo HA.GL - Arsenal JMG. HLV Guillaume chọn họ làm nòng cốt cho ĐT U19 Việt Nam và sau nhiều năm tập luyện, chơi bóng với nhau, các ngôi sao trẻ này hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc, là những hạt nhân quan trọng trong lối chơi của toàn đội. Trong chiến thắng đầu tay trước Thái Lan, Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... là những cái tên được đánh giá rất cao.
Vậy đâu là bí mật đằng sau thành công của lứa cầu thủ U19?
Trợ lý HLV Phạm Như Thuần nhận xét: “Các cầu thủ tới từ HA.GL - Arsenal JMG có kỹ thuật cá nhân rất tốt, rất hiểu nhau và điều đó khiến cho lối chơi của đội chúng ta rất gắn bó. Cả 3 bàn thắng của chúng ta được ghi do công của Công Phượng, Văn Toàn - những cầu thủ của HA.GL - Arsenal JMG và quan trọng hơn, chúng đều xuất phát từ những pha phối hợp trung lộ rất nhuyễn. Tuyến giữa cũng cầm bóng rất tốt và có những tình huống, đội thực hiện liên tiếp 20 đường chuyền mà không mất bóng. Sở dĩ có được những thành công như vậy là bởi HLV Guillaume xây dựng đội với nòng cốt là các thành viên của đội HA.GL - Arsenal JMG”.
Vô số câu hỏi đặt ra xung quanh quy định cầu thủ trẻ phải tập luyện bằng chân trần của HA.GL - Arsenal JMG nhưng chưa bao giờ các câu hỏi này được giải thích cặn kẽ. Thực ra, phương pháp này được áp dụng trong tất cả các lò JMG của Arsenal trên thế giới. Các bài tập đầu tiên dành cho những đôi chân trần là tâng bóng bằng tất cả các điểm chạm: lòng bàn chân (trái, phải), đầu gối, vai, đầu... Bài tập này giúp các học viên hoàn thiện kỹ thuật cơ bản trong giai đoạn mới bắt đầu tập luyện.
Tại sao tập chân không mà không đi giày? Trong khoa học thể thao có một khái niệm 5 điểm chạm, trong đó sự nhanh nhạy là một trong những điều quyết định tới phần thắng trong những cuộc đối đầu trực tiếp. Phương pháp tập luyện chân không, giúp các cầu thủ có thể có những điểm chạm tốt, nhờ tiếc xúc trực tiếp với mặt sân và bóng; lực toàn thân sẽ dồn xuống mu, cổ chân... qua đó giúp các nhóm cơ phát triển, khiến bàn chân to hơn, khả năng xoay trở cũng nhanh hơn và lực tiếp xúc bóng sẽ mạnh hơn...
Việc các cầu thủ có cảm giác bóng thật nhất là nền tảng cho trường phái chơi bóng phạm vi hẹp, phối hợp đoạn ngắn, sử dụng tộc độ và kỹ thuật... Ở Học viện HA.GL - Arsenal JMG, các cầu thủ có thể phải tập luyện tới 5 năm. Thậm chí, nếu không đạt yêu cầu, sẽ không được đi giày. Khi đã hoàn thành các bài tập, các học viên sẽ có lợi thế hơn đối thủ nhờ việc nhanh hơn trong những pha tranh chấp. Thực tế, phương pháp này đã và đang cho thấy sự hiệu quả, khi mà các cầu thủ HA.GL - Arsenal JMG trong màu áo U19 Việt Nam vượt trội đối thủ ở những pha phối hợp nhỏ, cần sự nhanh nhẹn và linh hoạt. Và cũng cần phải nhấn mạnh, các cầu thủ HA.GL mới đang trong giai đoạn hoàn thiện kỹ thuật, tư duy chơi bóng chứ chưa nâng cao sức mạnh, chẳng hạn như tập tạ, tăng cường các bài tập cơ bắp…
Ở Học viện HA.GL - Arsenal JMG, đạo đức cầu thủ luôn là kim chỉ nam trong việc trồng người. Trong phòng, mỗi cầu thủ được dành riêng một bảng tên được chạm khắc kỳ công, đặc biệt ở góc riêng “gà nòi” của bầu Đức buộc phải ký tên để ghi nhớ, phía dưới những “Quy định về đạo đức” đối với một học viên.
Tiền đạo Nguyễn Lam, một học viên khóa 1 của HA.GL - Arsenal JMG trải lòng: “Ngoài học bóng đá, sự thành công của mỗi cầu thủ đến từ những điều nhỏ nhất từ các mẹ ở nhà bếp, các chú lao công, các thầy, các cô... Đấy là động lực để chúng tôi hiện thực hoá ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, Công Phượng, Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường và các đồng đội ở U19 Việt Nam có được như ngày hôm nay chính là nhờ những bài học đó…”.
T.H