Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, giá ụ nổi dưới 5 triệu USD nhưng Dương Chí Dũng(nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) và Mai Văn Phúc (nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên tổng giám đốc Vinalines) vẫn chỉ đạo Trần Hữu Chiều (nguyên phó TGĐ Vinalines); Trần Hải Sơn (nguyên TGĐ công ty TNHH sửa chữa tài biển Vinalines); Mai Văn Khang (nguyên phó TGĐ công ty TNHH một thành viên Viễn Dương Vinashin), phải hợp thức thủ tục để ký hợp đồng mua ụ nổi 83M qua Công ty AP với giá 9 triệu USD. Số tiền chênh lệch 4 triệu USD đã được liên minh của Dương Chí Dũng chia chác nhau phần “lại quả”.
Ụ nổi 83M được Dương Chí Dũng cùng thuộc cấp mua với giá 9 triệu USD đang trở thành đống sắt vụn. (ảnh: Lao động)
Theo báo cáo chi phí tổng hợp của Vinalines cung cấp tổng đầu tư thương vụ mua ụ nổi 83M là hơn 525 tỷ đồng với tất cả các hạng mục từ mua, vận chuyển, sửa chữa, neo đậu... Giám định viên đã kết luận tổng thiệt hại do các sai phạm nêu trên là gần 370 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thiệt hại hàng trăm tỷ đồng này không phải là con số cuối cùng bởi những sai phạm đã dẫn đến hậu quả là dự án nhà máy bị phá sản giữa chừng, ụ nổi 83M không đưa vào hoạt động được.
Tình trạng ụ nổi hiện nay là đống sắt thép rỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không sử dụng được vào việc gì. Hiện tại, Vinalines đang đề nghị bán thanh lý ụ nổi 83M.
Diễn biến vụ án
Tháng 1/2012, cơ quan CSĐT (C48) đã xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi 83M, qua đó xác định Trần Hải Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines đã cấu kết cùng một số đối tượng lập hợp đồng, chứng từ khống chiếm đoạt 3,3 tỉ đồng.
- Ngày 1/2/2012, C48 quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 nghi phạm.
- Ngày 17/5/2012, C48 đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can về tội “cố ý làm trái...”, bắt tạm giam đối với các bị can: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều nhưng Dương Chí Dũng đã đột ngột bỏ trốn.
- Ngày 18/5, C48 ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc đối với bị can Dương Chí Dũng và phối hợp với Interpol truy nã quốc tế bị can này. Đến tháng 9.2012, Cơ quan CSĐT bắt giữ được bị can Dũng.
- Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra vụ việc ông Dũng bỏ trốn và bước đầu xác định một trong những nghi phạm chủ chốt tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài là Trần Văn Dũng, một đối tượng giang hồ cộm cán ở Hải Phòng nên đã khởi tố vụ án “Trần Văn Dũng cùng đồng bọn tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định tách vụ án tham ô tài sản có liên quan đến bị can Trần Hải Sơn cùng một số đối tượng liên quan. Cho đến nay, bị can này bị truy tố về hành vi tham ô tài sản trong hai vụ án.
Tháng 10/2013, kết thúc điều tra vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định các bị can đã cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỉ đồng, tham ô 1,66 triệu USD.
Theo đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 10 bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT); Mai Văn Phúc (nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên tổng giám đốc Vinalines); Trần Hữu Chiều (nguyên phó TGĐ Vinalines) Bùi Thị Bích Loan (nguyên trưởng Ban tài chính kế toán Vinalines); Trần Hải Sơn (nguyên TGĐ công ty TNHH sửa chữa tài biển Vinalines); Mai Văn Khang (nguyên phó TGĐ công ty TNHH một thành viên Viễn Dương Vinashin) Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam); Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên phó chi cục trưởng và cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa). Ngoài ra, các bị can Dũng, Phúc, Sơn, Chiều còn bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản.
Ngọc Linh (tổng hợp)