Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm 25/9 đã ký một thỏa thuận “an ninh năng lượng” về cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu diesel cho Đức. Động thái trên diễn ra khi Berlin đang tích cực tìm kiếm các nguồn mới để thay thế nguồn cung từ Nga.
Tại buổi ký kết có sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Công nghiệp UAE Sultan Ahmed Al Jaber gọi đây là một “thỏa thuận mới mang tính bước ngoặt” nhằm “củng cố mối quan hệ đối tác năng lượng đang phát triển nhanh chóng giữa UAE và Đức”, hãng thông tấn nhà nước UAE WAM đưa tin.
Trong khuôn khổ chuyến công du Vùng Vịnh, bao gồm các điểm dừng ở Ả Rập Xê Út và Qatar, ông Scholz đã đến thăm Abu Dhabi và gặp Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan, người sau đó cho biết trên Twitter rằng hai bên đã thảo luận về “các cơ hội hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực bao gồm an ninh năng lượng, giảm phát thải và hành động khí hậu”.
Nhà lãnh đạo Đức cho biết ông “hoan nghênh” thỏa thuận an ninh năng lượng với UAE, hãng thông tấn WAM cho biết.
Có gì trong thỏa thuận với UAE?
Công ty dầu khí nhà nước UAE ADNOC và công ty năng lượng Đức RWE đã ký một thỏa thuận về bàn giao và tiếp nhận 137.000 m3 LNG thông qua cảng nhập khẩu LNG mới của Đức ở Brunsbüttel, gần Hamburg, vào tháng 12 năm nay.
Theo hãng thông tấn Đức DPA, khối lượng LNG trong lần bàn giao đầu tiên sắp tới ít hơn một chút so với khối lượng khí được vận chuyển tới Đức trong 1 ngày qua đường ống Nord Stream 1 vào hồi đầu tháng 2, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khối lượng này đủ để sản xuất 1,37 triệu kWh điện.
RWE cũng đã ký một bản ghi nhớ về việc giao hàng dài hạn từ năm 2023.
“Chúng tôi cần đảm bảo rằng việc sản xuất LNG trên thế giới được nâng cao đến mức có thể đáp ứng được nhu cầu cao hiện có mà không cần phải viện đến năng lực sản xuất hiện có ở Nga”, Thủ tướng Đức cho biết trước khi thỏa thuận với UAE được ký kết.
Theo hãng thông tấn WAM, ADNOC cũng đã hoàn thành việc bàn giao lô dầu diesel trực tiếp đầu tiên cho Đức vào đầu tháng này, và sẽ “cung cấp tới 250.000 tấn dầu diesel mỗi tháng vào năm 2023”.
Minh Đức (Theo RFI, DW)