Hai năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ đến đứa con trai đầu chết một cách bất thường khi vừa cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng anh Thân Văn Huy (SN 1989) trú tại thôn Phúc Hạ, xã Song Mai, Tp Bắc Giang vẫn xót xa, đau đớn. Phó trưởng khoa đẻ và kíp trực đến nhà xin nói chuyện tình cảm, hỗ trợ vật chất gia đình đồng ý nhưng sau đó đột nhiên “trở mặt” không thực hiện.
Nỗi đau mất con ngay khi con mới chào đời
Đến giờ mọi giấy tờ từ kết quả siêu âm, khám sức khoẻ định kỳ chị Hà Thị Ly (SN 1989, vợ anh Huy) vẫn còn được cất giữ cẩn thận. Một phiếu siêu âm ở phòng khám Hạnh Tước cận ngày sinh với kết quả đều bình thường: “Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2013. Sau khi mang bầu, 2 vợ chồng tôi tháng nào cũng đi siêu âm kiểm tra, vui mừng khi thấy con phát triển bình thường, khoẻ mạnh”.
Tối ngày 23.3.2014, chị Ly đau bụng trở dạ sinh, gia đình đã đưa chị đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang để sinh nở.
Sau khi làm xong các thủ tục khoảng 20h các bác sĩ đưa chị Ly vào phòng chờ đẻ. Một lát sau có một nữ hộ sinh ra thông báo với gia đình là chị Ly sốt nhẹ đang được truyền nước, truyền nước xong nếu không hết sốt sẽ tiến hành mổ.
Lo lắng cho việc sinh nở của chị Ly, gia đình đã nhiều lần yêu cầu các bác sĩ cho mổ đẻ luôn để yên tâm. Tuy nhiên, mọi lời đề nghị từ phía gia đình đều bị các bác sĩ bác bỏ.
Đến 5h sáng hôm sau, anh Huy nghe thấy vợ mình thét rất to nên chạy lại phòng đẻ nhưng không được vào. Được một lúc thì anh nghe được hai tiếng khóc của con từ trong phòng đẻ vang ra.
Khi nghe tiếng khóc chào đời của con, cháu mọi người trong gia đình đều thở phào nhẹ nhõm, vui mừng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được lâu thì khoảng 15 phút sau gia đình vô cùng bất ngờ và đau xót nghe các bác sĩ thông báo cháu đã tử vong do không thấy nhịp tim của bé.
Không để con mình bị chết oan, không chấp nhận yêu cầu của bệnh viện, gia đình anh Huy đã đi mời Công an TP. Bắc Giang cùng với viện Khoa học Hình sự đến để khám nghiệm tử thi.
Theo như biên bản giám định của Viện KHHS bộ Công an hôm ấy thì con anh Huy bị lún sụn gãy 3 xương vè, gan bầm tím rộng, trong phế quản có dịch màu hồng, có vết bầm tím ở trán và sống mũi.
Anh Huy cho biết: “Khi mổ lấy phổi ra bên phía công an nói với gia đình nếu thả vào nước mà phổi nổi là không bị sặc nếu chìm là bị sặc. Tuy nhiên khi thả phổi của cháu vào chậu nước thì phổi nổi lên”.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Tiến Mạnh – Phó trưởng khoa Đẻ và các y bác sỹ trong kíp đỡ đẻ của tua trực ngày 23.3.2014 đã nhiều lần đến gia đình anh Thân Văn Huy xin được nói chuyện tình cảm. Và gia đình cũng được mời lên gặp Ban lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi để giải quyết.
Hai bên cùng nói chuyện và thống nhất phương án hỗ trợ thiệt hại tinh thần. Dù rất đau đớn trước cái chết của con, nhưng chị Ly cũng là người trong ngành nên thông cảm với những rủi ro trong nghề bởi chỉ cần sai xót nhỏ cũng có thể làm bệnh nhân mất mạng.
Ban đầu nhóm bác sỹ này đề nghị hỗ trợ gia đình 5 triệu một tháng. Họ nói sẽ hỗ trợ trong 6 tháng. Tuy nhiên, gia đình chị Ly cho rằng số tiền 30 triệu kia không tương xứng với việc tổn thất tinh thần của họ nên không đồng ý. Sau nhiều lần cuối cùng gia đình cũng đồng ý nhận hỗ trợ 80 triệu đồng. Song nhóm bác sỹ bệnh viện nói chỉ lo được 70 triệu còn lại xin gia đình.
Uẩn khúc đằng sau nỗi đau mất con
Mọi việc tưởng như đã xong vì không ai còn muốn nhắc lại câu chuyện đau buồn này nữa. Hai vợ chồng anh Thân Văn Huy sau khi nguôi ngoai nỗi đau mất con mới sinh đã trở lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng họ vẫn chưa nhận được một đồng nào tiền hỗ trợ.
Chưa kể, ngày 6.5.2014 gia đình anh ngã ngửa người khi nhận được thông báo số 832/C54 P6 ngày 22.4.2014 của Viện khoa học hình sự Tổng cục CSPCTP Bộ Công an kết luận: nguyên nhân cái chết của con anh là do ngạt nước ối.
Chị Ly cho biết: “Từ đó nhóm bác sỹ trên đã “trở mặt” không liên lạc gì với gia đình tôi. Khi người nhà gọi điện hỏi thì ông Mạnh trả lời: “Gia đình mời công an thì giờ cứ theo công an mà giải quyết”.
Không chấp nhận những khuất tất trên, anh Huy làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị cung cấp một số tài liệu như biên bản khám nghiệm tử thi của cháu bé, bệnh án của sản phụ và bản kết luận giám định pháp y.
Song phía Cơ quan CSĐT công an thành phố Bắc Giang đã ra Quyết định số 02 ngày 3.6.2014 trả lời gia đình rằng: “Chỉ có người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền được sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra. Trong trường hợp này anh Thân Văn Huy không phải là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi đương sự và việc điều tra vụ việc vẫn chưa kết thúc”.
Ngày 25.7.2014, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cũng ra thông báo số 131 khẳng định các y bác sỹ trong kíp trực không sai. Kíp trực đã thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tại biến với người bệnh (đây là tai biến ngoài ý muốn).
Nói về trường hợp đáng tiếc này, ông Lê Công Tước – Phó Giám đốc bệnh viện nói: “Do tiên lượng của bác sỹ trực đẻ không sát với cân nặng thực tế. Họ nghĩ thai chỉ 3,6-3,7 kg thì vẫn sinh thường được. Khi sổ được đầu rồi nhưng lại mắc vai do cấu tạo cơ thể, lôi ra được thì trẻ tử vong. Đây là trường hợp các bác sỹ đã thực hiện đúng quy trình, để xảy ra tai biến không phải do lỗi của thầy thuốc”.
Việc gia đình tố Phó Trưởng khoa Đẻ và kíp trực đến gia đình cháu bé xin được giải quyết tình cảm khi mới xảy ra sự việc ông Tước cũng khẳng định: “Ban giám đốc bệnh viện không biết và cũng không nghe ai nói lại chuyện này”.
Việc gia đình có ý kiến đề nghị được sinh mổ, ông Lê Công Tước khẳng định không nghe thấy gia đình có ý kiến xin mổ cho sản phụ. Và theo phó giám đốc bệnh viện này lý giải, việc sinh mổ hay sinh thường đều do các bác sỹ quyết định.
Đào Sơn