Uẩn khúc trong vụ chết tức tưởi sau khi cãi nhau với CSGT

Uẩn khúc trong vụ chết tức tưởi sau khi cãi nhau với CSGT

Thứ 6, 27/12/2013 08:54

Vì sử dụng nồng độ cồn quá mức quy định, anh H. bị tổ tuần tra CSGT công an quận Tân Phú thổi lại kiểm tra, lập biên bản.

Do có hơi men trong người, anh H. có lời qua tiếng lại và lôi điện thoại ra quay phim, chụp hình các tổ tuần tra. Bị giam giữ xe, anh H. bắt xe ôm về nhà nhưng mới chỉ chạy được cách tổ tuần tra khoảng 300m thì có 2 thanh niên lạ mặt lao tới đánh tới tấp khiến anh H. tử vong. Sau khi bị bắt, hai nghi can khai nhận gây án mạng vì bức xúc khi thấy anh H. chửi mắng, quay phim, chụp hình CSGT. Câu trả lời khiến nhiều người phẫn nộ và nghi ngờ về những mờ ám đằng sau vụ án.

Bị đánh chết vì quay phim, chụp hình CSGT

Ngày 18/12, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về vụ án “bỗng dưng bị đánh chết sau khi cãi nhau với CSGT”. Là người trực tiếp gây ra vụ án, hai bị can Lê Thanh Bằng (47 tuổi, quê huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) và Võ Văn Tòng (18 tuổi, quê huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cùng ngụ quận Tân Phú) bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”. Nạn nhân của vụ án là anh Trần Văn H. (42 tuổi, ngụ quận Bình Tân). Theo kết quả khám nghiệm pháp y của công an TP.HCM thì anh H. chết do chấn thương sọ não.

Pháp luật - Uẩn khúc trong vụ chết tức tưởi sau khi cãi nhau với CSGT

Hội đồng xét xử TAND quận Tân Phú tuyên bố hoãn phiên tòa trả hồ sơ về cho CSĐT điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng của VKSND quận Tân Phú cho biết, vào khoảng 21h ngày 9/4, sau khi nhậu xong tại quán Phượng Cát, anh H. cùng với Trần Văn Hậu, Ngô Văn Ý ra về. Lúc này, anh H. điều khiển chiếc xe máy mang BKS 59H1 – 443.07 đến bãi xe Thanh Bằng (512 Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) thì bị tổ tuần tra CSGT công an quận Tân Phú ra tín hiệu dừng xe, lập biên bản tạm giữ xe, do trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Vì có hơi men trong người, anh H. có lời qua tiếng lại với tổ tuần tra. Đồng thời, anh H. dọa lấy điện thoại ra quay phim, chụp hình tổ tuần tra. Bị giam giữ xe, anh H. buộc phải bắt xe ôm về. Nhưng tài xế xe ôm vừa chạy được cách đó khoảng 300m thì bị Bằng và Tòng áp sát xe vào lề đánh tới tấp khiến nạn nhân chết ngay sau đó.

Tại phiên tòa, bị cáo Bằng lý giải về nguyên nhân của vụ án mạng: “Tối đó, tôi đi chơi với bạn bè về nhà thì thấy vợ bỏ đi vì làm ăn thất bại nên thiếu nợ. Thấy con la khóc om xòm, tôi dỗ dành rồi gửi các cháu để đi tìm vợ. Khi tôi đi ra đến trước bãi xe nhà mình (bãi xe Thanh Bằng - PV) thì thấy anh H. đang cãi cọ, nhục mạ tổ tuần tra. Tham gia tuần tra giao thông đêm đó có một người tên Công và một người tên Hiếu. Thấy Tòng đang đứng xem nên tôi hỏi: “Vụ gì vậy” thì Tòng cho biết anh H. bị CSGT bắt do nồng độ cồn vượt quá mức cho phép nhưng lại cự cãi đòi quay phim, chụp hình. Quá bức xúc với thái độ của anh H. nên tôi đã hỏi Tòng: “Có xử nó không?”. Tòng trả lời: “Xử thì xử” nên tôi chở Tòng đã chạy theo chiếc xe ôm chở anh H.”.

Trong vành móng ngựa, Bằng vừa nói vừa vội lau những giọt nước mắt muộn màng: “Vừa đuổi kịp, tôi gọi bác xe ôm: “Bác dừng xe lại cho cháu hỏi chút”. Tôi hỏi anh H.: “Mày chửi công an dữ lắm phải không”. Vừa nói, tôi vừa dùng tay đánh vào mặt anh H. một cái.

Thấy vậy, bác xe ôm bỏ chạy, còn anh H. vừa bỏ chạy lên lề đường vừa van xin: “Đại ca ơi, tha cho em”. Vì đang quá bức xúc, tôi tiếp tục dùng tay đánh 2 cái liên tiếp vào mặt anh H.. Thấy anh H. không kháng cự, tôi dùng tay trái nắm quai nón bảo hiểm, một tay dùng cùi chỏ đánh mạnh vào mặt anh H. khiến anh ấy té ngã xuống nền gạch trên vỉa hè. Tôi quay ra thì Tòng bước lại nói anh H. vẫn còn tỉnh, động đậy. Những tưởng anh H. bị té do xỉn rượu nên tôi chở Tòng về rồi tiếp tục đi tìm vợ. Vài hôm sau đó, tôi đang đi về Long Xuyên (tỉnh An Giang) đi đám tang thì thấy vợ báo anh H. đã chết nên nhanh chóng thu xếp công việc và cùng với Tòng ra đầu thú vào ngày 15/4”. Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ với những cú đấm như thế thì tại sao anh H. lại chết do chấn thương sọ não?

Pháp luật - Uẩn khúc trong vụ chết tức tưởi sau khi cãi nhau với CSGT (Hình 2).

Đối tượng Bằng và Tòng trong vành móng ngựa.

Có hay không bị cáo quen với CSGT nên gây án?

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Tòng khẳng định rằng mình không hề tham gia đánh anh H.. Trước đó, Tòng khai nhận với cơ quan điều tra là đi theo để hỗ trợ Bằng khi cần thiết. Điều đáng nói là trước khi khai nhận điều đó, Tòng lại ấp úng khẳng định mình không đi ra khỏi nhà vào đêm xảy ra sự việc. Tuy nhiên, khi hội đồng xét xử chất vấn Tòng có quen với anh Bằng hay không, vì sao lại đồng ý lời đề nghị “xử” anh H.? Tòng cho biết: “Bị cáo mới chỉ quen Bằng khoảng 2 tháng nay khi đi theo đội tuần tra CSGT để học hỏi xem “anh em đi làm”. Tuy nhiên, bị cáo chưa hề đi chơi hay nói chuyện với Bằng lần nào. Đêm hôm xảy ra vụ việc là do bị cáo bức xúc với thái độ cãi vã của anh H., lại gặp Bằng hỏi thăm nên nhất thời đồng ý lời đề nghị ấy chứ không hề có động lực nào khác”.

Câu trả lời của bị cáo Tòng đã khiến hội đồng xét xử bức xúc và đặt ra câu hỏi dồn dập với Tòng: “Bị cáo đi theo CSGT để học cái gì? Bị cáo có quen với CSGT hay không? Có phải phải bị cáo bênh vực CSGT nên mới hành động như vậy? Có CSGT xúi giục bị cáo đi đánh anh H. hay không? Trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử, Tòng một lần nữa khẳng định mình chỉ đi theo chứ không quen biết CSGT, cũng như không có ai xúi giục đi đánh anh H.. Trong khi đó, Tòng khẳng định, trước khi xảy ra vụ việc không hề quen biết hay thù oán với anh H.. Còn về việc đi theo CSGT để học hỏi cái gì thì Tòng không thể trả lời được. Lời khai của Tòng trước tòa khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi nghi ngờ về sự thật đằng sau vụ án.

Không chỉ Tòng, bị cáo Bằng cũng khẳng định, không hề quen biết hay thù oán với anh H. trước đó. Vậy câu hỏi đặt ra là động lực nào thôi thúc Bằng và Tòng gây án? Trả lời trước hội đồng xét xử, Bằng nói: “Vì quá bối rối khi vợ làm ăn thất bại bỏ nhà đi, bị cáo bị áp lực quá nhiều, không kiềm chế được bản thân nên bị cáo nhất thời, vô ý thức gây ra cái chết của anh H. mà trước đó chỉ nghĩ mình đánh để dằn mặt anh H.. Trước những lời khai của bị cáo Bằng tại phiên tòa, vị thẩm phán bức xúc: “Bị cáo thật là độc ác. Vì sao anh H. đã quỳ lạy van xin mà bị cáo lại còn cố tình không tha. Hơn nữa, lúc đó tài xế xe ôm hoảng sợ đã bỏ chạy, anh H. cũng biết mình đã sức cùng, lực kiệt. Vậy mà bị cáo nỡ đoạt đi mạng sống của một con người như thế”.

3 chiếc điện thoại “đi đâu”?

Tuy nhiên, một tình tiết không chỉ khiến luật sư bào chữa cho gia đình nạn nhân nghi ngờ mà hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm cũng phải đặt dấu chấm hỏi vì sao CSĐT không thu giữ 3 chiếc điện thoại của anh H., Bằng và Tòng sau khi vụ án xảy ra. Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc điều hành Hãng luật Giải Phóng TP.HCM, người bảo vệ pháp lý cho gia đình nạn nhân yêu cầu TAND, VKSND và cơ quan CSĐT xem xét và điều tra lại tình tiết này.

Trong cáo trạng của VKSND quận Tân Phú thì vì bức xúc khi bị CSGT thổi phạt nên anh H. đã tự đập điện thoại vỡ. Nhưng sau khi vụ án mạng xảy ra, thì không ai thấy chiếc điện thoại của anh H. ở đâu. Trong khi bị cáo Bằng và Tòng khai nhận thấy anh H. không chỉ cãi cọ, nhục mạ mà còn lấy điện thoại di động ra quay phim, chụp hình, nên hai đối tượng này mới bức xúc. Liên quan đến chiếc điện thoại của bị cáo Tòng, mẹ bị cáo cho biết chiếc điện thoại Tòng bỏ quên trong túi nên đã bị ngâm nước hư hỏng và không còn sử dụng nữa. Riêng vợ của bị cáo Bằng cho biết sẽ nộp chiếc điện thoại của chồng ngay khi cơ quan CSĐT yêu cầu.

Sau nhiều giờ xét hỏi và lắng nghe ý kiến phản biện của các luật sư bào chữa, hội đồng xét xử TAND quận Tân Phú tuyên bố tạm hoãn phiên tòa, trả hồ sơ về cho cơ quan CSĐT để điều tra bổ sung liên quan đến 3 chiếc điện thoại nói trên.           

Có thể chiếc điện thoại của anh H. là mấu chốt của vụ án

Là người bảo vệ pháp lý cho gia đình nạn nhân, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, giám đốc điều hành Hãng luật Giải Phóng TP.HCM chất vấn: “Có thông tin cho biết, sau khi gây ra vụ án mạng, bị cáo Bằng đã giật chiếc điện thoại của anh H.. Vậy chiếc điện thoại đó giờ ở đâu?”. Tuy nhiên, Bằng phủ nhận không hề lấy điện thoại của anh H.. Chia sẻ với PV, luật sư Hưng cho biết: “Rất có thể chiếc điện thoại của anh H. là mấu chốt của vụ án. Bởi nếu bị cáo Bằng và Tòng không thấy anh H.  quay phim, chụp hình thì không gây ra vụ án này”.  

Thơ Trịnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.