Tòa án binh Pháp tuyên bố xử tử vũ nữ tai tiếng này với tội danh phản bội đất nước và gây ra cái chết của hơn 50.000 binh lính Pháp. Tuy nhiên, với những bằng chứng ít ỏi, chưa đủ quy kết tội danh gián điệp thì nhiều người cho rằng Mata Hari chỉ là vật hy sinh cho những thất bại của quân đội Pháp trong chiến tranh.
Từ Hà Lan tới kinh đô Paris hoa lệ
Mata Hari tên thật là Margaretha Geertruida sinh năm 1876 tại thị trấn Leyvarden thuộc miền Bắc Hà Lan. Cô là con gái đầu lòng của một gia đình buôn bán mũ phát đạt, mẹ cô là vợ cả và cô có 3 người em trai. Margaretha có thời thơ ấu xa hoa vì ngoài việc buôn bán mũ, cha cô còn là một nhà đầu tư thành công trong ngành dầu mỏ.
Không những thế, Margaretha còn may mắn được trời ban cho làn da bánh mật, cặp môi dày và đôi mắt to đen láy như một thiếu nữ phương Đông tuyệt sắc. Cuộc sống của cô là niềm mơ ước của bao đứa trẻ trong thị trấn Leyvarden lúc bấy giờ. Tuy nhiên, vào năm 1889 việc buôn bán của gia đình Margaretha bị phá sản, cha mẹ cô ly dị và sau đó mẹ cô qua đời. Cha cô tái hôn nhưng không có con.
Vũ nữ Hata Mari đã từng làm cả Paris và châu Âu chao đảo
Năm 1895 Margaretha kết hôn với Rudolf một sĩ quan quân đội thuộc địa Hà Lan hơn cô 22 tuổi. Hai người quen biết nhau qua mục kết bạn trăm năm của một tờ báo. Cuộc hôn nhân như một bàn đạp để cô tiến vào thế giới thượng lưu và có một cuộc sống vật chất đầy đủ, sung túc. Sau khi kết hôn họ chuyển đến đảo Java và có 2 người con.
Cuộc sống gia đình hạnh phúc không được bao lâu thì tình cảm vợ chồng cô rạn nứt do Rudolf ngày càng phát hiện ra sự thật vợ mình không phải là một người phụ nữ toàn tâm với gia đình như chính cô đã từng nói. “Tôi muốn sống như một con bướm đầy màu sắc dưới ánh nắng mặt trời”, sau này cô thú nhận. Và thực tế là đi đến đâu Margaretha cũng thu hút ánh mắt của tất cả đàn ông, ở cô luôn hiện hữu một tín hiệu gợi tình người khác giới.
Có lẽ vì ghen tuông mà chồng cô trở nên nghiện rượu và công khai có vợ lẽ. Tình yêu giữa họ dần dần chết đi và thực sự kết thúc bằng cái chết của đứa con trai đầu với nghi ngờ bị bệnh giang mai do người cha truyền sang. Họ ly thân vào năm 1902 và chính thức ly dị vào năm 1907.
Trong thời gian đang ly thân, Rudolf không chịu chia cho Margaretha bất kì tài sản nào, cô không còn gì ngoài nhan sắc trời cho. Và Margaretha đã xác định sắc đẹp chính là công cụ để nuôi sống cô. Tuy nhiên, Hà Lan không phải là nơi để sử dụng được công cụ ấy một cách triệt để nhất, Margaretha đã quyết định mang nó tới kinh đô Paris hoa lệ của nước Pháp. Với việc thu hút được đông đảo khách hàng quý tộc lắm tiền nhiều của, thu nhập của Mata Hari đứng vào hàng khủng, cô trở thành vũ nữ có cát-xê cao nhất thủ đô Paris và châu Âu thời bấy giờ.
Cô sống trong những căn phòng tráng lệ, lộng lẫy và vây xung quanh là những người hâm mộ giàu sang, bề thế, trong đó có vua Sôcôla Meni. Trong vòng 10 năm, Mata Hari là cái tên thường xuyên được xuất hiện trên báo chí, ảnh khỏa thân của cô được treo đầy các cửa tiệm lớn ở Paris, thậm chí vị trí của cô còn được đặt cao hơn cả Aisedora Duncan - vũ nữ Hoa Kỳ nổi tiếng và là người tình của nhà thơ Nga Esenin.
Các nhà phê bình nghệ thuật tán thưởng những vũ điệu của cô: Lúc như một chú mèo run rẩy trong từng nhịp điệu lúc lại mảnh mai và dẻo dai như một con rắn. Mata Hari có mối quan hệ với các sĩ quan cao cấp, các chính trị gia và những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới nhiều nước. Những nhân vật cấp cao đó thường xuyên đưa cô qua biên giới quốc tế.
Trước Thế chiến thứ nhất, cô được xem như một nghệ sĩ có tinh thần tự do phóng túng nhưng khi chiến tranh đến gần người ta thấy cô có biểu hiện của một người phụ nữ lăng nhăng, bừa bãi và thậm chí là nguy hiểm cần đề phòng.
Quang cảnh buổi xử tử Hata Mari vào ngày 15/10/1917
Điệp viên mang mã số H-21
Trong Thế chiến thứ nhất, Hà Lan vẫn là một quốc gia trung lập. Là người Hà Lan nên Matta Hari được tự do đi lại giữa Pháp và Hà Lan qua Tây Ban Nha, Anh. Việc đi lại thường xuyên này của cô đã lọt vào tầm ngắm của những nhà quân sự và họ nghi ngờ cô là gián điệp.
Theo một số tài liệu thì vào năm 1914, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra cũng là lúc Mata Hari không còn sức hấp dẫn đối với khách làng chơi nữa. Và để có tiền phục vụ cho thói ăn chơi xa xỉ của mình, cô đã đồng ý dùng các mối quan hệ với các nhân vật cấp cao để làm điệp viên cho Cục tình báo Đức. Cô được đặt mật hiệu H-21 với ý nghĩa H là tên nước Hà Lan và 21 là số thứ tự điệp viên được tuyển dụng.
Nhiệm vụ của H-21 là thu thập tin tức có liên quan đến hoạt động quân sự của Pháp ở Paris và các khu vực chiến lược quan trọng rồi thông báo cho cơ quan tình báo Đức. Tuy nhiên, bà Elsa Shragmuyller - người được cho là cấp trên phụ trách Mata Hari sau này đã phủ nhận những lời buộc tội của Tòa án Pháp đối với hoạt động gián điệp của cô.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà Elsa Shragmuyller viết: Bản án xét xử Mata Hari theo đúng luật pháp và phù hợp với tinh thần thời đại. Nhưng tòa án binh Pháp vẫn cứ mắc sai lầm khi nghĩ rằng bằng việc xóa sổ điệp viên H-21 Pháp đã giáng một đòn chí tử vào Cục tình báo Đức. Vấn đề là ở chỗ H-21 không gây tổn thất gì cho nước Pháp vì những tin tức mà H-21 cung cấp cho chúng ta không bao giờ được sử dụng cả. Chúng không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Có thể nói số phận của Mata Hari là một bi kịch. Cô ta đã liều mạng một cách vô ích.
Trong tháng 1/1917, một tùy viên quân sự Đức ở Madrid trong một chương trình trên đài phát thanh Berlin đã đề cập tới các hoạt động hữu ích của một điệp viên Đức mang mã bí danh H-21. Nhân viên tình báo Pháp đã chặn các tin nhắn phát đi và từ những nguồn thông tin khác xác định H-21 chính là Matta Hari. Tuy nhiên, các tin nhắn trong một mã mà tình báo Đức chặn được đã bị người Pháp hủy bỏ và một số nhà nghiên cứu lịch sử nghi ngờ rằng những tin nhắn đó đã bị tạo giả.
Mata Hari bị tòa án quân sự Pháp đưa ra xét xử, bị buộc tội làm gián điệp cho Đức và hậu quả làm 17 tàu chiến của liên quân bị chìm, gần một sư đoàn quân bị thiệt mạng. Mata Hari đã viết nhiều thư cầu cứu tới lãnh sự Hà Lan tại Paris nói rằng cô vô tội: “Việc liên hệ quốc tế là nhằm mục đích công việc vũ công của tôi, không có mục đích gì khác. Nhưng họ đã kết luận tôi làm gián điệp, một việc làm khủng khiếp mà tôi không thể làm được gì để chứng minh mình trong sạch. Nhưng tất cả những lời kêu cứu ấy đều vô ích. Cô bị xử bắn vào ngày 15/10/1917 ở tuổi 41.
Chính trung úy Morne - chánh công tố viên từng buộc tội Mata Hari tại tòa án quân sự cũng đã có phát biểu sau khi cô bị xử tử mấy năm như sau: “Các vị có biết không? Những chứng cứ trong vụ án Mata Hari thậm chí không đủ để giết một con mèo”.
Đinh Nhung