Vụ án nhiều uẩn khúc
Trong các số báo trước, Nguoiduatin.vn có nhiều bài phản ánh vụ án thương tâm này dưới nhiều góc độ khác nhau, cả về tình và lý. Là người được bị cáo Hoàng Thị Vấn (SN 1969, dân tộc Nùng, trú tại phường Đề Thám, TP. Cao Bằng) mời bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra, LS Phạm Văn Huỳnh - trưởng văn phòng Luật sư Tâm Đức (đoàn LS TP. Hà Nội) cho rằng, đây là một vụ án hy hữu. "Hy hữu ở chỗ cơ quan CSĐT đã xác định thủ phạm giết bà Triệu Thị Tiền là cô con dâu Hoàng Thị Vấn nhưng chồng và các con của bị hại ra sức kêu oan cho cô con dâu. Điều này phù hợp với những lần LS Huỳnh vào trong trại giam gặp thân chủ, bị can Hoàng Thị Vấn một mực kêu oan, mặc dù trước đó đã nhận tội. Chính vì vậy, trong quá trình phá án, chúng tôi rất thận trọng và cố gắng tìm kiếm được nhiều chứng cứ để giúp cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật”, LS Huỳnh tâm sự.
Bị cáo Hoàng Thị Vấn trong phiên tòa sơ thẩm.
Nhớ lại phiên tòa sơ thẩm tại TAND tỉnh Cao Bằng, LS Phạm Văn Huỳnh cho hay, bị cáo Hoàng Thị Vấn kêu oan, cho rằng mình không giết bà mẹ chồng Triệu Thị Tiền và phản cung các lời khai trước đây của mình tại cơ quan điều tra. Lý do bị cáo đưa ra là bị cán bộ điều tra ép cung, mớm cung. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Cao Bằng vẫn giữ nguyên lời buộc tội đối với bị cáo Hoàng Thị Vấn về tội giết người theo khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Theo đó, khoảng 6h sáng 5/2/2012, Hoàng Thị Vấn tỉnh dậy và đi ra sau nhà rửa bát. Vấn đứng nói chuyện với bà mẹ chồng. Muốn có nhiều cháu nội cho vui cửa, vui nhà, nên bà Tiền khuyên con dâu đẻ thêm con (vợ chồng Vấn đã có hai con gái). Lúc đó, Vấn đã tỏ thái độ dứt khoát với mẹ chồng: "Bà có giỏi thì bà đẻ đi".
Nghe con dâu nói vậy, bà Tiền tát vào mặt con dâu. Mới sáng ra bị đánh đau, Hoàng Thị Vấn tức giận vớ cái búa đinh để gần đó, đập 6 nhát búa chí mạng vào đầu mẹ chồng. Bà Tiền tuổi cao sức yếu, người lại thấp bé (cao 1,45m) đã ngã quỵ xuống nền xi măng, chết ngay tại chỗ. Vấn đã dùng áo mưa, các vỏ hộp bìa cát tông đựng mỳ tôm phủ kín lên xác bà Tiền. Thấy còn nhiều vết máu vung vãi ở hiện trường, Vấn dùng dầu gội đầu clear và nước để xóa sạch dấu vết. Sau đó, Vấn cầm một con dao i nox tự rạch vào đầu mình, rồi nằm xuống nhà kêu cứu (tạo ra lý do bị đối tượng khác tấn công). Trong lúc tìm dấu vết kẻ trộm trong nhà, mọi người phát hiện xác bà Hòe được giấu dưới tấm áo đi mưa và các vỏ thùng đựng mỳ tôm đè lên. Ban đầu, Hoàng Thị Vấn chối tội, nhưng cuối cùng đã nhận tội giết mẹ chồng. Chính vì vậy, VKSND tỉnh Cao Bằng đã truy tố bị cáo Hoàng Thị Vấn ra trước TAND tỉnh Cao Bằng, xét xử về tội Giết người.
LS Huỳnh kể tiếp: "Tại phiên tòa sơ thẩm, tôi đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy tài liệu cơ quan điều tra thu thập còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm sáng rõ. Ví dụ: Khi bà Tiền bị giết có khăn quàng cổ, nhưng Vấn khai không có khăn quàng cổ. Dây điện quấn cổ bà Tiền, chiếc búa, chiếc kéo dùng để cứa dây điện, lọ dầu gội đầu nhãn hiệu clear dùng để xóa dấu vết, gấu bông... Tất cả các đồ vật gửi đi giám định đều không có dấu vân tay của bị can Hoàng Thị Vấn. Đặc biệt con gấu bông Vấn khai dùng để lau máu nạn nhân (bà Tiền), nhưng khi giám định lại không phải là máu của bà Tiền mà là máu của Vấn". Những điều LS Huỳnh nêu ra đã làm phiên tòa nóng lên đến đỉnh điểm. Các thành viên trong HĐXX và nhiều người tham dự phiên tòa càng sửng sốt hơn khi nghe LS Huỳnh cho hay: "Cáo trạng không kết luận về dấu vết máu thu được trên tường tầng 2 nhà ở của bị cáo Vấn”. Theo LS Huỳnh, vết máu đó là điểm thắt nút của vụ án giết người này...?!. "Tôi đã yêu cầu Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ những uẩn khúc nêu trên nhưng không được HĐXX chấp nhận. Kết thúc phiên tòa, bị cáo Hoàng Thị Vấn bị kết án tù chung thân", LS Huỳnh nhớ lại.
LS Phạm Văn Huỳnh (ảnh Bảo Lâm).
Những tình tiết cần làm rõ
Cũng xin nói thêm, ngay sau khi bà Triệu Thị Tiền qua đời vì bị đập vỡ sọ bằng 6 nhát búa, PV đã có mặt tại hiện trường, tìm hiểu thêm thông tin. Theo bà con hàng xóm gần nhà nạn nhân cho biết, Hoàng Thị Vấn sống hòa thuận với mẹ chồng. Khi Vấn bị bắt, nhiều người thân trong gia đình nhà chồng không ai tin Vấn làm điều đó.
"Sau phiên toà, bị cáo Hoàng Thị Vấn đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cao Bằng. Theo nguyện vọng của gia đình, tôi tiếp tục được mời bào chữa cho bị can Hoàng Thị Vấn tại phiên tòa phúc thẩm", LS Phạm Văn Huỳnh kể tiếp. Bằng niềm tin nội tâm, cộng với nhiều chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, LS Huỳnh khẳng định Hoàng Thị Vấn chưa hẳn là thủ phạm giết bà Tiền. Chính vì vậy, ông đã dồn hết tâm sức vào phiên tòa phúc thẩm, những mong băn khoăn của mình sẽ được HĐXX TAND tối cao tại Hà Nội xem xét một cách thấu tình, đạt lý. "Không chỉ bị cáo kháng cáo bản án mà đại diện hợp pháp của người bị hại cũng kháng cáo theo hướng minh oan cho bị cáo Vấn khiến tôi càng thêm vững tin vào nhận định của mình", LS Huỳnh trải lòng với PV báo ĐS&PL.
Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hoàng Thị Vấn không thừa nhận hành vi phạm tội mà bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra với lý do bị bức cung, bị đánh!? Các chi tiết khác trong vụ án mà bị cáo thừa nhận là do điều tra viên nói cho biết?!
Trong bài bào chữa của mình, ngay từ đầu LS Phạm Văn Huỳnh cho rằng đây là một vụ án "bắt tay truy xét", chứ không phải bắt quả tang. Mặc dù trong nhiều bút lục, bị cáo Vấn khai mình là hung thủ giết bà Triệu Thị Tiền, nạn nhân mặc quần áo đen cổ áo len màu nâu, không quàng khăn. Cơ quan điều tra đã ghi nhận lời khai này như là một chứng cứ buộc tội xác đáng.
Thế nhưng, khi xem bản ảnh, LS Huỳnh phát hiện nạn nhân lại mặc quần đen, bên trong là áo hoa xanh, một áo gi lê màu nâu đỏ và áo len dài màu nâu đỏ, cổ có quấn khăn. LS Huỳnh đặt câu hỏi với HĐXX: "Xin hỏi nạn nhân trong bản ảnh có phải là nạn nhân mà theo lời khai do bị cáo giết hay không? Đây là một mâu thuẫn đặc biệt để khẳng định lại lời khai của bị cáo có phù hợp với đặc điểm thực tế không".
LS Huỳnh tiếp lời, tại bút lục số 53, bị cáo khai dùng dây điện thắt cổ bà Tiền, khi nhìn thấy vết lằn màu đỏ mới bỏ tay ra. Nhưng thực tế trong biên bản pháp y lại không nói gì tới vết lằn trên cổ của nạn nhân. "Trong phiên tòa phúc thẩm, tôi nhấn mạnh với HĐXX rằng các dấu vết vân tay tại hiện trường xảy ra vụ án và các đồ vật, phương tiện gây án mà cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường đã thu giữ được đều không có dấu vân tay của bị cáo Hoàng Thị Vấn", LS Phạm Văn Huỳnh nhớ lại. Chính vì vậy, LS Huỳnh đề nghị với HĐXX Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
"Mọi cố gắng của chúng tôi đã được đền đáp, HĐXX đã tuyên án: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 02/2013HSST của TAND tỉnh Cao Bằng, chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Cao Bằng để điều tra lại theo quy định của pháp luật", LS Phạm Văn Huỳnh xúc động kể lại. Tới đây, vụ án này còn nhiều điều phải bàn, LS Huỳnh cho biết sẽ tiếp tục cùng cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra hung thủ thực gây ra cái chết của bà Tiền.
Huỷ án sơ thẩm Giữ quyền công tố, vị đại diện VKSND tối cao đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án chưa được làm rõ: Có ba vết ta lông đế giày đỏ thạch cao, nhưng chưa có kết quả giám định. Vết máu, dây điện buộc cổ, băng dính quấn chân bị cáo, vân mờ trên hộp miến để che đậy xác bà Tiền không phải là vân tay của bị cáo. Biên bản nghị án chỉ có 3/3 thành viên. Từ các vấn đề nêu trên, VKSND tối cao đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, kiến nghị cơ quan điều tra thay đổi các điều tra viên đã tham gia điều tra vụ án này. |
Thiên Long