Ngày 3/11, đoàn thanh tra Thành ủy Đà Nẵng bắt đầu tiến hành quá trình kiểm tra với công ty công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ (viết tắt: công ty hóa chất mỏ TTB - trụ sở tại 137 Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng - một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất Mỏ Vinacomin - thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam).
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn thanh tra sẽ làm rõ những sai phạm (nếu có) và xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của những người liên quan và cấp ủy trong công tác quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ sai phạm.
Trước đó, dư luận xôn xao trước thông tin công ty hóa chất mỏ TTB sử dụng hóa đơn "tiếp khách" (ăn uống) của các đơn vị chuyên mua buôn bán bu lông, ốc vít, phụ tùng ô tô... để thanh, quyết toán chi phí"“ăn uống" của đơn vị mình nhằm “hợp thức hóa chi phí đầu vào”... gây thất thu cho Nhà nước và tiếp tay cho những tội phạm tham nhũng.
Theo hồ sơ - chứng từ PV nắm được, danh sách các hộ kinh doanh đã "cung cấp" hóa đơn có nội dung ăn uống (tiếp khách) cho công ty hoác chất mỏ TTB, như: bà Huỳnh Thị Phương Nga (địa chỉ 06 Mạc Đĩnh Chi; Mã số thuế (MST): 0400158104) bà Nguyễn Hoàng Thủy Tiên (địa chỉ K169/3 Lê Duẩn; MST: 0401615917). Các ông Huỳnh Viết Tuấn (17 Mạc Đĩnh Chi, MST: 0401214584); Nguyễn Thảo (03 Mạc Đĩnh Chi; MST: 0400156932);Trương Ngọc Hùng (44 Triệu Nữ Vương)...
Đây là những cơ sở kinh doanh tạp hóa, bán vật liệu xây dựng, sắt thép, kinh doanh mua bán, gia công, sửa chữa phụ tùng ô-tô, xe máy, ốc vít, sơn, đồng, sắt thép, nhựa đường... và những mặc hàng không thể tiếp khách (ăn uống) được.
Sau khi sự việc bị phát giác, ông Trần Đình Tạo (Giám đốc công ty hóa chất mỏ TTB) phát biểu: “Việc mua hóa đơn, chứng từ như chúng tôi là sai, nhưng nếu không mua hóa đơn, sẽ không cạnh tranh lại với các doanh nghiệp tư nhân.
Chúng tôi làm công trình ở vùng sâu vùng xa, mà tiếp khách ở những miền núi, họ đâu có hóa đơn, nên anh em họ về đây mua hóa đơn cũng phải thông cảm. Nếu không mua hóa đơn như thế này thì 3 năm nữa thôi, công ty sẽ phá sản…”.
Để kiểm chứng lại phát biểu: “Nếu không mua hóa đơn như thế này, 3 năm nữa thôi, công ty sẽ phá sản…” của ông Tạo, nhóm PV phát hiện: Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng cán bộ của công ty hóa chất mỏ TTB vẫn "xuất hiện" ở các điểm buôn bán hóa đơn trái phép.
Vậy việc mua ''hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn'' này là có sự chỉ đạo từ lãnh đạo công ty hay cá nhân nhân viên công ty tự ý đi mua nhằm thu lợi bất chính? Và những người đi mua này đang giữ chức vụ gì trong công ty?
Trong vụ việc này, Cục thuế TP. Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra và đưa ra kết luận công ty hóa chất mỏ TTB đã có những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ và buộc công ty hóa chất mỏ TTB phải xuất toán lại số tiền khoảng 2,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi số tiền 2,2 tỷ đồng đó được thanh tra chỉ trong 2 năm 2013 và 2014. Riêng năm 2015 và những năm trước đó, lại không thấy đề cập đến.
Cũng theo nguồn tin của PV, sau khi Cục thuế Đà Nẵng yêu cầu xuất toán số tiền trên, công ty hóa chất mỏ TTB đã lập danh sách 26 người đã từng được Giám đốc và kế toán trưởng công ty duyệt cho sử dụng hóa đơn sai phạm để thanh, quyết toán ký vào phiếu thu nộp lại số tiền này.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là với số tiền đã thanh quyết toán khống thông qua những hóa đơn khống được kiểm duyệt của Giám đốc và kết toán trưởng công ty này chảy vào túi ai nhưng đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Điều quan trọng hơn, số tiền khoảng 2,2 tỷ sai phạm đã nộp lại cho cơ quan nhà nước thì công ty lấy ở đâu ra để nộp !?.
Đáng nói ở đây, những sai phạm có hệ thống, kéo dài trong nhiều năm và đã có kết luận của cơ quan thuế nhưng bản thân của ông Trần Đình Tạo và những người liên quan không bị xử lý, truy cứu trách nhiệm. Ngược lại, ngày 22/7/2016, Tổng công ty công nghiệp hóa chất mỏ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-MICCO về việc điều động và bổ nhiệm cán bộ.
Theo đó, ông Trần Đình Tạo – Giám đốc Công ty hóa chất mỏ TTB thôi giữ cương vị trên, được điều động và bổ nhiệm có thời hạn giữ chức Phó giám đốc Công ty hóa chất mỏ Nam Trung Bộ kể từ ngày 1/8/2016. Thời hạn ông Tạo giữ chức vụ trên là 5 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
Với quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ của Tổng công ty công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin đối với ông Trần Đình Tạo liệu có gì khuất tấc hay là sự bao che, dung túng cho những sai phạm của cán bộ thuộc đơn vị mình quản lý ?
Hiện Nhà nước luôn có chủ trương chống tham nhũng, chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí. Việc một công ty của Nhà nước mỗi tháng tiếp khách đến hàng chục triệu đồng, đã khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Huống gì những hóa đơn ấy lại được mua, khai khống thì còn là vấn đề tiêu cực nữa? Nhưng đó cũng chỉ là hóa đơn sai phạm ở lĩnh vực "ăn uống" bị cơ quan thuế thanh tra, phát hiện, còn nhưng hóa đơn, chứng từ thanh quyết toán khác của công ty hóa chất mỏ TTB chưa kiểm tra thì sao?
Các câu trả lời sẽ được giải đáp cụ thể sau khi đoàn kiểm tra của Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng đưa ra kết luận và sự vào cuộc của các ngành chức năng.
Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Nguyễn Tuấn