Được Thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai phân công trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến con số thuế mà Uber và Grab đã nộp, song ông Nguyễn Đại Trí không trả lời ngay vào câu hỏi mà giải thích lại về cách tính thuế áp dụng đối với hai hãng taxi công nghệ này.
Ông Trí cho biết, thời gian qua, bộ Tài chính, tổng cục Thuế nhận được một số phản ánh của báo chí liên quan đến việc phụ trách thuế thu từ hoạt động kinh doanh của hai hãng taxi Uber và Grab.
Về vấn đề này, tổng cục Thế đã có công văn hướng dẫn, giải đáp cụ thể. Cụ thể là Công văn 11828 ngày 24/8/2016 gửi cục Thuế các tỉnh thành, hướng dẫn áp dụng hình thức thu thuế đối với loại hình kinh doanh vận tải của Uber, Grab.
Đồng thời cơ quan này cũng có Công văn số 3166 ngày 10/3/2017 gửi Hiệp hội Taxi TP.HCM hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc, ý kiến về chính sách thuế của hiệp hội này. Ngoài ra còn có Công văn số 5471 gửi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng liên quan đến nội dung về chính sách thuế áp dụng đối với hai doanh nghiệp vận tải nói trên.
“Trong các văn bản đó, chúng tôi khẳng định một nguyên tắc: Pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, về mức thuế suất, điều kiện đầu tư, chế độ miễn giảm. Doanh nghiệp ở đây chia làm hai nhóm: Doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí thu nhập thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai. Còn phương pháp xác định tỉ lệ thuế chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài mà không đáp ứng được các điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai” – người đứng đầu vụ Chính sách thuế khẳng định.
Giải thích rõ hơn trường hợp của Uber và Grab, lãnh đạo vụ Chính sách thuế cho biết, công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không đáp ứng điều kiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.
Căn cứ quy định tại Thông tư 60/2012 ngày 12/4/2012 và Thông tư 103/2014 ngày 6/8/2014 của bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì tỉ lệ để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%; tỉ lệ để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng là 2%.
Với các đối tác Việt Nam ký kết hợp đồng với Uber Hà Lan để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng. Đối với cá nhân ký kết hợp đồng với Uber Hà Lan, tỉ lệ để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%; tỉ lệ để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên doanh thu được hưởng là 1,5%.
"Tương tự như vậy, đối với Grab trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ cũng như hướng dẫn cho Uber, chúng tôi đã có Công văn 384 ngày 08/02/2017 gửi cục Thuế các tỉnh thành hướng dẫn áp dụng tương tự cho Grab", ông Trí nói.
Cuối cùng, ông Trí cho biết do chưa chuẩn bị nên chưa đưa ra được con số thuế đã thu từ Uber và Grab và hẹn phóng viên sẽ cung cấp vào một dịp khác.
Năm 2014, trong khi thị trường taxi ở Việt Nam được coi là đang có sự tăng trưởng tốt thì xuất hiện nhân tố mới là Grab (một hãng taxi công nghệ có trụ sở chính ở Malaysia) và sau đó là Uber (công ty có trụ sở đặt tại Mỹ). Không bao lâu sau đó, nó được đón nhận nhiệt tình bởi tính tiện lợi, giá rẻ, minh bạch thông tin về giá cước, quãng đường, thông tin về lái xe...
Điều đáng nói, trong khi hai “đứa con nuôi” Uber và Grab được thị trường cưng chiều như hiện tượng thì những “con đẻ” taxi truyền thống mà đại diện là hai “ông lớn” Mai Linh và Vinasun bắt đầu nắm tay nhau lao dốc, đồng thời với sự xoay lưng ngày càng nhiều của khách hàng.
Từ đó, các hãng taxi truyền thông bắt đầu quay sang đổ lỗi cho Uber và Grab không tôn trọng luật chơi, thể hiện ở việc phá giá thị trường, đồng thời “tỵ nạnh” khi cơ quan quản lý có nhiều ưu ái taxi công nghệ: Không quản lý giá, không cấm đường, tăng trưởng nóng, áp dụng cách tính thuế riêng biệt... khiến cho sân chơi trở nên thiếu công bằng.
Để phản đối việc nộp thuế mà taxi truyền thống cho là không tương xứng, một số hãng đã dán khẩu hiệu ở đuôi xe với nội dung “50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”. Tuy nhiên, con số này chỉ là do một số hãng taxi cung cấp chứ chưa được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận.