Số tiền đầu tư này đã khiến giá trị của Grab tăng vọt lên hơn 6 tỉ USD, cao gấp đôi so với giá trị 3 tỉ USD mà hãng này được định giá sau vòng gọi vốn hồi tháng 9/2016. Khi đó, Grab huy động được thêm 750 triệu USD.
Các nhà đầu tư Didi và SoftBank đều kì vọng Grab sẽ đánh bật Uber khỏi thị trường Đông Nam Á, giống như cái cách mà Didi làm với Uber thời gian qua. Uber đã phải bán mình cho chính Didi tại thị trường Trung Quốc và mới đây tiếp tục bán mảng kinh doanh tại Nga cho Yandex.
Grab hiện đang có mặt tại 7/11 nước trong khu vực Động Nam Á, với 50.000.000 lượt tải ứng dụng và 1.100.000 lái xe đăng kí sử dụng. Bên cạnh xe tư nhân và taxi, Grab còn cung cấp dịch vụ xe ôm, xe bus tùy theo đặc thù mỗi quốc gia.
Trong thời gian tới để mở rộng kinh doanh, Grab đang phát triển nền tảng thanh toán di động sử dụng thẻ tín dụng. Hiện tại, thị trường Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới là thị trường trọng điểm của Grab.
Indonesia được dự báo sẽ chiếm hơn một nửa doanh thu của các dịch vụ đi xe trực tuyến tại Đông Nam Á vào năm 2025. Grab mới đây vừa công bố một chương trình đầu tư tới 700 triệu USD để xây dựng các dịch vụ ở Indonesia, trong đó ít nhất 100 triệu USD sẽ dành cho các khoản đầu tư và mua lại các công ty khác.
Đức Trọng