Theo hãng tin CNN, nhà chức trách Philippines đã yêu cầu công ty dịch vụ gọi xe lớn nhất thế giới nộp phạt 190 triệu Peso để dỡ lệnh cấm. Ngoài ra, Uber phải nộp thêm 300 triệu Peso để bồi thường tài xế của hãng ở Philippines trong những ngày họ không thể làm việc. Tổng số tiền mà Uber phải nộp tương đương gần 10 triệu USD.
Uber cho biết đã bắt đầu hoạt động trở lại tại Philippines từ buổi tối ngày thứ Ba, và sẽ tiến đến cung cấp dịch vụ đầy đủ tại nước này trong những ngày tới.
“Chúng tôi biết ơn tất cả sự hỗ trợ của hành khách và tài xế trong mấy tuần qua”, một tuyên bố của công ty có đoạn viết.
Thiệt hại tài chính 10 triệu USD ở Philippines, cùng với hai tuần bị ngừng hoạt động tại đây, là một trở ngại nữa đối với Uber trong bối cảnh công ty tiếp tục giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc nhà đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành (CEO) Travis Kalanick từ chức.
Ngày 29/8, Uber đã tuyên bố bổ nhiệm ông Dara Khosrovshahi, người trước đó là CEO của công ty lữ hành Expedia, vào vị trí CEO của hãng.
Trên cương vị người điều hành cấp cao nhất của Uber, ông Khosrowshahi sẽ đối mặt với một loạt khó khăn, bao gồm tình trạng thua lỗ triền miên, một vụ kiện về bí quyết thương mại do Waymo - một công ty con của Alphabet - khởi kiện, thương hiệu sứt mẻ, và những cáo buộc về hành vi thiếu chuẩn mực của nhiều trong số hươn 15.000 tài xế Uber trên toàn cầu.
Ngoài ra, Uber cũng đã tính khả năng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nhưng thời hạn của vụ phát hành đến nay vẫn chưa được xác định.
Giữa lúc cuộc chiến tại thị trường Đông Nam Á giữa Uber và đối thủ Grab đang diễn ra quyết liệt, vào hôm 15/8 Uber bị nhà chức trách Philippines dừng hoạt động. Lý do của động thái này là Uber không tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng về dừng tuyển tài xế mới trong lúc nhà chức trách rà soát các quy chế giám sát.
Nhà chức trách nói Grab tuân thủ yêu cầu trên còn Uber thì không, dẫn tới việc Uber bị đình chỉ.
Theo VnEcomomy