Theo Nghị quyết này, các phường trực thuộc quận, thị xã sẽ không còn Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn vẫn duy trì như cũ (Gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân).
Việc thay đổi này đồng nghĩa với việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã có thêm quyền hạn và nhiệm vụ mới.
Theo đó, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân phường.
Chính việc không còn Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường.
Ngoài ra, Chủ tịch phường phải trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, một trong những chủ trương lớn của Đảng hiện nay là đẩy mạnh cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Công Luân - Hoa Liên