Quy định đột phá từ Luật Thủ đô sửa đổi
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội đối mặt với vô số thách thức về quản lý trật tự xây dựng. Vi phạm quy hoạch, xây dựng sai phép và đặc biệt là không tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã trở thành những vấn đề nhức nhối.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế và xử phạt, không ít công trình vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động, tạo ra nguy cơ cho cộng đồng xung quanh.
Theo khoản 2, Điều 33, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa qua được Quốc hội thông qua quy định, trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, thi công không đúng theo thiết kế về PCCC…
Quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, được kỳ vọng sẽ mang lại một giải pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết triệt để các vi phạm về xây dựng và PCCC.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thái - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội khẳng định sự đồng thuận của chính quyền địa phương. Quy định mới, sẽ là “công cụ” giúp các địa phương chủ động, kịp thời trong việc xử lý các công trình vi phạm.
Bà Thái cho rằng, biện pháp ngừng cung cấp điện, nước không chỉ là giải pháp xử lý vi phạm tức thời mà còn mang tính chất cải tổ, tạo ra áp lực để các chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc các quy định từ giai đoạn đầu của dự án.
“Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý các công trình vi phạm. Không ít chủ đầu tư cố tình không hợp tác, khiến việc cưỡng chế kéo dài và gây ra nhiều bất cập. Biện pháp ngừng cung cấp điện, nước là một sự cần thiết để buộc họ phải tuân thủ quy định một cách nghiêm túc”, bà Thái chia sẻ.
Thực tế, một trong những bất cập hiện nay là chỉ khi có quyết định cưỡng chế, chính quyền địa phương mới có thể đề xuất ngừng cung cấp điện, nước. Và khoảng thời gian từ đề xuất đến thực hiện thường kéo dài, tạo điều kiện cho chủ đầu tư lợi dụng để tiếp tục vi phạm.
Do đó, bà Thái cho rằng biện pháp ngừng cấp điện, nước không chỉ đơn thuần là sự “trừng phạt”, mà còn mang tính chất cải tổ, đòi hỏi sự nhất quán trong quá trình triển khai.
Nhưng để đảm bảo sự công bằng và minh bạch, bà Thái cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng như UBND các cấp, Điện lực Hà Nội và các công ty cấp nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, với quy trình thực hiện rõ ràng.
Việc thực hiện phải dựa trên những đánh giá toàn diện, với quy trình rõ ràng và minh bạch, tránh để xảy ra tình trạng bất bình trong cộng đồng.
“Ngoài ra, mỗi quyết định ngừng cấp điện, nước đều phải được đánh giá một cách toàn diện, không thể chỉ dựa trên một vài vi phạm mà bỏ qua các yếu tố khác. Điều này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên, từ chính quyền địa phương đến các cơ quan chuyên môn”, bà Thái chia sẻ thêm.
Các lãnh đạo UBND các cấp đều đánh giá cao Luật Thủ đô sửa đổi lần này và hy vọng rằng biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý trật tự xây dựng, PCCC. Nhiều người cho rằng đây là một bước đi quyết liệt, nhưng cần phải được thực hiện một cách bài bản để tránh các tình huống phức tạp phát sinh.
“Chúng tôi hy vọng rằng với sức ép từ việc ngừng cung cấp điện, nước, các chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc tuân thủ pháp luật ngay từ đầu, không để tình trạng vi phạm kéo dài.
Tôi tin rằng, với sự quyết liệt và thực thi chặt chẽ, chúng ta sẽ dần thấy sự thay đổi. Các vi phạm về xây dựng và PCCC sẽ giảm thiểu, đồng thời môi trường sống của người dân sẽ trở nên an toàn và bền vững hơn”, bà Thái nhấn mạnh.
Những kỳ vọng của người dân
Không chỉ các nhà quản lý, mà nhiều người dân Thủ đô cũng đặt nhiều kỳ vọng vào biện pháp mới này. Đơn cử, anh Hoàng Minh (quận Cầu Giấy) chia sẻ, bản thân mong rằng với biện pháp mạnh này, những cơ sở vi phạm sẽ phải chấm dứt hành vi coi thường pháp luật. Đây không chỉ là sự bảo vệ cho chính chúng tôi, mà còn cho sự an toàn của cả cộng đồng.
“Chúng tôi đã sống trong nỗi lo sợ quá lâu rồi. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong chính quyền sẽ thực hiện thật nghiêm túc, để không còn phải lo lắng mỗi khi đi ngủ”, anh nói.
Bà Phạm Thị Hòa (quận Đống Đa) bày tỏ: “Tôi tin rằng, khi mọi người thấy hậu quả thực sự của việc vi phạm, họ sẽ dừng lại. Sự an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Điều tôi mong mỏi nhất là các quy định sẽ được thực hiện minh bạch, công bằng, không để bất kỳ ai bị ảnh hưởng ngoài ý muốn".
Bà Hoà còn cho hay, việc ngừng cung cấp điện, nước không chỉ là một biện pháp tức thời, mà còn là sự thay đổi mang tính chiến lược trong công tác quản lý xây dựng đô thị và PCCC. Thực tiễn cho thấy, những hình thức phạt tiền trước đây không đủ để ngăn chặn các vi phạm, khi mà nhiều chủ đầu tư sẵn sàng bỏ qua quy định vì lợi nhuận.
Khi áp dụng cắt cung cấp điện, nước, hoạt động của những công trình vi phạm sẽ bị ngừng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này chắc chắn khiến các chủ đầu tư không thể “bất chấp vi phạm” như trước.
Kim Thoa - Ngọc Tân