Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, sáng 14/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Tại phiên họp, sau khi nghe Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), UBTVQH đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành Luật; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; Tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của dự thảo;…
Đồng thời, cho ý kiến và góp ý cụ thể đối về tên gọi, phạm vi và đối tượng áp dụng liên quan đến các chính sách cơ bản của dự án Luật.
Cũng tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có phát biểu giải trình, tiếp thu làm rõ một số nội dung trọng tâm liên quan đến dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đa số ý kiến đều nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân 2014.
Đồng thời, hồ sơ của dự án Luật về cơ bản bảo đảm các yêu cầu của theo Điều 64 của Luật Ban hành bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ 4 nhóm chính sách đã báo cáo UBTVQH, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, tuân thủ Hiến pháp; đánh giá kỹ sự tác động của các chính sách, các quy định mới và bảo đảm tính khả thi khi luật được ban hành.
Đồng thời, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau phải được giải trình thấu đáo, có tính thuyết phục, đúng như tinh thần là không để ý kiến nào của đại biểu Quốc hội, của cơ quan thẩm tra mà không được giải trình.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá quá trình đã thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến căn cước công dân; tính toán chi phí ngân sách nhà nước bảo đảm việc triển khai tiết kiệm, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu của UBTVQH, báo cáo thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ gửi dự án luật đến Ủy ban Quốc phòng và An ninh để tổ chức tại phiên họp toàn thể của Ủy ban theo quy định trước khi trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án luật tiến hành thẩm tra báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây.